Phù thủy phương Bắc và âm mưu trấn yểm Đường Lâm

Google News

Biết Đường Lâm là đất đế vương, nhiều long mạch, Cao Biền đã dùng pháp thuật trấn yểm nhưng thất bại vì vương khí vượng, linh thần mạnh.

Đường Lâm nức tiếng “đất hai Vua”, là nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 - 802), người có sức khoẻ phi thường, vật được hổ dữ, có công đánh đuổi quân Đường; và Ngô Quyền (898 - 944), người chỉ huy trận chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nam Hán, giành độc lập cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc.
Ngôi làng nằm trên thế đất hình rồng
Làng Đường Lâm cổ (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) có tên nôm là Kẻ Mía. Tục danh này được bắt đầu từ một cái tên chữ: Cam Giá (Mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ. Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng...(nay thuộc về huyện Ba Vì). Còn Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây).
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét: Đường Lâm là một địa danh có vị thế đắc địa theo thế “Tọa sơn vọng thủy” tức lưng tựa vào núi Tản (núi Ba Vì) - Núi Tổ của Việt Nam, mặt ngoảnh ra sông Hồng - sông Cái, sông Mẹ. Đây cũng là một “tứ giác nước” được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích, sông Đáy và sông Hồng. Về phong thủy, cuốn “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” viết: Sơn Tây có 36 huyệt chính và 85 huyệt bàng. Riêng đất Đường Lâm có huyệt đế vương.
Xã Đường Lâm hiện gồm chín làng: Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu. Trong đó, trọng tâm của làng cổ Đường Lâm được định vị là làng Mông Phụ. Nhìn một cách tổng thể, làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng: Đầu rồng chính là nơi tọa lạc của đình Mông Phụ, hai mắt là hai giếng cạnh đình, râu rồng toả ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải. Đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông). Ngôi đình này mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Mường (có sàn gỗ) với những nét chạm khắc tinh tế có một không hai.
Ở Mông Phụ, mỗi xóm đều có một giếng mang tên của xóm. Giếng đào ở vùng đất đá ong nên mạch nước rất trong và mát. Các giếng xóm Hè, xóm Giang xưa kia nổi tiếng nước ngon đi vào tục ngữ: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm” hay “Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”.
Tương truyền, hai giếng ở hai bên đình Mông Phụ là hai mắt của con rồng chột vì một giếng nước trong vắt còn giếng kia nước bị đục. Con rồng chột này lại tạo nên vị thế đắc địa cho đình Mông Phụ.
Nằm giữa ngã ba trung tâm của làng nhưng người đi ngược, về xuôi không ai quay lưng vào đình cả. Sân đình thấp so với mặt bằng xung quanh. Khi trời mưa nước chảy vào sân, theo hai cống tạo thành hình tượng hai râu rồng. Đây chính là dụng ý nghệ thuật đầy chất lãng mạn của các kiến trúc sư cổ.
Mắt rồng thứ nhất xác định là giếng đình Mông Phụ. Ở hướng Tây đình Mông Phụ có một giếng đá ong khác, miệng giếng nhỏ hơn nhưng sâu hơn nằm khuất trong một con ngõ. Giếng này được đào ở xóm Miễu nên gọi là giếng Miễu.
Giếng Miễu được ví như con mắt rồng còn lại - đối xứng với mắt rồng giếng đình Mông Phụ. Nước giếng Đình trong vắt, còn nước giếng Miễu đục, trở thành một điểm khuyết, là con mắt Rồng mờ. Nước giếng Miễu được sử dụng đối lập với nước giếng Đình, tức là chỉ để tắm giặt chứ không để ăn.
Tản Viên Sơn thánh được thờ làm thành hoàng các làng bởi công lao bảo vệ vùng đất này chống lại cuộc chiến của Thủy Tinh và là linh thần mạnh, khiến Cao Biền không thể trấn yểm núi Ba Vì và các vùng đất phụ cận.
Truyền thuyết cho rằng Cao Biền đã dùng pháp thuật đào 100 cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì trong đó có Đường Lâm để triệt long mạch nước ta nhưng y cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên đành phải bỏ cuộc. Cao Biền bị giết năm 887. Đường Lâm không thể trấn yểm, vài chục năm sau đã sinh ra Ngô Quyền, một trong 14 vị anh hùng dân tộc.
Vị vua thứ nhất: “Bố cái đại vương"
Theo văn bia ở đình Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội), Phùng Hưng là người Cam Lâm, sinh khoảng năm 761 và mất vào năm 801, thọ 41 tuổi. Cha mẹ Phùng Hưng sinh ba được ba người con trai khôi ngô, tuấn tú, tài năng hơn người: anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải và em út là Phùng Dĩnh. Năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, Phùng Hưng có sức khỏe phi thường và khí phách đặc biệt. Ông được sử sách và truyền thuyết dân gian lưu truyền về tài đánh trâu, quật hổ ở đất Đường Lâm. Có lần Phùng Hưng thấy hai con trâu mộng đang húc nhau, ông đã dùng tay kéo sừng hai con trâu ra không cho chúng đánh nhau nữa.
Trên những qủa đồi thuộc làng Cam Lâm có những cái tên: Đồi Cấm, Nghẽn Sơn, Vũng Hùm... in đậm dấu tích thời trai trẻ của ba anh em họ Phùng. Truyền thuyết kể lại: Thủa ấy trên đồi là rừng đại ngàn rậm rạp, dưới đồng lau lách um tùm. Năm ấy có một con cọp hung dữ về bắt bao mạng người. Dân trong vùng sợ hãi không dám vào đồi kiếm củi, hái chè. Đêm đêm, cọp dữ còn mò cả vào làng rình bắt trâu bò, lợn gà. Cả làng chưa nhọ mặt người đã vội vã về nhà, luồng lạch rấp kín, cổng ngõ buộc chặt, xóm làng eo óc nỗi sợ hãi rình rập bất cứ lúc nào.
  Giếng đình Mông Phụ, mắt sáng của rồng.
Một trai làng cực kỳ khoẻ mạnh quyết tâm diệt hổ dữ trừ họa cho dân làng. Lựa đêm một ngày tháng cuối đông gió Bấc se sắt thổi, khí lạnh trên đồi tràn về làm rờn rợn da người, chàng trai bện người nộm đem vào đồi đến bên mép nước cắm xuống, ba bốn đêm liền như thế...
Đêm ấy như bao đêm khác, hổ dữ ra vũng nước duy nhất còn sót lại trong vùng, trước khi vục đầu uống, hổ ta lấy tay tát đổ người nộm như mọi hôm thường vẫn thế. Nhưng nó đâu có ngờ hôm nay có một cánh tay rắn chắc đã túm chặt lấy đầu nó, liên hồi giáng xuống những quả đấm nặng như búa tạ. Chàng trai thông minh dũng cảm, có sức khoẻ phi phàm đó chính là Phùng Hưng.
Phùng Hưng là người anh hùng đầu tiên đã đánh chiếm lại thành Tống Bình (Hà Nội), trụ sở của chính quyền đô hộ lúc đó và xây dựng nền tự chủ trong khoảng gần chục năm. Bia ở đình Quảng Bá ghi: Năm Tân Mùi 791, mùa hạ, tháng 4, Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo tiến công vây thành. Quân của Cao Chính Bình (khoảng hơn 4 vạn) đem ra chống cự.
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong khoảng 7 ngày, quân địch chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất. Nhân dân tôn vinh ông là Bố Cái Đại Vương (Vua Lớn). Sau khi Phùng Hưng mất, con trai là Phùng An nối nghiệp cha được hai năm thì chính quyền lại rơi vào tay giặc.
Sử liệu và truyền thuyết dân gian cho đến nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về sự linh thiêng của vị Bố Cái Đại Vương. Sách “Việt điện u linh” viết rằng: “Sau khi mất, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa.
Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía Tây của phủ đô hộ.
Đền thờ Vương rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó khăn như bị kẻ xấu lấy trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy, người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt”.
Vị vua thứ hai có “công tái tạo, vua của các vua”
Về vị vua thứ hai của đất Đường Lâm, Ngô Quyền sinh năm Mậu Ngọ (898) ở Đường Lâm. “Đại Việt sử ký toàn thư” mô tả: “Ngô Quyền có dung mạo khác thường, lưng có ba nốt ruồi. Các thầy tướng cho là lạ, rằng có thể làm chủ được một phương, nhân đó mới đặt cho vua tên là Quyền. Khi vua lớn lên, tướng mạo khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức có thể nâng được vạc”. Ngô Quyền có võ nghệ tinh thông và có chí lớn. Ông từng tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc ở Đại La, từng theo Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La năm 931.
Dương Đình Nghệ lên cầm quyền vẫn tự xưng là Tiết độ sứ, đóng tại thành Đại La. Ông phong cho Đinh Công Trứ (cha Đinh Bộ Lĩnh) chức thứ sử Hoan Châu, gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho Ngô Quyền và giao cho giữ Ái châu. Chính quyền họ Dương tồn tại bảy năm (931 - 937) thì Dương Đình Ngệ bị kẻ phản bội là Kiều Công Tiễn (một viên tướng dưới quyền) sát hại để đoạt chức.
Ngô Quyền với danh nghĩa là bộ tướng và con rể của Dương Đình Nghệ, đồng thời cũng là người đứng đầu liên minh Ngô - Dương, tập hợp lực lượng tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn hoảng sợ, vội vã sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Cung cho con là Vạn vương Lưu Hoằng Thao đem quân sang xâm lược nước ta.
 Đền thờ Ngô Quyền.
Mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đem quân vượt qua đèo Ba Dội, tiến như vũ bão vào thành Đại La, giết tên nội phản Kiều Công Tiễn, bêu đầu hắn trước cổng thành và nhanh chóng tổ chức kháng chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Để chống lại giặc mạnh, Ngô Quyền đưa ra kế hoạch độc đáo. Ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi nước triều lên ông cho nhử thuyền giặc vào bên trong hàng cọc, đợi khi thủy triều xuống sẽ dốc toàn sức tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh gọn.
Tháng 12 năm Mậu Tuất (938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng. Chúng nghênh ngang tràn vào trận địa mai phục của Ngô Quyền, bị đánh bất ngờ nên chỉ trong một thời gian rất ngắn thuyền giặc bị đắm gần hết, quân giặc bị chết quá nửa. Máu chảy loang đỏ khúc sông, Hoằng Thao cũng bị đâm chết tại trận. Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh chóng khiến vua Nam Hán là Lưu Cung đóng quân ở sát biên giới mà không kịp tiếp ứng cho con.
Với mưu lược thần tình của mình, Ngô Quyền đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, đập tan mưu đồ xâm lược của Nam Hán, tạo cơ sở để Ngô Quyền phát triển chính quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương thành chính quyền độc lập, kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc mở ra thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ cho Việt Nam.
Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 - trở thành vị vua có “công tái tạo, vua của các vua” theo nhận định của Đại Việt Sử ký toàn thư. Ông xứng đáng với danh hiệu là “vị tổ trung hưng” của dân tộc như nhà yêu nước Phan Bội Châu khẳng định trong cuốn “Việt Nam quốc sử khảo”.
Chiến thắng Bạch Đằng cho thấy không chỉ Cao Biền bó tay mà cả đế chế Nam Hán hùng mạnh cũng thất bại thảm hại trước tinh thần quật khởi của nhân dân ta. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê.
Theo Báo Pháp luật

Bình luận(0)