Thao lược, chăm dân như Thân Văn Nhiếp

Google News

(Kiến Thức) - Tài thao lược, tính cương trực và quan điểm chăm lo sức dân của Thân Văn Nhiếp luôn làm chúng ta khâm phục.

Làm quan khi triều đình nhà Nguyễn suy yếu, vua Tự Đức không có tầm nhìn chiến lược canh tân tự cường, quần thần thì nhiều kẻ cơ hội chủ hòa thất bại, lại bị tinh thần trung quân hạn chế, nhưng tài thao lược, tính cương trực và quan điểm chăm lo sức dân của Thân Văn Nhiếp luôn làm chúng ta khâm phục.
Cha nào con nấy
Thân Văn Nhiếp sinh ngày 28/9 năm Giáp Tý (1804). Cụ thân sinh là Thân Văn Quyền, là người học giỏi, nhưng vì thời cuộc có nhiều biến cố nên cụ không tham gia thi cử, ở nhà dạy học trò. Mãi đến khi 53 tuổi, dưới thời Minh Mạng thứ 4, cụ mới được tiến cử làm quan. Tuy nhiên bước đường quan lộ của cụ trắc trở, bị cách chức nhiều lần vì tính thẳng thắn, bênh vực lẽ phải, những người dân vô tội. 
Theo gia phả họ Thân, năm Minh Mạng thứ 15 (1835), cụ đứng ra can vua xin giảm nhẹ tội cho tiến sĩ Nguyễn Trữ, án sát Hưng Yên, lấy lý do quan tâm đến nhân tài, vua Minh Mạng giận lắm, truyền đưa ông ra pháp trường xử chém. Rất may, nhà vua kịp thời nghĩ lại, cho thị vệ mang thẻ bài tức tốc đuổi theo đến cửa An Hòa hoãn lệnh thi hành án.
Thao luoc, cham dan nhu Than Van Nhiep
Thân Văn Nhiếp (1804-1872), Tổng đốc Bình Phú.  
Thân Văn Nhiếp được cha dạy học từ tấm bé, thông minh, học giỏi nhưng ông không may mắn trên khoa trường, bốn lần đi thi thì cả bốn lần chỉ đậu tú tài. Mãi tới khoa thi Tân Sửu (1841), ông mới đậu cử nhân và đến năm 40 tuổi mới ra làm quan. Ông đã từng làm quan ở Vĩnh Long, Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Định, có khi được điều về Kinh làm ở các bộ, từ Hành tẩu sở, đến Tham biện bộ Lễ, bộ Lại, bộ Binh... Dù bất kỳ ở đâu, bất kỳ công tác gì Thân Văn Nhiếp cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cương trực, thấy việc không đúng thì mạnh dạn góp ý, dù đó là mệnh lệnh của cấp trên, thậm chí là ý chỉ của nhà vua.
Dưới thời Tự Đức (1848 - 1883) tình hình đất nước đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp. Nhiều tỉnh, thành đã bị quân Pháp đánh chiếm, ông được triều đình cử đến ứng phó, lần đầu là ở Quảng Nam, các lần sau là ở Biên Hòa, Gia Định. Khi cử Thân Văn Nhiếp đi làm Bố chánh Quảng Nam, vua Tự Đức căn dặn: "Tỉnh Quảng Nam nay rất nhiều việc. Hiện giờ ngoài tàu Tây dương đang đậu, trong thời giá gạo càng cao, ngươi là người thạo việc ta biết đã lâu; chớ phụ lòng ta tin cậy".
Luôn đứng về phía dân
Trong những thời điểm khó khăn nhất, để ổn định và vượt qua tình thế, Thân Văn Nhiếp luôn nghĩ đến bồi dưỡng sức dân, đứng về phía dân, một quan điểm hiếm có trong giới quan trường thời bấy giờ.
Tháng 11/1856, từ chức vụ biện lý bộ Binh, triều đình Huế cử Thân Văn Nhiếp vào giữ chức Bố chính tỉnh Quảng Nam. Nhiệm vụ chính trước tiên là phải giải quyết nạn đói đang hoành hành, ổn định tình hình dân chúng để có thể đối phó với cuộc chiến chống thực dân Pháp sắp đến. Ông phải mất hai năm vật lộn hết sức vất vả, tình hình kinh tế của tỉnh Quảng Nam mới được phục hồi.
Năm 1858, thực dân Pháp sau khi tiến quân đánh Trung Quốc buộc triều đình Mãn Thanh phải ký hòa ước nhượng cho Pháp nhiều quyền lợi về kinh tế, đã kéo quân đội viễn chinh chuyển sang chiến trường Việt Nam. Hải quân Pháp đem tàu chiến tấn công Đà Nẵng làm bàn đạp đánh ra Kinh đô Huế. 
Ngày 1/9/1858 Đô đốc Genouilly gửi tối hậu thư hẹn trong 2 giờ phải trả lời. Tổng đốc Nam Ngãi trong tay có 3.000 quân, án binh bất động chờ lệnh triều đình. Chưa hết giờ hẹn, giặc bắn hàng trăm phát đại bác lên đất liền, rồi đổ bộ lên chiếm bán đảo Sơn Trà... Địch cố tiến quân vào đất liền. Những trận chiến đấu đã diễn ra ở xã Cẩm Lệ, ven biển huyện Hòa Vang. Tổng thống quân vụ Lê Đình Lý bị thương và chết (theo sách Lịch sử Việt Nam). 
(còn tiếp)
Tuấn Trịnh

>> xem thêm

Bình luận(0)