“Xót” tình kỹ nữ - tiến sĩ chấn động VN một thời

Google News

(Kiến Thức) - Chuyện tình của tiến sĩ Vũ Khâm Lân và cô đào xinh đẹp dù lãng mạn nhưng cũng éo le bậc nhất trong tình sử nước Việt. 

Sau một lần gặp gỡ trong đám hội, cô đào hát xinh đẹp chủ động tìm đến nhà trọ của chàng học trò nghèo. Họ đã tạo nên một câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng éo le bậc nhất trong tình sử nước Việt.

Anh hùng đoán giữa trần ai

Chàng học trò ấy không ai khác, chính là tiến sĩ Vũ Khâm Lân nổi danh sau này. Còn cô gái lúc đó là một đào nương tài sắc danh giá nhất nhì đất kinh kỳ. Mối tình của họ đã được sách Những thiên tình sử nước Việt ghi chép như một câu chuyện tình lãng mạn và cũng éo le nhất.

Vũ Khâm Lân nguyên quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương nhưng sớm mồ côi mẹ. Gặp cảnh mẹ kế con chồng khó khăn nên phải bỏ ra Thăng Long ở trọ tại đất Dịch Vọng, vừa làm thuê vừa học. Năm ấy ở Dịch Vọng mở hội. Hội năm nay đông vui hấp dẫn hơn vì có đào nương Diễm Hương trẻ đẹp hát hay có tiếng trong vùng đến diễn. Người đến xem hát đứng kín vòng trong vòng ngoài. Mỗi lần cô đào hát xong một tiết mục, người ta lại thi nhau tung tiền lên để thưởng. 

 Đào nương xưa. Ảnh minh họa. 

Như nhiều thanh niên trai tráng đến xem hội, chàng học trò nghèo Vũ Khâm Lân đã si mê nhan sắc cô đào Diễm Hương từ cái nhìn đầu tiên. Không có tiền để thưởng cho cô đào, Khâm Lân chỉ đứng nép bên cột đình lẳng lặng xem cô đào biểu diễn. Đâu ngờ cô đào lại chú ý đến anh học trò nghèo đứng nép bên cột đình mà cô nghe tiếng học giỏi đã lâu.

Bất giác đào nương đưa mắt nhìn về phía Khâm Lân thì bắt gặp ánh mắt chàng đang nhìn mình say đắm. Bốn mắt nhìn nhau làm lòng Diễm Hương xao xuyến. Nàng xúc động quá không hát được nữa. Mọi người tưởng nàng đã mệt liền dìu nàng vào trong đình nghỉ ngơi. Chàng thư sinh cũng bẽn lẽn ra về.

Thật chuyện đời cũng lắm bất ngờ, giữa thời phong kiến, tình yêu hôn nhân là chuyện gả bán của các bậc phụ huynh mà đào nương Diễm Hương lại bất chấp rào cản ấy. Sáng hôm sau, nàng chủ động tìm tới nhà trọ của Khâm Lân. Còn đang bồn chồn về chuyện người trong mộng bị ốm mà mình chưa có cách gì đến thăm thì tự nhiên người ta xuất hiện trước mặt khiến chàng thư sinh luống cuống không biết làm sao.

Bao nhiêu điều muốn biết, bao nhiêu điều muốn nói đều quên sạch, chàng chỉ ngượng nghịu hỏi: “Hôm qua chị bị ốm?”. Không dè cô đào lại bạo dạn nói như đã quen nhau từ lâu: mà chàng thì bỏ mặc chẳng đoái hoài. Rồi không để Khâm Lân thanh minh, nàng mạnh dạn đặt vào tay chàng 10 quan tiền và bảo: “Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành”.

Câu chuyện từ lúc gặp gỡ đến giờ cứ đưa Khâm Lân từ bất ngờ này đến bất ngờ khác nên chàng đâm ra ấp úng: “Xin đội ơn nàng, xin có ngày được báo đáp”. Diễm Hương dịu dàng bảo: “Chỉ xin chàng sớm khuya đèn sách, cố sức học hành, thiếp sẽ cho chu cấp tiền cho chàng ăn học”. Thế rồi từ đó, cứ vài bữa nàng lại đến thăm mang theo gạo tiền chăm sóc cho Khâm Lân. Tình yêu giữa họ dần trở nên thắm thiết.

Lạm dụng tình yêu của Diễm Hương, nhiều lần Vũ Khâm Lân muốn nàng chiều chuộng mình như vợ chồng nhưng nàng đều cự tuyệt. Nàng nói: “Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Dẫu là con nhà hát xướng nhưng chàng đừng coi thường thiếp là hạng người hư thân mất nết. Thiếp biết chàng, quý chàng tựa như tìm được người vừa ý để bỏ công giúp đỡ. Đi hát chẳng phải là kế sống mà chỉ là để thiếp chọn anh hùng từ thuở hàn vi. Xin chàng đừng coi thiếp như loại liễu ngõ hoa tường. Đời này con hát có gì là xấu chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi. Bởi thế từ nay xin cáo biệt”.

Kết thúc đau lòng

Biết Diễm Hương yêu mình cao thượng nên Khâm Lân hổ thẹn xin lỗi mãi. Nhưng từ đó nàng chỉ gửi gạo tiền đến cho chàng mà nhất định không gặp mặt nữa. Năm 1727, Vũ Khâm Lân đi thi đỗ Tiến sĩ. Sau lễ vinh quy, nhiều nhà danh giá bắn tiếng gả con gái cho chàng. Gia đình Khâm Lân cũng đã tìm được một gia đình phú hộ cho chàng làm rể. Nhớ đến cô đào đã giúp đỡ mình thành đạt, Khâm Lân toan cưỡng lại bậc sinh thành, song sự phản đối và ý chí của chàng không đủ mạnh nên đám cưới vẫn tiến hành.

 Ảnh minh họa. 

Hay tin Vũ Khâm Lân lấy vợ giàu sang, Diễm Hương đau lòng lắm. Nhưng vì muốn tận mắt nhìn lần nữa kẻ bạc tình nên nàng tìm gặp Khâm Lân. Trước mặt người tình cũ, ông tiến sĩ tân khoa lúng túng: “Tôi vẫn nhớ đến nàng nhưng số kiếp tôi không được may mắn. Nàng tha tội cho tôi”. Diễm Hương cắt ngang: “Ông đừng nói nữa. Tôi đã rõ tâm địa của kẻ phản bội”.

Tự cho là duyên phận lỡ làng, nàng không lấy ai nữa. Sau đó Khâm Lân ân hận cho tìm nàng mãi nhưng không tìm được. 20 năm sau, tình cờ Khâm Lân gặp lại nàng. Lúc này Diễm Hương sống với mẹ và đã già đi nhiều. Ái ngại cho hoàn cảnh của nàng và cũng muốn chuộc lỗi, Khâm Lân xin được đưa nàng và mẹ già về nuôi nhưng được một thời gian bà cụ mất và Diễm Hương cũng bỏ đi đâu mất.

Cũng viết về chuyện tình của Khâm Lân với cô đào hát nhưng sách Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam của NXB Lao Động nói rằng, dù đã yêu nhau nhưng cô đào không cho Khâm Lân biết tên cũng như quê quán. Chàng chỉ biết cô đào họ Nguyễn.

Cũng theo sách này, cô đào và Khâm Lân chia tay nhau ở kinh thành khi chàng về quê thi hương. Khi chàng đỗ đầu kỳ thi Hương thì bố mẹ ép duyên với một cô gái con nhà phú hộ. Chàng đã thổ lộ hết chuyện tình cảm với cô đào nọ nhưng vì tên là gì và quê ở đâu cũng không biết nên bố mẹ chàng vẫn bắt phải cưới cô gái kia.

Năm sau, Khâm Lân vào kinh thi Hội gặp lại cô đào họ Nguyễn. Chàng ngượng ngùng đến mức không dám nói rằng lòng mình vẫn nhớ đến nàng. Nhưng dường như nhìn thấu tâm can ấy, cô đào nói: “Chàng không phải nói gì nữa. Nay tiền đồ của chàng đã rộng mở. Phúc bạc phận hèn như em không đáng để được nâng khăn sửa túi cho chàng. Cũng là cái số mệnh của em nó vậy, không phải là lỗi của chàng đâu”. Nói rồi cô còn tặng tiền và khăn áo cho Khâm Lân và từ biệt. Từ đó hai người bặt tin nhau.

Cho đến những năm cuối đời, khi đã về nghỉ việc quan, Khâm Lân mới lại gặp lại cô đào trong một lần đến thăm bạn cũ. Nhà bạn có tiệc mừng cho mời gánh hát. Trong gánh hát ấy người tình năm xưa của Khâm Lân cũng có mặt. Nhận ra người xưa ông hỏi han mới biết sau này nàng lấy một viên biện lại ở Thái Nguyên nhưng chồng đã qua đời. Sau đó cậu em trai lại hư đốn phát phách hết gia sản nên nàng phải dẫn mẹ già lên kinh dạy múa hát cho các con nhà giàu để kiếm sống. Đến lần gặp này Vũ Khâm Lân mới biết thêm quê nàng ở huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam.

Đoạn kết của câu chuyện cũng giống như sách Những thiên tình sử nước Việt, Khâm Lân đón đào nương về dựng cho một căn nhà riêng để nuôi cô và mẹ già nhưng khi bà cụ mất cô đào nhất quyết từ tạ ra đi. 

Nếu như Vũ Khâm Lân quyết chí trở lại với tình xưa thì câu chuyện đã kết thúc có hậu. Dù sao ở thế kỷ 18, không thể đổ hết lỗi cho Khâm Lân khi những người quanh ông, cả hệ thống xã hội không coi ra gì những người hát xướng. 

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU



Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)