Thời Trần có hai khoa thi năm Bính Thìn (1256) và Bính Dần (1266) triều đình lấy hai học vị Trạng nguyên: Kinh Trạng nguyên cho người ở phía Bắc và Trại Trạng nguyên cho người từ Thanh Hóa trở vào.
Người đỗ Trại Trạng nguyên năm Bính Dần (1266) là Bạch Liêu, quê ở làng Thanh Đàm, xã Nguyễn Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay thuộc Diễn Châu, Nghệ An). Ông là một trường hợp rất đặc biệt trong lịch sử khoa cử và quan trường Việt Nam, đỗ Trạng nguyên nhưng không ra làm quan, không có chức vị, tước phong gì nhưng vẫn là một đại thần. Tiếc rằng tư liệu về Bạch Liêu không có nhiều, chỉ có ít dòng ghi chép trong sách sử, mẩu chuyện và giai thoại dân gian nên chúng ta không rõ nhiều về năm sinh, năm mất, gia thế, sự nghiệp…của ông.
Truyền rằng Bạch Liêu là người rất thông minh, tính tình cương trực, đọc sách một lần là nhớ. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có viết về ông như sau: “Liêu người Nghệ An, tính thông minh nhớ lâu, đọc sách 10 dòng một lúc”. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Bạch Liêu không ra làm quan mà xin vua cho về quê hương để ở nhà báo hiếu cha mẹ, giúp việc cho làng xóm.
Khi ấy, trấn thủ Nghệ An là Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải biết tiếng ông, lại mến tài trọng đức bèn mời Bạch Liêu làm môn khách trong nhà. Hai người thường xướng họa thơ phú, đàm đạo văn chương rất tâm đắc; dần dần Trần Quang Khải coi Bạch Liêu là người thân tín, cho ông tham gia bàn việc quân, việc nước.
Nghệ An thời Trần thuộc đất Hoan Diễn, một khu vực quan trọng có vị trí chiến lược như bức tường thành bảo vệ phía Nam Đại Việt. Nhận thấy rằng để có thể xây dựng Hoan Diễn thành vùng đất trù phú, giàu mạnh tạo thành chỗ dựa cho quốc gia, Bạch Liêu đã suy nghĩ một thời gian để viết ra Biến pháp tam chương, đề xuất ba việc cần làm, đó là:
Kiểm tra dân số, biên hết vào sổ nhân khẩu. Chiêu mộ tráng đinh sung vào quân đội, chia làm nhiều phiên thường xuyên luyện tập võ nghệ, phép đánh trận để khi cần sẽ dùng đến. Mặt khác lập các xưởng rèn đúc vũ khí để trang bị cho binh lính.
Khuyến khích các vương hầu, quan tướng lập điền trang rồi chiêu tập dân nghèo, người không có ruộng và đưa gia nô vào canh tác, khai khẩn để có thêm lương thực, của cải. Làm đường thiên lý từ Thanh Hóa vào đến dãy Hoành Sơn, cứ 20 dặm lại lập kho chứa thóc và binh khí.
Ở những nơi giáp biên giới phải xây dựng các đồn lũy bảo vệ, mặt khác đưa dân đến khai hoang, lập ấp, dựng làng để dựa vào nhau, tạo thế ỷ dốc vững mạnh.
Đọc xong Biến pháp tam chương của Bạch Liêu, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải tấm tắc khen ngợi, sau đó ông cho thi hành ngay. Điền trại, đồn lũy được lập nhiều nơi; sau mấy năm thực hiện “biến pháp” Hoan Diễn đã trở thành một vùng đất giàu mạnh. Tháng 3 năm Tân Mùi (1271), triều đình triệu Trần Quang Khải về kinh giữ chức Tướng quốc thái úy, coi giữ việc nước. Trước khi đi ông đã gặp Bạch Liêu dặn dò tiếp tục giúp các quan tướng thực hiện “biến pháp” đã định. Từ đó mặc dù cách trở đường xa nhưng Trần Quang Khải vẫn trao đổi thư từ với Bạch Liêu, hỏi ý kiến nhiều việc quan trọng.
|
Tranh minh họa.
|
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ II, đất Hoan Diễn được coi là địa bàn chiến lược. Bấy giờ quân Nguyên tiến vào nước ta theo hai hướng khác nhau, hướng thứ nhất do Thoát Hoan chỉ huy từ Bắc đánh xuống, chúng chia làm hai cánh quân và bắt đầu xâm phạm lãnh thổ nước ta cuối tháng Giêng năm Ất Dậu (1285). Hướng thứ hai do tướng Toa Đô cầm đầu theo đường thủy vượt biển đánh chiếm Chiêm Thành, tạo bàn đạp từ phía Nam đánh thốc lên. Vua Trần sai cha con Trần Quốc Khang và Trần Kiện đem binh vào hỗ trợ cho việc trấn giữ Hoan Diễn để cản bước tiến của Toa Đô, thế nhưng Trần Quốc Khang không có tài cầm quân nên thua trận, Trần Kiện thì hèn nhát ra hàng giặc. Tình hình chiến trường phía Nam hết sức khó khăn, phức tạp; chính vì vậy Trần Quang Khải được cử vào tăng viện cho Trần Nhật Duật đang chống giặc ở đây. Ông cho mời Bạch Liêu vào quân doanh để giúp việc quân, Bạch Liêu đã dâng kế sách đối phó, chỉ rõ tình hình Hoan Diễn, phân tích thế và lực của ta của giặc. Trên cơ sở đó Trần Quang Khải điều khiển binh tướng tổ chức đánh trả quyết liệt khiến cho đạo quân của Toa Đô bối rối, sa lầy; chúng buộc phải đóng lại ở một số thành tại Nghệ An, Thanh Hóa rồi cuối cùng cố sức tiến ra Bắc để thực hiện mưu đồ tạo gọng kìm chiến lược tiêu diệt quân chủ lực của ta. Thế nhưng âm mưu đó hoàn toàn thất bại, từ tháng 4 năm Ất Dậu (1285) quân Đại Việt tổ chức phản công trên khắp chiến trường, để rồi đến đầu tháng 6 cùng năm, quân Nguyên Mông đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.
Là người có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc nên Bạch Liêu có tên trong danh sách được triều đình định công ban thưởng nhưng ông từ chối mọi tước vị, vật phẩm. Biết tài của ông, lại thấy nhà Nguyên vẫn chưa chịu từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta, năm Đinh Hợi (1287), vua Trần sai Bạch Liêu đi sứ để thăm dò; khi về nước ông trở lại quê hương dạy học, bốc thuốc chữa bệnh. Một thời gian sau đó ông di cư ra Bắc, tới sống ở làng Nghĩa Lư, huyện Thanh Tâm, xứ Hải Đông (nay là Hải Dương).
Khi Bạch Liêu mất, ở Nghĩa Lư cũng như tại quê hương, dân làng đều xây đền thờ phụng; triều đình phong ông làm Phúc thần, hiệu là Dương cảnh thành hoàng đại vương. Hiện nay tại đền thờ ông ở làng Nguyễn Xá, huyện Yên Thành, Nghệ An vẫn còn lưu giữ đôi câu đối:
Sinh tiền bất dĩ Đông A đế,
Một vị năng vi Nguyễn Xá thần.
Nghĩa là:
Sống không nhận quan tước của vua Trần,
Chết làm phúc thần của làng Nguyễn Xá.