Cuộc nổi dậy của sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại dù có sự ủng hộ ngấm ngầm của Lục Tổ Thiền Ông và thiền sư Vạn Hạnh nhưng vẫn thất bại. Con cháu Lý Khuê phải thay tên đổi họ, còn triều đình thì luôn “để mắt” đến những người họ Lý.
Từ bài kệ sấm truyền
Lý Khuê nổi dậy ứng với câu kệ “Đại Sơn long đầu khởi” của thiền sư Định Không. Và cuộc khởi nghĩa kéo dài được hai năm thì bị diệt, con cháu phải đi trốn tránh, mai danh ẩn tích.
Các nhà sử học lẫn phong thủy học đều thống nhất về hai câu cuối bài kệ của thiền sư Định Không đậm màu dịch lý. Trong đó, chữ “nguyệt” tượng âm, chữ “nhật” tượng dương. Âm là tối, chưa tốt, ẩn tàng; còn dương là sáng, tốt đẹp, rực rỡ.
Lúc “nguyệt nội” thì hai sao xấu (kê, thử) và khi một sao tốt (thỏ) chiếu rọi, chuyển âm sang dương, tức “nhật xuất” thì thành công rực rỡ. Trong nhị thập bát tú thì sao Mão nhật kê (gà) chỉ tốt cho nông nghiệp, còn giá thú, an táng, dựng nhà đều xấu.
|
Ngũ quan đình Dương Lôi, nơi ngày trước có cây gạo bị sét đánh và hiện ra bài kệ. |
Nếu dựng nghiệp thì tai họa ập tới ngay những năm đầu tiên. Sao Hư nhất thử (chuột) cũng là một sao xấu, nếu tạo tác thì gặp tai ương, gia đình ly tán, cháu con trôi dạt tha phương. Hai sao trên thuộc loại hung tinh, còn một trong những cát tinh là sao Phòng nhật thổ (thỏ). Sao này rất tốt cho tạo tác, giá thú, an táng, dựng nghiệp thì mọi sự đều tốt.
Và khi Lý Khuê bị thất bại, nhóm Thiền Ông - Vạn Hạnh phải cưu mang đám con cháu của Lý Khuê, tạo điều kiện cho cha, bác, chú của Lý Công Uẩn mai danh ẩn tích (tiềm long) để tránh sự bố ráp gắt gao của triều Đinh và Tiền Lê.
Đến cuộc hôn nhân có ý đồ
Vì tin vào câu “Cù vĩ ẩn Minh Châu” nên Vạn Hạnh đã tiến hành việc cưới bà Phạm Thị Ngà cho một người con trai của Lý Lãng Công (tức Hiển Khánh Vương). Cũng vì tạo cho Lý Công Uẩn là con thần cháu thánh, tránh sự truy bắt của triều Đinh và Tiền Lê nên Thiền Ông ẩn tích, Vạn Hạnh đã giấu tông tích của Lý Khuê và mối quan hệ cháu ông giữa Lý Công Uẩn với sứ quân họ Lý.
Sau khi sứ quân Lý Khuê bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại, dòng họ Lý của sứ quân Lý Khuê một số bị giết, nhưng số còn lại phải đi ẩn, vào rừng sinh sống, vào tu ở các chùa trong núi nhằm mai danh ẩn tích.
Lý Vạn Hạnh mặc dầu họ Lý nhưng cũng có thời kỳ phải mang họ Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí từng chép: “Đời Lý: Nguyễn Vạn Hạnh người huyện Đông Ngàn, lúc bé thông minh khác thường, rộng thông ba học phái; xuất gia thâm thuý về thiền học, nói ra phần nhiều là lời sấm. Lê Đại Hành thường triệu đến hỏi công việc. Lý Thái Tổ phong làm quốc sư”.
Ngay vua Lê Đại Hành cũng rất gờm con cháu họ Lý, có khi suýt bắt được Lý Công Uẩn để trừ hậu họa. Hơn ai hết, Lê Đại Hành thừa biết họ Lý đang được lòng dân, đa phần là phật tử.
|
Chùa Tiêu là nơi diễn ra cuộc hôn nhân bí mật của cha mẹ Lý Công Uẩn. |
Lý Công Uẩn được cứu
Đại Nam nhất thống chí chép: “Xưa Lê Đại Hành đắp thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn làm phu đắp, đến đêm Lê Đại Hành mộng thấy thần cho biết là có bậc quý nhân đương làm việc đắp thành ở đây. Thức dậy sai người đi tìm, thì Công Uẩn đã đi rồi.
Khi Công Uẩn đi đến xã Tam Tảo, thấy hai vợ chồng già đang cày ruộng, bèn đem duyên do chuyện mình nói cho biết. Ông già liền bảo Công Uẩn lấy bùn trát khắp mình và cùng cày ruộng; sau đó ông già mang Công Uẩn về nhà, đào đất làm hầm cho ở và chứa nước ở trên hầm.
Lê Đại Hành xem bói, thấy quẻ bói nói: “Nước ở trên người”. Vì thế, Lê Đại Hành tưởng là Công Uẩn đã chết ở sông rồi. Đến khi Lý Công Uẩn được nhà Lê truyền ngôi, bèn phong ông già làm Phụ quốc đại vương và phong vợ ông làm vương phi, làm nhà cho ở Phượng Vũ. Sau khi ông già chết, người địa phương lập đền thờ ngay ở chỗ ông già ở”.
Sự kiện này phản ánh một thực tại, rằng các vua Đinh, Lê vẫn “để mắt” đến họ Lý vùng Cổ Pháp - Siêu Loại và bản thân Lý Công Uẩn cũng biết vai trò, vị thế của mình trong xu thế mới. Sử liệu này cho thấy sự đùm bọc của nhân dân đối với Lý Công Uẩn, người đại diện cho niềm khát vọng của họ.
Đinh Tiên Hoàng tiếp tục cử tướng Lưu Cơ giữ thành Đại La, sau khi dẹp loạn thập nhị sứ quân là để khống chế các tộc họ có uy vọng ở miền Kinh Bắc, trong đó có họ Lý của Lý Khuê. Sự kiện “sét đánh cây gạo” không là biến cố ngẫu nhiên. Từ năm 936 cây gạo đã được Trưởng lão Đinh La Quý An trồng ở làng Dương Lôi. Nếu sét đánh cây gạo khoảng năm 1009 hay 1010 trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi khoảng trên dưới một năm thì không hợp lý.
|
Con cháu họ Lý dâng lễ tại Lý gia lăng. |
Thật vậy, cuộc vận động để đưa dòng dõi họ Lý lên ngôi phải được tiến hành cả trăm năm, nhưng từ năm 936 cây gạo được trồng, cho đến năm 1009 mới có vụ cây gạo ở Dương Lôi bị sét đánh và xuất hiện bài sấm ký thì không có chuyện Lý Công Uẩn bị Lê Đại Hành cho người tìm để trừ hại.
Có khả năng dư luận về bài sấm ký có thể xuất hiện sớm hơn nhiều so với năm Lý Công Uẩn lên ngôi. Sau khi bị tử trận ở Dương Xá (tức ở làng Thổ Lỗi), thân nhân đã bí mật đưa hài cốt Lý Khuê về táng ở Mai Lâm, Đông Ngàn. Hiện nay ở Hoa Lâm (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) có mộ Hùng Công trong khu vực “Lý gia lăng”.
Trong “Hoa lâm viên và những dấu ấn triều Lý” có đoạn: “Gia phả và nhà thờ họ Nguyễn gốc Lý tại thôn Du Nội còn ghi rõ. Mai Lâm ngày nay còn ghi nhận những địa danh như: đồng Bẫy Sập, mộ Hùng Công, miếu Âm Hồn, bãi Tổng Binh, ao Sau Dinh, cầu Giá Ngự... gắn với những sự kiện vui, buồn của thời Lý”.
Những địa danh lịch sử ở Hoa Lâm không gợi mở về những ngày Lý Công Uẩn lên ngôi êm thắm mà như nhắc nhở về một vị hùng trưởng họ Lý khởi nghĩa và bị thất bại. Mộ Hùng Công phải chăng là ngôi mộ bí mật của Lý Khuê? Như thế thì mộ bà Lý triều quốc mẫu ở Hoa Lâm có thể là mộ phu nhân của Lý Lãng Công.
“Hiện nay, tại thôn Dương Đanh, xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) còn thờ Lý Lãng Công. Trong khoảng từ 936 - 974 không có vị nào thuộc họ Lý của hương Diên Uẩn, ngoài Lý Khuê đã khởi nghĩa. Vậy Lý Lãng Công là ứng với đầu rồng đã khởi nhưng thất bại và con cháu phải ẩn tu hoặc mai danh ẩn tích, đổi họ Lý thành họ Nguyễn vào thời Đinh và thời Tiền Lê”.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền