Mạc Đăng Dung xuất thân con nhà võ,
thi đỗ Đô lực sĩ (Trạng võ), nhưng có ông tổ là Mạc Đĩnh Chi là một vị
Trạng nguyên lừng lẫy thời Trần. Vì vậy, khi lập nên triều Mạc, ông rất
coi trọng việc học hành và thi cử tuyển chọn nhân tài.
Ngay khi lên làm vua, ba năm sau ông đã tổ chức thi đại khoa theo lệ ba năm một lần của triều Lê. Khi làm thượng hoàng, ông cho sửa sang lại Quốc Tử Giám đã bị chiến tranh tàn phá và đích thân đến nhà Thái học làm lễ tế Khổng Tử.
Nhà Mạc chính thức tồn tại 65 năm đóng đô ở Thăng Long, nhưng đã tổ chức được 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên. Đáng chú ý là năm 1592 vào thời Mạc Mậu Hợp, khi quân Lê Trịnh đánh đến kinh thành Thăng Long, nhà Mạc vẫn tổ chức khoa thi bên kia sông Hồng. Chưa hết, khi bị giạt lên chiếm cứ một rẻo đất Cao Bằng, các vua Mạc vẫn tiếp tục tổ chức thi cử.
Chính nhờ vậy, triều Mạc đã xuất hiện nhiều ông Trạng, ông nghè có tài ra làm việc làng, việc nước, nhiều người đã để lại dấu ấn trong lịch sử.
|
Ảnh minh họa.
|
Nguyễn Thiến đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532) đời Mạc Đăng Doanh, khi đã 38 tuổi. Ông làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại, đứng đầu Ngự sử đài phụ trách việc giám sát quan lại và can gián nhà vua. Ông được thăng làm Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, tước Thư Quận công. Vì trong triều có kẻ vu oan giá họa, ông đành phải cùng thông gia là lão tướng Thái tể Lê Bá Li đem quân về quy hàng Lê Trịnh. Trọng tài của ông, Trịnh Kiểm vẫn cho ông giữ chức tước cũ và trong tám năm trước khi mất ông được giao phụ trách việc tuyển chọn quan lại của nhà Lê ở Thanh Hóa.
Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn Trạng Nguyễn Thiến bốn tuổi. Ông sinh trong một gia đình uyên bác, ông ngoại là quan Thượng thư, mẹ là người tài hoa bậc nhất. Lại được thầy dạy là Bảng nhãn Lương Đắc Bằng từng làm quan Thượng thư dưới triều Lê dạy đỗ. Ông nổi tiếng là người học sâu biết rộng, nhưng thấy triều chính thời Lê Mạt thối nát, nhiễu nhương, ông đã bỏ qua sáu kỳ thi đại khoa cả thảy. Đến thời Mạc, ông cũng chờ đợi đến khoa thi lần thứ ba, thấy thời thế đã ổn định ông mới chịu đi thi và đỗ ngay Trạng nguyên. Đấy là khoa thi năm Ất Mùi (1535), khi ấy ông đã 45 tuổi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn đem hết tài sức của mình ra để giúp nhà Mạc xây dựng một nền thịnh trị cho đất nước. Ông cũng được Thượng hoàng Mạc Đăng Dung và vua Mạc Đăng Doanh coi trọng, giao cho ông nhiều chức vụ khác nhau như Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ. Nhưng chẳng bao lâu sau, Mạc Phúc Hải lên ngôi, triều đình trở nên thối nát. Ông làm tờ sớ hạch tội 18 tên lộng thần, trong đó có cả tên Phạm Dao là con rể của ông. Mạc Phúc Hải xem xong bỏ đấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm xin về ở ẩn sau 8 năm cúc cung làm việc triều đình.
Về trí sĩ, ông mở trường dạy học ở làng quê, học trò khắp nước nghe danh kéo đến xin học rất đông. Ông được học trò tôn xưng là Tuyết Giang phu tử. Nhiều học trò của ông sau này thành tài, hoặc đỗ đạt làm quan như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Đinh Thời Trung... hoặc trở thành danh sĩ một thời như Nguyễn Dữ...
Nguyễn Bỉnh Khiêm thong dong thơ túi rượu bầu, sáng tác rất nhiều tác phẩm cả văn Nôm lẫn chữ Hán, như Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Bạch Vân am thi tập... Ông là quán quân viết nhiều thơ văn nhất trong năm thế kỷ đầu tiên của nền văn học nước nhà.
Mặc dù đã trí sĩ, nhưng các vua nhà Mạc sau này vẫn rất trọng thị đối với ông, phong tặng ông tước Trình Huyền Hầu, rồi sau lại thăng lên là Trình Quốc Công. Vì thế sau này dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Tương truyền Trạng để lại nhiều sấm ký tiên đoán những sự kiện xảy ra trong trong khoảng 500 năm về sau. Đó là Sấm Trạng Trình vẫn còn truyền lại cho đến nay.
(Còn nữa...)
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU