Những tưởng hoàng đế Bảo Đại đã rất đàng hoàng khi giải tán hậu cung, cho các cung tần mỹ nữ về quê. Nhưng thực ra, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Ông vẫn bí mật giữ lại những bà phi xinh đẹp sống ở ngoài cung cấm. Bảo Đại hứa với bà Nam Phương sẽ chung thủy một vợ một chồng nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi kết hôn, ông đã ngoại tình và đã xảy ra những trận đánh ghen vương giả.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vua Bảo Đại có 8 người vợ, tình nhân và có 13 người con. Nhưng thật ra đó chỉ là con số tương đối, 8 người này là người có quan hệ lâu dài, con cái hoặc tài sản. Còn những quan hệ tình cảm kiểu qua đường, ngắn hạn thì khó kể hết.
Giải tán hậu cung, liên tục lập phòng nhì, hai lần bị mưu sát
Lịch sử ghi nhận Bảo Đại là người giải tán hậu cung trong triều Nguyễn, đó là sự tiến bộ, tiếp thu lối sống văn hóa phương Tây và tuyên chiến với truyền thống hủ tục của Á Đông. Khi kết hôn, Bảo Đại cũng long trọng hứa với Nam Phương Hoàng hậu sẽ sống chung thủy một vợ một chồng.
|
Vua Bảo Đại.
|
Nhưng với Bảo Đại, điều ấy không có nghĩa là không có thêm tình nhân, vợ bé. Mặc dù cưới được cô gái nhà giàu, học thức, đẹp, hiền thục… nhưng không lâu lắm sau ngày cưới, Bảo Đại bắt đầu có những quan hệ ngoài luồng.
Trước hết là Phi Yến xinh đẹp. Bảo Đại lúc đó tuy không có nhiều tiền lắm, cũng tặng hẳn một ngôi biệt thự cho người tình. Vụ việc đã đi đến kết thúc bi thảm. Nhiều người kể rằng Hoàng hậu Nam Phương ghen tuông định cho lái xe bắn vào hai người đang tình tự ở Đà Lạt..
Tác giả Lucien Bodart cũng xác nhận sự kiện này: "Nam Phương ghen tuông đã có ý định cho lái xe bắn lén vào những kẻ đang tình tự ở Đà Lạt. Bà Decoux, vợ quan Toàn quyền đã phải hi sinh thân mình trong vụ đáng buồn này. Bà đã đi nhanh đến chỗ hẹn hò để ngăn một vụ án mạng có thể xảy ra.
Án mạng không xảy ra, nhưng phu nhân Toàn quyền vì phóng xe quá nhanh để ngăn vụ bắn Bảo Đại và người tình nên đã thiệt mạng. Bà được chôn tại khuôn viên nhà thờ Vinh Sơn (nay nằm trên đường Ngô Quyền, phường 6, TP Đà Lạt)".
Không chỉ bị vợ tổ chức bắn ghen, dư luận còn đồn đại Bảo Đại từng bị bắn trong lần lên Tây nguyên hú hí với một cô đầm (người Tây). Hai người mượn cớ một cuộc đi săn để hò hẹn với nhau, Bảo Đại bị ông chồng Tây của người tình nổi cơn ghen, bắn gẫy chân.
Toàn quyền Decoux phải cho máy bay chở Vua về Sài Gòn chữa trị và nói là vua đi săn, bị vấp ngã xuống hố bẫy cọp. Sự kiện này đã gắn liền với chuyến đi Pháp lần thứ tư của Bảo Đại và đó cũng là một bước ngoặt của cuộc đời ông.
Đi trị vết thương ở Sài Gòn, "kết" được bà phi Hà Nội
Trước khi đi, ngay trong thời gian điều trị ở Sài Gòn, Bảo Đại đã kịp có thêm một người tình mới. Một tài liệu đã ghi nhận như sau: “Lý Lệ Hà đã quyến rũ ông ở Sài Gòn những năm 1940. Đó là một nữ hoàng sắc đẹp hoa hậu Hà Nội năm 1938 hay 1939 gì đó. Tin đồn về sắc đẹp của cô gái họ Lý đã đến tai người anh em họ tận tình Vĩnh Cẩn và ông này đã đưa Lý Lệ Hà đến gặp Bảo Đại tại nơi ở tại thủ phủ xứ Nam Kỳ.
Một báo cáo mật của Sở mật thám Pháp cho biết: “Lý Lệ Hà quê ở Hải Phòng, đường Lạch Tray, được mọi người quen gọi là Thông. Thời này, ả sống bằng việc “buôn hương bán phấn”, nổi tiếng về sắc đẹp quyến rũ. Khoảng 1934, hay 1935 ả trú tại một nhà hát cô đầu ở khu phố “quán Bà Mau” ở Hải Phòng. Năm sau, ả lên Hà Nội và tiếp tục làm gái nhảy cho một vũ trường ở phố Khâm Thiên của một mụ chủ nổi tiếng là Đốc Sao.
Có nhiều người theo đuổi, nhưng cô ta cũng biết phân phát ân huệ để đổi lấy quà biếu hay tiền mặt trong khi vẫn đi tìm đối tượng ý hợp tâm đầu…”.
Tác giả Tôn Thất Bình đã ghi lại lời kể của Lý Lệ Hà về những kỷ niệm với Bảo Đại ở Hà Nội: “Qua mấy tháng tạm trú tại Hà Nội, lão ta buồn (Lệ Hà lúc nào cũng gọi Bảo Đại là lão ta). Lão chỉ thở dài, không nói năng gì hết. Ăn uống, cho gì nhận cả không hề kêu ca, nhăn nhó. Ngày ấy là 30 Tết Âm Lịch. Lão ta càng lỳ lợm, ra bao lơn đứng nhìn xuống phố. Lão khẽ vỗ vai tôi:
- Buồn lắm Hà ơi ! Biết làm sao được bây giờ?"
Giọng Huế khó nghe, nhưng mình đã cố học nghe và học nói giọng kinh đô với lão. Lúc đó, trời đổ tối. Mình chợt nghĩ ra và chợt reo lên:
- Có cuộc vui rồi. Theo phong tục người Hà Nội thì hàng năm, cứ đêm 30 Tết, sắp giao thừa, mọi người kéo nhau đến đền Ngọc Sơn làm lễ, đông vui lắm. Chúng mình chờ gần giao thừa, sẽ cuốc bộ đến Ngọc Sơn". Lão mỉm cười gật đầu.
Gần 12 giờ khuya, mình và lão, mặc rất bình thường, tản bộ giữa dòng người đến Ngọc Sơn. Lão vua này dừng lại, ngơ ngác ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm, ngơ ngác ngắm cầu son Thê Húc nổi danh của đất Thăng Long. Lão lẩm bẩm khen là đẹp.
Có thể đây là lần đầu tiên ông vua đất nước Việt Nam lưu ý đến cái đẹp kỳ lạ của cố đô lịch sử, cũng ngơ ngác, cũng ngẩn ngơ, xa lạ như một người ngoại quốc từ đâu mới đến đây lần thứ nhất.
Cầu Thê Húc chật người. Mình nắm chặt tay lão, cố gạt nhẹ mọi người, giúp lão lách được cái thân hình to béo. Mình lại cố gạt nhẹ mọi người, kéo được lão qua cầu, đến chân Bút Tháp, chợt thấy ông thầy bói mù già. Mình bấm lão ngồi thụp xuống trước ông thầy bói. Lão to béo, khó khăn lắm mới ngồi xuống cạnh mình. Đặt tiền xem quẻ xong, mình khẽ nói với ông thầy :
- Ông hãy xem tướng tay ông bạn tôi đây, coi tốt xấu ra sao? Chỉ cần thế thôi.
Lão vua không chịu đưa bàn tay ra, sợ bẩn. Mình phải nài ép, kéo bàn tay lão đặt vào tay ông thầy. Ông mù này, vừa nắn bàn tay mềm nhũn như bông của ông vua, sờ sờ nắn nắn, bỗng ông ta rụt vội mấy ngón tay lại như bị bỏng. Giọng ông thầy bói thều thào, rất nhỏ:
- Ngài là quý nhân. Tôi không dám nói gì hơn. Chỉ xin thưa rằng ngài sắp đi xa, xa lắm, khỏi đất này.
Mình và lão đưa mắt nhìn nhau. Mình vội đứng lên, kéo lão đứng theo rồi lại len lỏi trong dòng người, cuốc bộ về. Suốt dọc đường, lão cúi đầu bước, mình cũng vậy, không nói một câu nào”.