Giải mật chiến dịch hạ sát chủ mưu trận Trân Châu Cảng (1)

Google News

Nhờ giải được mật mã như trong các trận Midway (4 - 7/6/1942) và Guadalcanal (7/8/1942 - 9/2/1943), Mỹ đã săn được một “con mồi” quan trọng bậc nhất trong CTTG 2. 

Nhờ giải được mật mã như trong các trận Midway (4 - 7/6/1942) và Guadalcanal (7/8/1942 - 9/2/1943), Mỹ đã săn được một trong những “con mồi” quan trọng bậc nhất của họ trong Chiến tranh thế giới thứ 2, kiến trúc sư trưởng của cuộc đột kích Trân Châu Cảng, Đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto. Trong suốt chiều dài lịch sử Mỹ, chỉ duy nhất chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden là có thể sánh ngang với nỗ lực trừ khử nhân vật được coi là một trong 10 viên tướng xuất sắc nhất trong lịch sử quân sự thế giới này.
Chiều thứ 7 tại một boongke chỉ huy siêu vẹo, ngột ngạt và ám mùi khói ở sân bay Henderson trên đảo Guadalcanal (thuộc đảo quốc Solomon), các sĩ quan cao cấp thuộc hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đứng chật kín. Hai viên phi công “quèn”, đại úy Thomas Lanphier Jr. và thiếu tá John W. Mitchell, chỉ huy Phi đội chiến đấu cơ 339 của Không quân Mỹ, đến sau cùng nhưng lại được đối đãi như những vị thượng khách. Mitchell được trao một bức điện báo đề “tối mật” nói về kế hoạch chuyến thị sát của Yamamoto (4/1884 - 4/1943).
 Đô đốc Isoroku Yamamoto.
Từng du học tại đại học Harvard (Mỹ) và là người đam mê các trò cá cược, Đô đốc Yamamoto, Tư lệnh Hạm đội hỗn hợp Hải quân Hoàng gia Nhật Bản, là người khởi xướng cuộc tấn công ngày 7/12/1941 nhằm vào Trân Châu Cảng. Nhóm giải mật thuộc Hải quân Mỹ đã chặn được thông tin vô tuyến điện của Nhật Bản ngụ ý vị đô đốc này sẽ bay qua vùng trời trên đảo Bougainville vào sáng sớm hôm sau ngày 18/4/1943, trùng với ngày kỷ niệm một năm cuộc không kích Doolittle của Mỹ nhằm vào Nhật Bản. Vị tư lệnh không quân mới được bổ nhiệm ở Solomons, Chuẩn Đô đốc Marc A. Mitscher, người từng phụ trách tàu sân bay Hornet trong sứ mệnh Doolittle, nay có cơ hội tiến hành một cuộc đột kích tầm xa nữa, và lần này bằng máy bay chiến đấu Lockheed P-38G Lightning.
Các nhà hoạch định sách lược hải quân nói với Mitchell và Lanphier: “Chúng ta sẽ săn con chim này. Ý chúng tôi là các anh sẽ bắn hạ hắn nếu phải đâm vào hắn ở trên không. Nhưng hắn sẽ cất cánh từ vị trí cách đây 1.000 km và chỉ những chiến đấu cơ có khả năng bay tầm xa tốt mới có thể đánh chặn hắn, Thiếu tá Mitchell ạ, đó chính là những chiếc Lightning”.
Lý do là tổng hành trình bay 1.000 km đến mục tiêu và 600 km để trở về, cộng với nhiên liệu phụ trội để tham chiến, vượt quá tầm hoạt động của những chiến đấu cơ F4F Wildcat và F4U Corsair có sẵn trong các phi đội của hải quân và lính thủy đánh bộ trên đảo Guadalcanal. Do đó, nhiệm vụ này được giao cho Đơn vị chiến đấu cơ 347 với những chiếc P38 có khả năng đánh chặn và tham chiến nhờ những bình nhiên liệu phụ.
 Boongke chỉ huy các chiến dịch tại sân bay Henderson tháng 7/1943.
Gần như cùng lúc đó, Yamamoto đang ăn tối với trung tướng Hotoshi Imamura, chỉ huy quân đội Nhật Bản ở Rabaul (Papua New Guinea). Imamura từng suýt bị bắn hạ trên bầu trời Bougainville 2 tháng trước và viên tướng này cùng với những sĩ quan khác đã ra sức can ngăn Yamamoto hủy bỏ kế hoạch thị sát. Tuy nhiên, Tham mưu trưởng Hạm đội hỗn hợp, Phó Đô đốc Matome Ugaki, người sẽ tháp tùng Yamamoto trong chuyến đi, lại cho rằng chuyến thị sát này có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp nâng cao sĩ khí. Sau khi công bố các kế hoạch của mình, Yamamoto khẳng định “cho dù có nguy hiểm thì tôi cũng không thể quay đầu lại được nữa”.
Các hành trình bay của phi đội Nhật Bản và phi đội Mỹ. 
Người Mỹ tin vào điều này. Mitchell nói với các phi công của ông ta: “Yamamoto sẽ đến Bougainville vào sáng mai. Chúng tôi dự liệu hắn sẽ hạ cánh lúc 9 giờ 45 phút. Chúng ta sẽ tấn công hắn trước đó 10 phút ở phía tây”. Để làm được điều này, phi đội của Mitchell phải bay vòng gần 650 km quanh Solomon mà không sử dụng sóng vô tuyến để tránh bị kẻ thù phát hiện, định vị bằng cách sử dụng la bàn và bay sát mặt biển để tránh rađa. Dù có mang thêm các thùng nhiên liệu dự trữ ngoại cỡ (650 lít/thùng dưới cánh máy bay) thì các máy bay chiến đấu của Mỹ cũng chỉ có khả năng bay trong vùng mục tiêu từ 5 - 10 phút. Bản thân Mitchell tính toán xác suất họ chạm chán Yamamoto chỉ là 1/1.000 và đó là trước khi Kahili, căn cứ Nhật Bản trên Bougainville, cho 75 chiếc Zero xuất kích để tấn công phi đội chỉ gồm hơn chục máy bay của Mỹ. Do đó, đây chẳng khác gì một nhiệm vụ cảm tử.
Ở Rabaul (Papua New Guinea), Yamamoto suýt trễ giờ cất cánh do bị các chỉ huy địa phương ra sức ngăn cản. Mặc bộ quân phục màu xanh lá cây để thể hiện sự đoàn kết với binh sĩ và được một số phụ tá tháp tùng, vị đô đốc lên chiếc máy bay ném bom Mitsubishi G4M1 số hiệu 323 thuộc Đơn vị không quân số 705. Ugaki và các cố vấn của ông lên một máy bay ném bom G4M1 khác mang số hiệu 326 và nhanh đến mức 2 vị đô đốc không kịp chào tạm biệt. Cất cánh đúng lịch trình vào lúc 6 giờ (theo giờ Tokyo, là giờ chuẩn mà quân đội Nhật Bản căn cứ vào đó để tiến hành hoạt động), các máy bay ném bom leo lên độ cao gần 2.000 m với sự hộ tống của 6 chiến đấu cơ Zero thuộc Đơn vị không quân số 204, bay theo 2 đội hình, mỗi đội hình 3 chiếc bay phía trên và phía dưới cách mục tiêu hộ tống 450 m.
Trong khi đó, phi đội của Mitchell cũng đang trong hành trình hướng đến mục tiêu của mình. Anh liên tục nhìn giờ trên chiếc đồng hồ đeo tay hiệu GI và theo dõi la bàn hải quân được gắn trên máy bay. Đến 8 giờ 20 phút, Mitchell tính toán vị trí của họ đang ở cách Henderson 290 km về phía tây. Tiếp tục bay 27 phút theo hướng 290 độ, 38 phút theo hướng 305 độ. Đến 9 giờ 25 phút, họ chỉ cách Bougainville chừng 30 km và thực hiện lần chuyển hướng cuối cùng về phía đông bắc, ẩn náu trong làn sương mù tầm thấp.
Ở trên cao về phía tây bắc, phi đội của người Nhật Bản bay trong bầu trời trong vắt. Họ có thể nhìn thấy những con tàu vận tải bên cạnh các khu trục hạm hộ tống đang di chuyển trên vùng biển xanh phía dưới. Khi gần đến đảo Bougainville, đội hình bắt đầu hạ thấp độ cao.
(Còn nữa)...
Theo Huy Lê/Báo tin tức

Bình luận(0)