Các đời vua chúa triều Nguyễn có sở thích xem hổ đấu với voi; để có nơi tổ chức các trận thư hùng đó, một đấu trường đã được xây dựng và hàng năm vua chúa đều ngự giá đến xem. Tuy nhiên, trận đấu giữa hai loài vật này được tổ chức lần cuối cùng đã kết thúc như thế nào, không phải ai cũng rõ.
Những nét chính về Hổ Quyền – đấu trường của voi và hổ
|
Hổ Quyền. Ảnh: Wikipedia. |
Thời các chúa Nguyễn cho đến đầu triều vua Minh Mạng, đấu trường nơi diễn ra cuộc tranh hùng giữa voi là hổ không được tổ chức quy mô, thống nhất, nơi đó thường là một bãi đất trống ở gần đô thành Huế.
Những cuộc đấu này thu hút rất đông người, từ vua quan đến dân chúng, trong cuốn sách “Souvenirs de Hué” (Hồi ký Huế) của Michel Đức Chaigneau (một người có cha Pháp, mẹ Việt) có đoạn viết như sau: “Thay cho cuộc tập trận, lâu lâu lại có màn trình diễn một cuộc đấu giữa voi và cọp xảy ra trên những mảnh đất đó. Người An Nam đều rất thích các cuộc đấu này bày ra trước mặt chúng ta một quang cảnh rất dễ động lòng bởi nỗi lo âu cảm thấy khi nhìn những động vật to lớn là những con voi đánh nhau với những con cọp mà người An Nam gọi là chúa sơn lâm vô cùng đáng sợ bởi sức mạnh, mưu mẹo và sự nhanh nhẹn của chúng”.
Năm Kỷ Sửu (1829) trong một trận đấu, con cọp đã xông ra khỏi bãi, rồi lao về phía vua Minh Mạng đang ngự xem, buộc quân lính phải giết chết nó. Thấy rằng nếu không quy hoạch tốt sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng những người xem các trận đấu voi, cọp; vì vậy một năm sau đó, vua Minh Mạng cho xây dựng ở gần thành Lồi, đồi Long Thọ phía ngoài kinh đô Huế một đấu trường kiên cố, gọi là Hổ Quyển.
|
Vua Thành Thái ngự xem trận đấu voi và hổ. Ảnh: Flickr.com. |
Hổ Quyển (sau người ta đọc chệch là Hổ Quyền) là công trình kiến trúc không có mái che có hình tròn vì vậy nó còn được gọi là Hổ Khuyên bởi trong Hán tự chữ “Quyển” nghĩa là chuồng thú, âm đọc là “Khuyên”, mà khuyên có nghĩa là vòng tròn.
Trường đấu gồm hai vòng tường xây bằng gạch vồ, tường dày với chu vi khoảng 160m, đường kính 50m; vòng tường trong cao hơn 6 m, vòng tường ngoài cao 5m.
Hổ Quyển được xây làm hai tầng, tầng trên là khán đài, có chỗ cho vua và các đại thần ngồi xem, còn lại là dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ, dân chúng. Tầng dưới, mặt trước có cửa chính, phía sau trổ 5 cửa ăn thông với các chuồng cọp và voi; phía trên chuồng chính giữa có tấm biển đá khắc chữ “Hổ Quyển”.
Trận đấu cuối cùng giữa voi và hổ dưới triều vua Thành Thái
Thời Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần, nó chỉ kết thúc khi voi quật chết được hổ. Trước mỗi trận đấu, hổ đều bị cắt nanh, bẻ vuốt, cho nên voi luôn giết chết và chà nát hổ.
Trận đấu cuối cùng được ghi nhận diễn ra vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu ngắn nhưng hấp dẫn, kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả lại.
Chuyện kể rằng các nài voi lần lượt dẫn ra một số voi, nhưng mấy con voi đầu tiên vào có vẻ nhát, thấy hổ không chịu đánh mà lại tránh đi. Sau cùng người ta đưa vào một con voi cái, nó tiến vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái ngồi xem thấy thế liền khen: "Con này can đảm lắm!".
Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết.
Cuộc đấu diễn ra nhanh chóng, ngắn ngủi, từ đó về sau không còn diễn ra trận đấu voi hổ nào nữa. Hổ Quyển dần bị bỏ hoang phế…, đến nay công trình này đã được bước đầu tu sửa phục vụ du lịch, nơi mà khách thăm quan có thể chiêm ngưỡng và hình dung một phần nào về nơi từng diễn ra những cuộc tranh hùng giữa hai loài vật của rừng xanh.