Binh tuy ít nhưng dũng mãnh
Năm Mậu Tý, niên hiệu Trùng Hưng thứ 4 (1288), sau khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chiến thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, bắt được tướng nhà Nguyên là lũ Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ Ngọc... vua Trần Nhân Tông cùng với quần thần mới đến Chiêu lăng của Thượng hoàng (Trần Thái Tông) làm lễ báo tiệp và dâng tù binh. Vua Trần Nhân Tông thấy ngựa đá trong lăng đều có vấy bùn thì cảm tưởng như Thượng hoàng hiển linh phá giặc, mới ứng khẩu hai câu thơ: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu" (Xã tắc hai phen bon ngựa đá/Giang sơn muôn thuở vững âu vàng).
Nhà vua trong buổi khải hoàn đã nghĩ đến tổ tiên, đất nước mà quên hẳn sự thành công ấy phải nào phải là một việc hiển linh, phần lớn là ở tại lòng quân, dân lúc ấy đã muôn lòng như một.
Mùa đông niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), vua Trần Nhân Tông thấy quân Nguyên giả vờ mượn đường đánh Chiêm Thành, có ý dòm ngó nước ta, thế giặc rất mạnh mới họp các phụ lão tại điện Diên Hồng để hỏi kế phá giặc. Các phụ lão đều trả lời hăng hái, quyết chiến. Đối với binh lực lúc ấy, tuy còn rất ít, nhưng rất dũng mãnh. Binh pháp có câu "Quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Binh lính nhà Trần lúc ấy đã có tổ chức và luyện tập chu đáo.
|
Tranh minh họa. |
Phòng lúc có chiến sự để điều binh
Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) sau khi được thiên hạ đã quan tâm đến việc biên chế binh sĩ. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 8 (1239), tuyển đinh tráng ở các châu, lộ, định làm ba hạng: Thượng, trung, hạ tuỳ theo sức khoẻ của từng người. Năm Tân Sửu (1241) lại tuyển những người có dũng lược, võ nghệ sung vào đội quân cấm vệ.
Năm Thiên Ứng Chính Bình 11 (1242), Đại Việt được chia làm 12 lộ, đầu mỗi lộ đặt hai quan an trấn, chánh phó sứ coi cả việc binh trong lộ. Khi quân lính đã tại ngũ phải đặt hiệu để phân biệt. Đến năm Bính Ngọ (1246) có các quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần; các vệ: Thiên Trường, Long Hưng. Lại đặt ra Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thời.
Hai lộ Hồng Châu, Khoái Lộ gọi là Tả Hữu Thánh dực quân, Trường An và Kiến Xương làm Thánh dực, Thần sách quân, còn thì sung vào cấm vệ, cấm quân và các đoàn đội.
Đến đời Trần Thánh Tông (1258 - 1278), niên hiệu Thiệu Long thứ 4 (1261) theo phép cũ lại tuyển tráng đinh ở các lộ, châu, huyện làm lính. Đến tháng ba năm Nhâm Tuất (1262) muốn rõ binh lực trong nước, nhà vua lệnh thao diễn thuỷ bộ chư quân và chiến thuyền ở sông Bạch Hạc (vùng Vĩnh Yên).
Từ năm Đinh Mão (1267) số quân được ấn định: Mỗi quân có 30 đô, mỗi đô có 80 người lính. Hai đời trước tuy việc quân đã xếp đặt có trật tự, đến đời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) vì thấy thế lực Mông Cổ ngày một hùng mạnh, nên sau khi lên ngôi, tháng 2 năm Canh Thìn (1280), nhà vua xuống chỉ truyền xét hết cả số dân đinh trong nước để biết rõ số tráng đinh có bao nhiêu phòng lúc có chiến sự để điều binh. Năm Tân Tỵ (1281) nhà vua lập ra Thiên Trường vũ học chuyên dạy văn, võ cho dân đinh hạt Thiên Trường (là ấp thang mộc nhà Trần) kén lấy quân thân thuộc để sau này sung vào đội quân Thiên thuộc của nhà vua.
(còn nữa)