Hai vị phu nhân làm tướng giỏi hơn chồng trong sử Việt

Google News

(Kiến Thức) - Chẳng học qua binh pháp nhưng khi cần ra tay để báo thù nhà, hai vị phu nhân ấy đã cầm quân còn hơn cả chồng mình khiến người ta khâm phục.

Chẳng học qua binh pháp nhưng khi cần ra tay để báo thù nhà, hai vị phu nhân ấy đã cầm quân còn hơn cả chồng mình khiến người ta khâm phục.
Nén đau thương bầy mưu báo thù
Thời Lê – Mạc tranh hùng, bà Nguyễn Thị Niên, vợ của Sơn Quận công Bùi Văn Khuê quả thực là một tay anh kiệt trong phái nữ. Theo sách Việt sử giai thoại, Bùi Văn Khuê vốn là tướng nhà Mạc.
Năm 1592, vì có chị ruột đang là Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp, cho nên, bà Nguyễn Thị Niên vẫn thường hay ra vào trong cung cấm. Thấy bà có nhan sắc mặn mà, Mạc Mậu Hợp mưu giết Sơn Quận công Bùi Văn Khuê để cướp vợ của ông ta. Cơ mưu bị bại lộ, Bùi Văn Khuê lập tức đem toàn hộ gia quyến và tướng sĩ dưới quyền, chạy về với nhà Lê.
Nhưng ở với nhà Lê chưa được 10 năm thì Bùi Văn Khuê lại phản nhà Lê chạy về lại nhà Mạc. Và từ sự kiện này mà phát sinh ra câu chuyện anh dũng tiết liệt của bà Nguyễn Thị Niên.
Hai vi phu nhan lam tuong gioi hon chong trong su Viet
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. 
Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép việc ấy thế này: "Khi ấy (tức năm Canh Tí, 1600), bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê đem quân lính theo về với họ Mạc, ra lời chiêu an các thành thị để mưu việc lớn, nhưng bọn Phan Ngạn lại ngờ Bùi Văn Khuê có ý khác, bèn sai người bắn chết Văn Khuê ở giữa sông.
Từ đó, (Phan) Ngạn tự xưng là Tiết chế Sinh Quốc công, (Ngô) Đình Nga tự xưng là Thái bảo Hoa Quận Công, còn em của Phan Ngạn (chưa rõ tên) thì xưng là Tiền Bộ dinh Quỳnh Quận công. Khi ra bảng yết thị hoặc lệnh cấm, chúng dùng niên hiệu Càn Thống của họ Mạc.
Vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên muốn báo thù cho chồng, vừa khóc vừa nói với quân lính của chồng rằng : - Người nào dốc sức đền ơn, giết được (Phan) Ngạn thì sẽ được trọng thưởng. Phan Ngạn nghe tin, giận lắm. Ngày 1 tháng 6 (năm 1600- ND) Ngạn dẫn quân đến Hoàng Giang để đánh nhau, bị quân của vợ Văn Khuê bắn chết ở giữa sông".
Trong khi đó, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục sau khi chép chuyện Nguyễn Thị Niên tương tự như trên, còn cho biết thêm một đoạn khá dài: "Nguyễn Thị, tên tự là Niên, con gái thứ của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện. Có một thuyết nói rằng, Ngạn nghe nói Thị Niên có sắc đẹp, bèn sai người đưa tin, ước hẹn sẽ kết duyên với nhau. Nguyễn Thị Niên giả vờ nhận lời, rồi chọn hơn mười người trẻ tuổi, đẹp trai, đóng giả con gái, làm "thị tì" cho mình và hẹn với họ rằng : hễ ai mà giết được Phan Ngạn thì sẽ trọng thưởng.
Cùng lúc đó, Nguyễn Thị Niên vì muốn cho Phan Ngạn không nghi ngờ gì nên hẹn với y rằng : - Đêm ngày nọ, tháng nọ... sẽ đi thuyền lớn đến hội kiến. Phan Ngạn hí hửng lắm. Đến hẹn, Nguyễn Thị Niên ăn mặc lộng lẫy, đi thuyền ngược dòng, từ Hoàng Giang ra Nha Giang. Ngạn sai người do thám, thấy trong thuyền chỉ đầy những gái đẹp nên không còn nghi ngờ gì cả, vội ra ám hiệu cho thuyền tuấn tiễu bơi nhanh ra giữa sông, cắm neo gần chỗ đậu thuyền của Nguyễn Thị Niên.
Sắp đặt đâu đó rồi, Ngạn mừng rỡ, lấy thuyền lớn đến gặp gỡ Nguyễn Thị Niên. Khi Ngạn đã sang thuyền mình rồi, Nguyễn Thị Niên ra dấu cho thuyền mình lui đần, còn "thị tì" thì đứng làm hai hàng để hầu rượu.
Đúng lúc cuộc vui đang hồi nồng nàn nhất, đám "thị tì" rút dao giấu sẵn trong tay áo ra chặt đầu Phan Ngạn, rồi nhân lúc đang đêm, nước rút, gió thổi mạnh, bơi thuyền như bay mà về, khiến cho bọn lính tuần tiễu của Phan Ngạn cũng không hay biết gì cả. Đến nhà, Nguyễn Thị Niên đem đầu Phan Ngạn ra làm lễ tế chồng ở bàn thờ, xong, dặn hai con đến hành tại ở An Trường để xin quy thuận vua Lê, còn mình thì lao xuống sông tự tử".
Đốc quân xung trận báo thù chồng
Giống như bà Nguyễn Thị Niên, bà Trần thị ở xứ Đàng Trong cũng là một người có chồng làm tướng. Chồng bà là Trương Trà theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam và làm quan đến chức Phó tướng, tước là Trà quận công.
Theo sách Đại Nam liệt truyện, năm 1571, chúa Trịnh mật sai 3 anh em người Khang Lộc là Mỹ Lương, Văn Lan và Mỹ Sơn đem quân vào đánh chúa Nguyễn. Vốn trước đó 3 người này nhờ có thóc đem nộp mà được vua Lê cho làm quan. Mỹ Lương được làm chức Tham đốc còn Văn Lan và Nghĩa Sơn làm Thự vệ.
Hai vi phu nhan lam tuong gioi hon chong trong su Viet-Hinh-2
 Một nữ tướng trong phim Dương môn nữ tướng. Ảnh minh họa.
Mỹ Lương sai Văn Lan và Mỹ Sơn đem quân mai phục ở Minh Linh, còn mình thì đem quân bí mật đi đường núi, đến cầu Ngói (Ngõa Kiều) huyện Hải Lăng đặt phục binh, hẹn ngày giáp công. Chúa Nguyễn Hoàng biết mưu ấy, bèn sai Trương Trà đánh Nghĩa Sơn và Văn Lan, còn chúa thân đi đánh Mỹ Lương ở cầu Ngói, đốt hết trại giặc. Mỹ Lương trốn chạy, chúa đuổi theo bắt được đem chém.
Riêng cánh quân của Trương Trà đánh nhau với Nghĩa Sơn và Văn Lan ở Phúc Thị thì Trương Trà bị Nghĩa Sơn bắn chết. Vợ Trà là Trần thị người Diêm Trường, được tin sục sôi căm giận, liền ăn mặc giả trai, thân đi đốc chiến, bắn chết Nghĩa Sơn ở trước trận khiến quân chúng tan tác, Văn lan phải trốn chạy.
Sau khi chúa Nguyễn Hoàng đem quân về, bàn xét công lao phong Trần thị làm Quận phu nhân. Đến năm Gia Long thứ 4 (1805) xét sự trạng công thần khai quốc liệt Trần phu nhân vào hạng nhì, cho ấm thụ một người trong dòng dõi được thế tập làm Thứ đội trưởng, coi việc thờ cúng phu nhân. Lại cấp cho 6 mẫu tự điền và 3 người coi mả.
Hai vị phu nhân nói trên thực đúng là những hào kiệt trong phái nữ, dũng khí mưu lược đều có thừa. Bà Nguyễn Thị Niên so với chồng là Bùi Văn Khuê tỏ ra mưu trí hơn hẳn. Trong khi chồng bà hết theo Nam lại theo Bắc rồi vẫn bị đồng liêu sát hại thì bà lại dùng kế hạ sát được Phan Ngạn là một tướng cũng không phải xoàng thời ấy. Trần phu nhân thì dũng khí hơn người, ra giữa trận tiền đích thân đốc chiến, giữa làn tên đạn nguy hiểm để trả thù cho chồng và chỉ một trận đã thành công. Điều đó thật hiếm thấy.
Nam Khánh

Bình luận(0)