Tiết lộ đáng kinh ngạc về Ai Cập cổ đại

Google News

(Kiến Thức) – Nữ hoàng Cleopatra là người Hy Lạp chứ không phải Ai Cập, hầu hết Pharaoh đều béo phì… là những sự thật khó tin về Ai Cập cổ đại.

Ai Cập cổ đại được cho là một trong những nền văn minh tiên tiến nhất trên thế giới trong gần 3.000 năm. Thời kỳ này đã tạo ra một nền văn hóa vô cùng phong phú và rực rỡ, để lại nhiều “kho báu” cho loài người khám phá. Trong khi nghệ thuật, kiến trúc và cách ướp xác của người Ai Cập từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học, giới khảo cổ thì nhiều người có lẽ vẫn chưa biết đến những sự thật vô cùng kinh ngạc về nên văn minh cổ đại này.

1. Nữ hoàng Cleopatra không phải là người Ai Cập


Cùng với vua Tut, nữ hoàng Cleopatra VII là một trong những Pharaoh nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập cổ đại. Mặc dù sinh ra ở Alexandria nhưng nữ hoàng Cleopatra lại là thành viên trong gia tộc người Macedonia (Hy Lạp). Bà là hậu duệ cuối cùng của triều đại Ptolemy I là một trong những “phụ tá” đáng tin cậy nhất của Alexander Đại đế. Triều đại Ptolemy cai trị Ai Cập từ năm 323-30 trước Công nguyên. Tên đầy đủ của bà là Cleopatra Thea Philopator và trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "Nữ thần Cleopatra, đứa con yêu dấu của vua cha".

Nữ hoàng Cleopatra vô cùng nổi tiếng vì là thành viên đầu tiên trong gia đình hoàng gia Ai Cập đã học tiếng của người dân nơi đây. Bà cũng nổi tiếng vì sở hữu nhan sắc tuyệt trần và trí thông minh xuất chúng. Do đó, nữ Pharaoh có thể nói 9 thứ tiếng một cách trôi chảy và lên ngai vàng từ năm 18 tuổi.

2. Người Ai Cập cổ ký một trong những hiệp ước hòa bình sớm nhất trong lịch sử loài người


Trong hơn hai thế kỷ, người Ai Cập cổ đại đã chiến đấu chống lại Đế chế Hittite để kiểm soát vùng đất này (hiện nay những khu vực đó là lãnh thổ của Syria). Cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra trong trận chiến Kadesh năm 1274 trước Công nguyên. Trong cuộc chiến đó, lực lượng của vua Ramses II không giành được ưu thế hoàn toàn. Thêm vào đó, người Ai Cập và đế chế Hittite đều phải đối mặt với mối đe dọa từ các dân tộc khác muốn "ngư ông đắc lợi" từ sự đụng độ giữa hai bên.

Năm 1259 trước Công nguyên, vua Ramses II và vua Hattusili III của Đế chế Hittite đã tiến hành đàm phán ký kết một hiệp ước hòa bình nổi tiếng. Thông qua thỏa thuận này, hai bên đã kết thúc cuộc xung đột và hỗ trợ nhau trong trường hợp một bên bị quốc gia thứ ba xâm lược. Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập với Đế chế Hittite được công nhận là một trong những thỏa thuận chung sống hòa bình đầu tiên trên thế giới. Hiện một bản sao của hiệp ước này đang được trưng bày tại lối vào phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.

3. Người Ai Cập cổ đại “khoái” trò chơi viết trên bảng


Sau mỗi ngày lao động dài và cực nhọc, người Ai Cập thường thư giãn bằng với các trò chơi với bảng. Vào thời đó, người dân chơi một số trò chơi khác nhau gồm: trò “Mehen” và “Chó nhà và chó rừng”. Trong đó, trò chơi phổ biến và nổi tiếng nhất là “Senet”. Vào 3500 năm trước công nguyên, trò chơi trên được vẽ trên một tấm bảng dài có vẽ sẵn 30 ô. Mỗi người chơi sẽ có một bộ các mảnh ghép được di chuyển dọc theo tấm bảng sau khi đã ném các bộ xúc xắc hoặc những cây gậy. Cho đến nay, các nhà sử học vẫn còn tranh luận và có những quan điểm khác nhau về luật chơi chính xác của trò Senet. Tuy nhiên, tất cả giới chuyên gia, học giả đều công nhận đó là trò chơi phổ biến thời đó.

Các nhà khảo cổ, chuyên gia khoa học đã tìm thấy nhiều bức hoạ mô tả nữ hoàng Nefertari đang chơi trò Senet. Không những vậy một số vị vua Ai Cập như Pharaoh Tutankhamun còn chôn theo những bảng trò chơi trong lăng mộ của ông.

4. Phụ nữ Ai Cập được hưởng nhiều quyền lợi, tự do


Xét về mặt tổng thể và địa vị xã hội, phụ nữ Ai Cập được cho là có vị thế thấp hơn người đàn ông. Tuy nhiên, họ vẫn được hưởng những đặc quyền về mặt tài chính và pháp luật. Họ có thể mua bán tài sản, tham gia các công việc xét xử, lập di chúc và thậm chí là đứng tên trên những bản hợp đồng pháp lý.

Thông thường, phụ nữ Ai Cập không ra khỏi nhà và chỉ làm công việc nội trợ. Tuy nhiên, một số người vẫn ra ngoài làm việc và được trả lương tương xứng như nam giới nếu như làm cùng một công việc giống nhau. Không giống như phụ nữ Hy Lạp cổ đại, phụ nữ Ai Cập được pháp luật cho phép có quyền ly dị và tái hôn. Đây là quyền lợi khá tiến bộ vào thời đó. Thậm chí, các chuyên gia còn khám phá ra những cặp vợ chồng Ai Cập còn cùng thương lượng về thoả thuận phân chia tài sản nếu như ly hôn. Những bản hợp đồng trên sẽ liệt kê tất cả các tài sản và đất đai mà người phụ nữ mang về nhà chồng và đảm bảo rằng, họ sẽ được bồi thường xứng đáng và đầy đủ khi đường ai nấy đi.

5. Công nhân Ai Cập cổ đại cũng biết tổ chức đình công


Mặc dù các vị vua Ai Cập cổ đại được tôn sùng như những vị thần sống nhưng không vì thế mà tầng lớp công nhân sợ phải đứng ra phản đối để nhà lãnh đạo đưa ra những quy định, điều kiện làm việc tốt hơn cho họ.

Một trong những cuộc đình công nổi tiếng nhất xảy ra vào thế kỷ 12 trước công nguyên. Trong thời gian vua Ramses III cai trị “Tân Vương Quốc", những người lao động xây dựng nơi an táng của hoàng gia tại Deir el-Medina không được trả công bằng ngũ cốc như thường lệ nên đã tổ chức một trong những cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử.

Cuộc biểu tình của tầng lớp công nhân thời đó chỉ đơn giản là đi vào những đền thờ chứa xác ở gần đó và không rời khỏi cho đến khi sự bất bình của họ được quan lại triều đình lắng nghe. Việc làm đó của họ đạt được hiệu quả khi chính quyền trả cho họ lượng ngũ cốc như thường lệ.  

6. Hầu hết vua Ai Cập cổ đại thường béo phì



Trong các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại thường mô tả các Pharaoh trong dáng vẻ khá mảnh mai và uy nghiêm. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng với tình hình thực tế. Bởi lẽ, chế độ ăn uống của người Ai Cập bao gồm: bia, rượu bánh mì và mật ong chứa lượng đường cao. Thêm vào đó, những nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, với khẩu phần ăn như vậy, số đo vòng eo của các nhân vật hoàng gia thường to lớn.

Theo kết quả nghiên cứu các xác ướp pharaong, nhiều vị vua có sức khoẻ không tốt và thường bị thừa cân, thậm chí là mắc bệnh tiểu đường. Một ví dụ điển hình là xác ướp của nữ hoàng Hatshepsut sống vào thế kỷ 15 trước Công nguyên cho thấy bà bị béo phì và hói đầu.

7. Nô lệ không phải là lực lượng xây dựng Kim Tự Tháp


Cuộc đời của những người thợ xây dựng Kim Tự Tháp chắc chắn là không sung sướng gì bởi hàng trăm, hàng ngàn bộ xương trắng của họ được tìm thấy có dấu hiệu của bệnh viêm khớp… Tuy nhiên, các nhà khoa học, khảo cổ học đã tìm ra những bằng chứng chứng minh những công trình trên không phải do các nô lệ xây dựng mà do chính quyền thuê lao động và trả công tương xứng. Những công nhân xây dựng thời cổ đại này bao gồm nhiều thành phần như nghệ nhân trạm khắc, người phụ giúp tạm thời...

Con người phát hiện ra những chữ viết cổ trên ở gần các di tích cho thấy tầng lớp xây dựng Kim Tự Tháp thường đặt tên hài hước cho nhóm của mình như “Những kẻ say rượu của Menkaure” hoặc “Những người bạn của Khufu”.

Vào thế kỷ XV trước Công nguyên, nhà sử học người Hy Lạp Herodotus là người đầu tiên đưa ra quan điểm chính nô lệ là lực lượng xây dựng Kim Tự Tháp. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học hiện đại đều bác quan điểm đó. Người Ai Cập cổ đại thuộc tầng lớp giàu có thường chiếm hữu rất nhiều nô lệ nhưng chỉ cho đối tượng này làm công việc trong nhà hay đi cày cấy.

8. Vua Tutankhamun bị một con hà mã giết chết


Vua Tutankhamun qua đời đã để lại nhiều nghi vấn về sự ra đi đột ngột của ông. Thông qua những tấm hình chụp cắt lớp xác ướp vị hoàng đế trẻ tuổi, nổi tiếng trên, các nhà khoa học phát hiện thi hài của ông được ướp mà không có tim hoặc lồng ngực. Điểm khác biệt lớn này theo tục ướp xác truyền thống của người Ai Cập cho thấy có thể ông đã phải chịu một chấn thương nặng trước khi chết.

Các nhà Ai Cập học cho biết một trong những nguyên nhân có khả năng nhất gây ra vết thương của vua Tutankhamun là do vết cắn của một con hà mã. Nhiều chuyên gia đưa ra quan điểm đó vì người Ai Cập cổ đại thường đi săn thú dữ như một môn thể thao. Thêm vào đó, những bức tượng được tìm thấy trong ngôi mộ của vua Tutankhamun thậm chí còn vẽ ông trong tư thế ném lao. Nếu như vị Pharaoh này rất mê những cuộc săn nguy hiểm như trên thì cái chết của ông có thể hậu quả của một cuộc phiêu lưu mạo hiểm.

9. Một số thầy lang Ai Cập chuyên về những lĩnh vực nhất định


Mỗi thầy lang thời cổ đại thường phải khám và chữa tất cả các loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy tầng lớp này đôi khi chỉ chuyên chữa trị bệnh trên một bộ phận của cơ thể người. Sử gia Herodotus là người đầu tiên ghi nhận hình thức chuyên môn y khoa sơ khai trên vào năm 450 trước Công nguyên. Trong các tài liệu ghi chép của ông có viết: “Mỗi lang y chữa trị cho một căn bệnh, không hơn… vài người chuyên chẩn đoán, chữa bệnh về mắt. Vài người chuyên chữa răng, một số khác thì điều trị những căn bệnh liên quan đến bụng”.

Những thầy lang chuyên sâu này thậm chí còn có những cái tên đặc trưng. Thời nay, chúng ta gọi người khám, điều trị các bệnh về răng miệng là nha sĩ nhưng thời đó được gọi đơn giản là “thầy thuốc chữa răng”.

10. Người Ai Cập nuôi động vật giống như thú cưng


Người Ai Cập coi động vật như là hiện thân của các vị thần. Họ đặc biệt thích mèo - loài vật được gắn liền với nữ thần Bastet. Thêm vào đó, họ cũng tỏ lòng tôn kính đối với nhiều loài vật khác như diều hâu, cò, chó, sư tử và khỉ đầu chó. Nhiều con vật trong số trên có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh. Vì vậy, người ta còn ướp xác và chôn chúng cùng với chủ nhân.

Ngoài ra, người dân Ai Cập còn huấn luyện những loài vật khác để “trợ giúp” con người làm việc tốt hơn. Ví dụ như những người làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh sử dụng và huấn luyện chó, khỉ…cùng đi tuần tra với họ.

11. Nam giới và phụ nữ Ai Cập đều thích trang điểm


Cả hai giới đều thích đánh những lớp trang điểm dày bởi họ tin rằng làm như vậy sẽ được thần Horus và Ra bảo vệ. Những mỹ phẩm này được tạo ra bằng cách nghiền những loại quặng như Malasít và Galen thành một chất được gọi là phấn Côn. Chúng được bôi xung quanh mắt bằng những dụng cụ bằng gỗ, xương và ngà voi.

Phụ nữ còn tô lên má chất sơn màu đỏ và sử dụng cây lá móng để tô vẽ bàn tay và móng tay, cả đàn ông và phụ nữ đều sử dụng nước hoa làm từ dầu, nhựa thơm và quế. Người Ai Cập tin rằng, lớp trang điểm trên có công dụng chữa lành vết thương hay phòng ngừa bệnh một cách kỳ diệu. Và quả thực, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh điều đó hoàn toàn đúng. Cụ thể, mỹ phẩm làm từ chì ở dọc bờ sông Nile giúp người dân thời đó phòng ngừa bệnh nhiễm trùng mắt.

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Nhật Anh (theo History, Wiki)

Bình luận(0)