Những cô nhân tình làm khuynh đảo thiên hạ

Google News

(Kiến Thức) – Dù chỉ mang phận người tình của vua chúa hoặc của nhà lãnh đạo quân sự nhưng những bóng hồng này đã góp phần thay đổi lịch sử.

Diane de Poitiers – tình nhân của vua Henry II


Sinh ra trong một gia đình quý tộc Pháp vào năm 1499, vẻ đẹp “chim sa cá lặn” cộng với tài trí hơn người của Diane de Poitiers đã hớp hồn nhiều đàn ông. Cô là hình mẫu phụ nữ lý tưởng thời kỳ Phục hưng. Khi 15 tuổi, cô kết hôn với quan chức hoàng gia cao cấp Louis de Brézé 40 tuổi. Do đấng phu quân là người quyền cao chức trọng dưới thời vua François I nên Diane cũng trở nên thân cận với Nữ hoàng Claude. Bông hồng này cũng chứng kiến sự ra đời của hoàng tử Henri II – người sau này trở thành hoàng đế nổi tiếng và chính nàng đã dạy Henri II cách cư xử lịch thiệp của vị vua tương lai theo cung quy hoàng gia.

Năm 1531, Diane trở thành góa phụ do chồng qua đời. Vì vậy, người đẹp phải sống cảnh "giường đơn gối chiếc" khi còn rất trẻ. Đến năm 1533, vua Henri kết hôn với nữ hoàng Catherine de 'Medici.

Mối quan hệ thân mật giữa vua Henri II và góa phụ Poitiers nhanh chóng chuyển biến theo quy luật “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Hai người yêu nhau say đắm kể từ năm 1538, mặc dù chênh lệch tuổi tác khá lớn. Sau khi vua Henri II lên ngôi báu, Poitiers thường gửi thư cho vị vua trẻ với những lời khuyên về chính trị. Một trong số những lá thư công khai được hai người chính thức ký tên là "HenriDiane". Vào thời đó, chân dung của Diane được in trên những đồng tiền xu và các tác phẩm nghệ thuật.

Trong khi hai tình nhân khác của Henri sinh cho ông những người con thì Diane lại không thể hạ sinh cho vị vua trẻ một vị hoàng tử hay công chúa nào. Chuyện tình yêu của hai người kết thúc vào năm 1559 sau khi vua Henri đột ngột qua đời vì tai nạn. Kể từ đó, hoàng hậu Catherine hạ lệnh tịch thu lâu đài và đuổi Diane về vùng nông thôn sống quãng đời còn lại cho đến lúc chết. Góa phụ này được cho là đã uống “thuốc tiên” nên có vẻ ngoài trẻ trung, xinh đẹp cho đến khi chết ở tuổi 66. Dù hơn hoàng đế 20 tuổi, nhưng nhìn bề ngoài thì mỹ nhân và vị vua trẻ dường như bằng tuổi nhau.

Aspasia – tri kỷ của nhà lãnh đạo quân sự Hy Lạp Pericles


Aspasia là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại. Bà là người bạn đồng hành của Pericles, nhà lãnh đạo của Athens dân chủ. Họ đã sống cùng nhau trong 20 năm và tạo dựng nên “thời kỳ vàng của Hy Lạp” với một nền văn hóa rực rỡ và có tầm ảnh hưởng lớn đến ngày nay.

Aspasia sinh ra ở thuộc địa Ionian, Miletus vào năm 470 trước công nguyên nên có lẽ bà là một hetaira (gái lầu xanh). Mặc dù xuất thân không cao quý nhưng bà lại là người phụ nữ có giáo dục tốt hơn bất cứ phái đẹp nào khác trong xã hội Hy Lạp thời đó. Bà thông thạo về lịch sử, triết học, chính trị, khoa học, nghệ thuật, văn học và có thể đàm đạo, luận bàn chính sự cùng với những người đàn ông thông thái. Trong lịch sử, Aspasia là một trong những hetaira thông minh và xinh đẹp nhất của thành Athens. Chính vì vậy, bà trở thành nguồn cảm hứng, đề tài và là nhân vật chính trong tác phẩm của Plato, Aristophanes, Xenophon và nhiều tác gia Athens cổ đại khác.

Do Aspasia là một kỹ nữ và là người nước ngoài nên luật pháp Hy Lạp không cho phép hai người kết hôn. Mặc dù không trở thành vợ chồng chính thức nhưng bà là người phụ nữ được Miletus yêu mến và trân trọng nhất.

Theo tài liệu Hy Lạp cổ, Pericles thường xuyên tham khảo ý kiến người bạn đồng hành của mình về các vấn đề chính trị và quân sự. Trong tác phẩm của mình, Plato thậm chí còn đùa rằng, Aspasia là một nhà hùng biện sắc sảo và là trợ thủ tuyệt vời của Pericles, giúp ông gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.

Lola Montez – tình nhân của vua Ludwig đệ nhất


Lola Montez tên thât là Eliza Rosanna Gilbert sinh ra ở Ireland trong năm 1818 hoặc 1821. Cô là người phụ nữ có sắc đẹp hoàn mỹ và sống ở rất nhiều nơi khi còn bé. Cô sống ở Ấn Độ một thời gian và kết hôn với Đại úy Thomas James khi mới 15 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của hai người chỉ kéo dài được vài năm rồi tan vỡ.  

Vào khoảng năm 1843, cô xuất hiện lần đầu trên sân khấu London dưới nghệ danh Lola Montez, trong vai trò của một vũ công múa thoát y Tây Ban Nha. Sau khi biểu diễn tại nhiều thủ đô của các nước châu Âu, Lola Montez đặt chân đến Munich. Chính tại nơi đây, cô đã gặp vua Bavaria là Ludwig đệ nhất. Vị hoàng đế già trúng tiếng sét ái tình ngay khi xem cô biểu diễn lần đầu ở nhà hát hoàng gia. Sau đó, đức vua phong cho Lola Montez thành nữ bá tước cũng như xây cho cô một cung điện nguy nga tráng lệ, cung cấp một khoản tiền lớn để cô sống dư giả, thoải mái. Thêm vào đó, ông còn cho Lola Montez tham gia xử lý công việc triều chính.  

Trong hơn một năm được vua Ludwig sủng ái, Lola Montez ngang ngược, tác oai tác quái khi dám vô lễ với cả các cận thần cấp cao, thậm chí là cả với hoàng hậu. Do có những hành động “quá trớn”, người dân Bavaria hết sức giận dữ và biểu tình đòi vua Ludwig trục xuất vũ nữ thoát y ra khỏi đất nước. Bóng hồng này cũng chính là nguyên nhân khiến vua Ludwig đệ nhất phải thoái vị, ngường ngôi cho con trai vào năm 1848.

Sau khi bị trục xuất khỏi Bavaria, Lola Montez tiếp tục sự nghiệp múa thoát y của mình ở châu Âu, Mỹ và Australia trước khi dừng chân định cư ở New York. Trong hành trình đó, cô vướng vào hai cuộc hôn nhân bất hợp pháp, một tội danh giết người và nhiều vụ bê bối khác. Năm 1860, cô qua đời khi ở tuổi 40.

Barbara Palmer – nhân tình của vua Charles II


Barbara Palmer là tình nhân xinh đẹp và nổi tiếng nhất của vua Charles II ở nước Anh. Cô sinh năm 1640 và kết hôn với Robert Palmer khi mới 19 tuổi. Vợ chồng cô cùng nhau đi du lịch đến Hà Lan, nơi vua Charles đang sống lưu vong trong thời gian Oliver Cromwell cầm quyền.

Khi sống ở đó, Barbara nhanh chóng trở thành nhân tình bí mật của vị vua bị lật đổ. Khi trở về London nắm lại quyền hành như xưa, vua Charles II triệu cô về bên cạnh mình. Barbara hạ sinh người con đầu tiên trong số 7 người con của vị vua này cũng như là một trong số 5 đứa con được ông công nhận. 

Địa vị của Barbara không hề suy yếu ngay cả khi vua Charles kết hôn với nữ hoàng Catherine of Braganza vào năm 1662. Cô đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong chính quyền với mức lương khủng cũng như có cơ hội tiếp xúc với  những nhân vật “máu mặt” trong tòa án. Barbara tích lũy được một số lượng tài sản lớn đồng thời thuyết phục nhà vua cho con trai bà danh phận và địa vị. Năm 1709, bà qua đời ở tuổi 68 và có một số người con cháu nổi tiếng đó là công nương xứ Wales Diana.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Nhật Anh (theo History)

Bình luận(0)