Điều khó hiểu về huyệt đất kết và vận khí triều Nguyễn

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù cả Gia Long và Minh Mạng đều chọn cho mình những huyệt đất tốt nhưng chỉ hai đời sau vận khí triều Nguyễn đã bắt đầu suy vi.

Việc kén đất của Gia Long và Minh Mạng
Vua Gia Long sớm đã để tâm đến việc tìm đất làm lăng mộ cho mình nên khi còn đang mạnh khỏe đã sai các quan đại thần đến vùng Thiên Thọ Sơn tìm huyệt đất tốt. Khu vực này có 42 ngọn núi lớn nhỏ trong đó ngọn Đại Thiên Thọ là lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng. Để tìm huyệt đất, vua tin cẩn giao cho Thượng thư bộ Binh Phạm Như Đăng, đại thần Tống Phúc Lương. Vua lại đặc biệt cho vời Lê Duy Thanh – con trai nhà bác học Lê Quý Đôn vào để cùng các đại thần lo công việc.
Tìm đi kiếm lại nhiều lần Lê Duy Thanh mới chọn được một thế đất ưng ý nhưng khi vua Gia Long lên xem thì nhà vua không ưng. Sách "Kể chuyện các vua Nguyễn" thuật lại: “ Được tin, Gia Long thân hành cỡi voi đến nơi xem xét, nhưng không đồng ý, nên đã chọn nơi mai táng hiện nay. Gia Long nói với Lê Duy Thanh một cách nghiêm nghị: - Nếu người ta đề cập đến long mạch thì nơi đây thật chính là nơi thích hợp cho một " lăng ". Thế có phải nhà ngươi muốn giữ chỗ này để chôn cho nhà ngươi phải không? ". Duy Thanh van xin, Gia Long mới tha tội".
Trước khi khởi công, nhà vua lại bảo hoàng tử thứ tư bói một lần nữa, được quẻ Dư, lời chiêm rằng: - Đại Cát Hanh nghĩa là rất tốt và hanh thông. Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820 thì hoàn tất.
Dieu kho hieu ve huyet dat ket va van khi trieu Nguyen
 Lăng Gia Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Hueworldheritage.org.vn.
Sau khi vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng nối ngôi cũng rất chú ý đến việc xây lăng mộ cho mình. Chỉ 7 năm sau khi lên ngôi ông đã phái các quan đi đến vùng đồi núi ở quanh Huế để tìm huyệt đất tốt.
Theo sách "Đại Nam thực lục", vua Minh Mạng dụ cho các quan về việc đi tìm đất như sau:
Các thánh đế minh vương đời xưa muốn cầu nhiều phước đều có dự định đất tốt vạn niên để mong trời cho cơ đồ dài lâu. Kể từ đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta khôi phục miếu xã, xây dựng các lăng, lại dự kế cất để nghìn muôn năm, năm Gia Long đã từng hạ sắc cho bầy tôi tìm kiếm ngôi Vạn niên cát địa. Nay trẫm kính lo đường kế thuật, may gặp buổi thái bình, việc phần mộ không thể không dự tính trước. Vậy hạ lệnh cho đình thần cùng với Khâm thiên giám đi đến miền núi thuộc các xã Kim Ngọc, Định Môn, lựa trước ngôi “Vạn niên đại cát địa” và ngôi “Vạn niên cát địa”, cho được gần chốn khí thiêng mà để lại phước ấm về sau. Các khanh đều nên hết lòng nhận kỹ, cốt cho thoả hợp, rồi vẽ địa đồ dâng trình, đợi trẫm thân đến lựa chọn”.
Các quan đã đi xem xét nhiều ngày và tìm được một số ngôi đất nhưng các ý kiến khác nhau. Trải qua nhiều năm suy xét, đến năm 1840 vua Minh Mạng mới cho xây lăng trên ngôi đất ở núi Cẩm Khê. Nhà vua cũng cho đổi tên núi từ Cẩm Khê thành Hiếu Sơn. Công việc tiến hành chưa bao lâu thì vua Minh Mạng băng nên chủ yếu công trình do vua Thiệu Trị xây dựng dựa trên bản vẽ đã được vua Minh Mạng chuẩn y.
Đất tốt vì sao không sinh vượng khí?
Như ở trên trình bày, cả vua Gia Long và vua Minh Mạng là những ông vua đầu triều Nguyễn đều rất chú trọng đến việc tìm đất kết để mong cho con cháu được hưởng phúc ấm lâu dài, vương triều truyền nối mãi mãi. Bởi vì khoa địa lý phong thủy xưa nói rằng nếu chọn được huyệt đất tốt mà táng vào đó thì con cháu sẽ được hưởng phúc ấm. Trong bài "Địa đạo diễn ca" của cụ Tả Ao được sách "Phong thủy địa lý Tả Ao chính tông" (Vương Thị Nhị Mười, Nxb Hải Phòng) chép lại có câu: “Đất có cát địa chân long, Táng cho phải phép anh hùng giầu sang”. Rồi đoạn sau lại có câu nữa: “Quả nhiên huyệt chính long chân, Tiêu sa nạp thủy chớ nhầm một ly, Táng thoi phúc lý tuy chi, Trâm anh bất tuyệt thư thi gia truyền”.
Đất tốt có nhiều kiểu đất. Có kiểu đất phát công hầu khanh tướng, có kiểu phát vương giả, có kiểu phát tiền tài... Với người dân thường thì chỉ mong được đất phát đến quan lại công hầu hoặc phát tiền tài là đã tốt lắm rồi. Nhưng ở địa vị vua Gia Long và vua Minh Mạng, không lý gì các ông lại chọn cho mình kiểu đất chỉ phát công hầu. Như vậy há chẳng phải là tụt lùi hay sao? Bởi vì các ông đã là vua thì đất chọn phải là long mạch phát vương giả để vượng khí vương triều được lâu bền, con cháu đời đời truyền nối ngai vàng mới là hợp ý, hợp lý.
Đối với việc chọn đất, cả hai vua đều làm rất cẩn thận. Vua Gia Long ngoài các quan trong triều còn đặc biệt mời con trai bác học Lê Quý Đôn để tầm long cho chắc chắn. Rồi đến khi chọn được lại thân hành lên xem và còn tỏ ra khá am hiểu phong thủy khi quở trách Lê Duy Thanh. Vua Minh Mạng cũng mất 14 năm suy xét và cũng đích thân đến xem rồi mới quyết định xây lăng.
Dieu kho hieu ve huyet dat ket va van khi trieu Nguyen-Hinh-2
 Lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao. Ảnh: Khoahocnet.com.
Như vậy, trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng hai huyệt đất mà hai vị vua này chọn đều là những thế đất tốt, đã được nhiều học giả, quan lại và giới chuyên môn thời đó nghiên cứu kỹ và công nhận. Việc lăng cha ông đặt nơi đất tốt là sự thực nhưng việc chỉ hơn chục năm sau vận khí nhà Nguyễn bắt đầu suy vi cũng là sự thật.
Chỉ 18 năm sau khi vua Minh Mạng mất, quân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta và cháu nội ông là vua Tự Đức liên tục phải cắt đất cầu hòa. Không những mặt sự nghiệp sa sút mà mặt vua Tự Đức dù có rất nhiều thê thiếp và cũng không chết trẻ nhưng cũng không có một mụn con nào.
Để giải thích cho việc vua Gia Long và Minh Mạng được táng vào đất kết phát mà con cháu đã chẳng phát lại còn suy vi chúng ta hãy quay trở lại thời Trần. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", tháng 6 năm 1248, vua Trần theo lời Trần Thủ Độ sai các nhà phong thủy đi xem khắp sông núi cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; lấp các khe ở kênh, mở đường ngang dọc rất nhiều.
Đối với sự việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê đã bình luận rất chí lý rằng: “Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi lại quay về Bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không? Ví như Tần Thủy Hoàng biết là phương đông nam có vượng khí thiên tử, đã mấy lần xuống phương ấy để trấn áp, mà rút cuộc Hán Cao tổ vẫn nổi dậy, có trấn áp được đâu”.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên đã nói rõ cái lý là vượng khí do đất kết không thể có uy lực thắng được sự xoay chuyển của bánh xe lịch sử thời đại.
Một ý nữa cần nói đó là ngay trong chính khoa địa lý phong thủy, các nhà địa lý cũng nói rằng: “Đất có tuần, dân có vận”. Có nghĩa rằng mỗi dòng họ phát vương phát tướng hay phát công hầu chỉ có thời hạn nhất định và chỉ do ảnh hưởng của một cuộc đất chứ không thể tìm thêm nhiều đất phát để mong cộng thêm phúc phần. Tức là như sự nghiệp họ Nguyễn phát lên từ chúa Nguyễn Hoàng thì có thể đã được hưởng phúc ấm từ đất kết của cha ông hoặc cụ kị chúa Nguyễn Hoàng, kéo dài đến tận đời Bảo Đại là hơn 300 năm chứ không thể sử dụng cuộc đất kết khác để mong kéo dài phúc phần vương giả khi vận số đã hết.
 
Chu Vĩnh Khang, một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc vừa bị điều tra, từng cho sửa sang nhà cửa, phần mộ gia tiên, thậm chí đào hẳn một con sông để tạo phong thủy thuận lợi cho đường tiến thân.
Mời quý độc giả xem những hình ảnh về ngôi biệt thự phong thủy của Chu Vĩnh Khang - Nguồn Đời sống & Pháp luật: 
Nam Khánh

Bình luận(0)