Lê Tần là danh tướng vừa vũ dũng vừa mưu lược, góp phần quan trọng trong chiến thắng của nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Trong thời bình, Lê Tần thực sự là bậc lương thần trung nghĩa, ngay sau chiến tranh đã phải đảm nhận trọng trách cực kỳ khó khăn. Ông được coi như người trong hoàng tộc, được vua Trần Thái Tông gả công chúa Chiêu Thánh cho.
Vua Trần Thái Tông tác thành cho công chúa Chiêu Thánh
Nắm chắc ý đồ chiến lược và trước thế địch còn mạnh, Lê Tần cùng Trần Hưng Đạo thực hiện kế "thanh dã" (vườn không nhà trống), rút khỏi Thăng Long, lui quân về giữ sông Thiên Mạc (Khoái Châu, Hưng Yên), chấn chỉnh đội ngũ, củng cố lực lượng chờ thời cơ.
Ngột Lương Hợp Thai chiếm được Thăng Long bỏ trống, đã rơi vào thế bị bao vây cô lập, thiếu thốn lương thực, quân sĩ đói khát; sợ bị tiêu diệt, đã bỏ thành Thăng Long, cho quân lập doanh trại trên bến Đông Bộ Đầu (từ dốc Hàng Than đến phố Hoè Nhai, quận Ba Đình, TP Hà Nội ngày nay), án binh bất động. Nắm được tình thế quân địch, bộ tham mưu nhà Trần quyết định tổ chức cuộc phản công.
Đêm 28 rạng 29/1/1258, quân Trần do vua Trần Thái Tông tổng chỉ huy, chia thành hai đường thủy bộ, tập kích bất ngờ vào trại địch trên bến Đông Bộ Đầu. Ngột Lương Hợp Thai trở tay không kịp phải mở đường máu tháo chạy, trận đánh đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Ngày 5/2/1258, triều đình mở hội mừng chiến thắng trong kinh thành Thăng Long, các tướng quân Lê Tần, Hà Bổng, Trần Khánh Dư được định công đầu, đứng hàng bậc nhất.
Lê Tần được vua Trần phong giữ chức Ngự sử đại phu, tước Bảo Văn hầu, được ban quốc tính, mang tên Lê Phụ Trần (người có công giúp nhà Trần). Trần Thái Tông cảm kích nói với Lê Tần: "Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay", rồi tác thành công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) cho Lê Tần.
Sau chiến thắng, Lê Tần được cử làm chánh sứ sang Mông Cổ nối lại mối bang giao. Tháng 6/1259, vua Trần Thánh Tông phong giữ chức thủy quân đại tướng, giao việc chăm lo xây dựng lực lượng thủy binh. Tháng 11/1274, được triều đình tin tưởng giao giữ chức thiếu sư kiêm trừ cung giáo thụ (chức quan dạy thái tử là vua Trần Nhân Tông sau này). Triều Trần coi Lê Tần như người trong hoàng tộc...
|
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng tại đền Rồng. |
Một kết thúc có hậu của Lý Chiêu Hoàng
Trong chiến tranh, Lê Tần là danh tướng gồm đủ cả vũ dũng và mưu lược, nhạy bén phân tích tình hình, khảng khái khuyên vua lui quân để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ diệt địch, phải nói rằng, chỉ có bậc danh tướng tài ba, quyết đoán mới có thể làm được. Tham gia bàn định và hiến kế thanh dã, đã đặt nền tảng cho chiến lược và nghệ thuật rút lui để bảo toàn lực lượng sau này.
Trong thời bình, Lê Tần thực sự là bậc lương thần trung nghĩa, ngay sau chiến tranh đã phải đảm nhận trọng trách cực kỳ khó khăn, làm chánh sứ để nối lại mối bang giao với kẻ bại trận đầy hận thù và tham vọng, phải là người có trí tuệ uyên bác mới đảm đương được trọng trách này. Rồi làm thầy dạy thái tử... càng khẳng định tài trí, đức độ và kinh nghiệm dày dạn của Lê Tần.
Trong những cuộc chiến tranh sau này có thể do tuổi cao, sức yếu, Lê Tần ít được nhắc đến và không rõ mất năm nào. Sử sách không ghi chép gì về ngày tháng năm sinh, mất của ông. Trần Bá Trí căn cứ vào Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký cho rằng, Lê Tần là con Lê Khâm - dòng dõi Lê Đại Hành.
Theo một số tư liệu như sách "Việt Nam đại hồng sử", sau khi được gả cho Lê Tần, Chiêu Thánh theo chồng về ở tại đất Bạch Hạc, Phú Thọ rồi không lâu họ cùng nhau về sống ở đất Ái Châu, Thanh Hoá ngày nay. Tuy là một cuộc hôn nhân gượng ép, nhưng may mắn thay, bà và Lê Tần sống hoà hợp, yêu thương nhau, đó là những ngày tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời người phụ nữ đầy truân chuyên đau khổ.
Và một năm sau, tức năm Kỷ Mùi (1259) Chiêu Thánh sinh hạ một người con trai đặt tên là Lê Tông, còn có tên khác là Lê Phụ Hiền, tiếp đó bà sinh thêm một người con gái đặt tên là Lê Thị Ngọc Khuê còn gọi là Minh Khuê.
(còn nữa)