Về Thanh Nga với Cầm Bá Thước
Tháng 7/1890, Đốc Thiết đã phối hợp với Đề Niên, Đề Vinh, Lãnh Ngoại là những tướng giỏi của phong trào Nguyễn Xuân Ôn ở vùng đồng bằng Diễn Châu tập kích táo bạo vào phủ đường phủ Quỳ Châu. Đây là trận thắng lớn của nghĩa quân phối hợp giữa vùng đồng bằng và miền núi.
Khi quân địch tấn công lên vùng Lâm La (nay thuộc Nghĩa Đàn) Đốc Thiết bố trí lực lượng của Đội Nhiêu phản công và đã tiêu diệt được hai sĩ quan Pháp và nhiều binh lính. Ở làng Hiếu Nghĩa quân hàng phủ cũng bị nghĩa quân của Quản Thông phục kích, cai Nham và một số lính khố xanh bị tiêu diệt.
Thấy không diệt nổi nghĩa quân của Đốc Thiết, bọn thực dân Pháp sai Sầm Văn Hào tìm cách mua chuộc nghĩa quân nhất là những người chỉ huy của đội quân Đốc Thiết. Một số người loá mắt trước cám dỗ của Sầm Văn Hào. Một đốc binh trong hàng ngũ nghĩa quân đã trở mặt phản bội lại phong trào.
Đứng trước tình hình đó cùng với hoàn cảnh của phong trào chống thực dân Pháp ở các nơi đang dần dần bị tan rã, Lang Văn Thiết quyết định đưa lực lượng về vùng Thanh Nga để tiện phối hợp với nghĩa quân của Cầm Bá Thước vào cuối năm 1890. Biết Đốc Thiết chuyển dời lực lượng, Sầm Văn Hào phái 12 lính đuổi theo, nhưng nghĩa quân của Đốc Thiết đã đánh tan toán quân đó.
|
Tranh minh họa. |
Chết vì một tên phản bội
Năm 1894, quân Pháp mở trận tấn công nhằm quét sạch các căn cứ của Cầm Bá Thước ở Trịnh Vạn. Đốc Thiết chủ động cho quân về phục kích chặn đánh quân Pháp từ Nghĩa Đàn lên, đỡ đòn phía Nam cho Cầm Bá Thước và bảo vệ cơ sở Thanh Nga. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân Đốc Thiết bị tổn thất lớn, số còn lại phải rút về phòng thủ tại Thanh Nga.
Trong hoàn cảnh này Đốc Thiết định vượt qua Bù Quế sang hiệp lực cùng Cầm Bá Thước. Nhưng lúc này Cầm Bá Thước cũng đang bị quân địch truy đuổi, Đốc Thiết lại quay về Thanh Nga. Từ đây Đốc Thiết phải chống chọi với đội quân do tên phản bội Lang Văn Hạnh và một người trong họ của Đốc Thiết là Hiệp La.
Đang đêm quân của Lang Văn Hạng bao vây nơi ở của Đốc Thiết. Vừa nghe tiếng động, Đốc Thiết ra cầu thang để quan sát, lập tức Hiệp La nổ súng. Đốc Thiết bị thương chạy vào nhà lấy thanh gươm rồi tụt xuống gầm nhà. Nhưng ông lại bị một tên lính của chúng đâm một nhát vào phía sau.
Đốc Thiết hy sinh khi ông vừa tròn 47 tuổi (1897). Sau cái chết của Lang Văn Thiết phong trào chống thực dân Pháp ở miền núi Tây Bắc bị lắng xuống nhanh chóng. Quản Thông, Quản Thụ những tướng lĩnh cùng hợp tác với Đốc Thiết, tiếp tục hoạt động thêm một thời gian nhưng cũng bị giặc bao vây và tan rã.
Sau khi Lang Văn Thiết hy sinh, đồng bào dân bản rất thương tiếc. Nhiều nơi như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quế Phong dân lần lượt lập miếu dựng đền thờ tưởng nhớ công lao của ông.