Hỏi: Lũ trẻ nhà tôi giờ đã lớn cả, đều đang đi học đại học ở Hà Nội, riêng thằng cả đã đi làm.
Cả năm xa con, tôi mong Tết biết chừng nào. Cứ nghĩ con cái về đầy nhà, nấu bữa cơm ngồi ăn cũng thấy ngon hơn, đi làm về nhà thấy con cũng vui hơn, buổi tối ngồi xem truyền hình có người cùng xem cũng hay hơn...
Vậy mà, chúng đi suốt, chẳng thích ở nhà với bố mẹ. Nghỉ từ 20-21 tháng Chạp đến giờ, nhưng cứ mở mắt là đứa thì đi họp lớp, đứa thì đến nhà bạn, đến bữa có khi còn chẳng về ăn cơm, tối mò tối sờ mới về nhà. Thậm chí những lúc ở nhà, chúng cũng không còn thích trò chuyện nhiều với tôi nữa.
Cái cảnh con cái xum vầy, cùng mẹ đi sắm Tết, phụ bố gói bánh chưng... hoá ra chỉ là mơ ước của riêng tôi. Các con tôi không thích. Chúng làu bàu bố mẹ bày vẽ lắm chỉ mệt người ra, được có mấy ngày Tết nghỉ ngơi, để chơi cho xả láng.
Tôi buồn quá! Có phải cuộc sống đô thị phồn hoa, xa cách đã khiến các con tôi trở nên lạnh nhạt hơn không? Mới vài ba năm trước, chúng vẫn còn háo hức đợi Tết, xoắn xuýt với bố, với mẹ gói bánh, muối hành... Thế mà nay...
Tôi không muốn nặng lời với con cái, nhưng có vẻ như lối sống mạnh ai biết nấy đang nhiễm vào chúng. Các con không cần nhìn thái độ, không cần xem tâm tư bố mẹ, cứ thích sao là làm vậy thôi.
Tôi phải làm sao để con mình trở lại như xưa?
(Phạm Thị Lan, Bắc Giang)
|
Tôi chỉ ước con quây quần như xưa còn bé. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Đáp: Tâm trạng mà chị đang trải qua cũng là nỗi niềm của rất nhiều bố mẹ, khi các con lớn lên, đi học xa nhà. Bố mẹ đã quen với việc con luôn quấn quýt, tình cảm với mình nên sẽ cảm thấy hụt hẫng khi con có nhiều hoạt động và mối quan hệ khác, không còn xoắn xuýt bên mình nữa.
Tuy vậy, đó lại là con đường phát triển, lớn lên của mọi con người. Vào thời điểm này, rất nhiều hoạt động bên ngoài xã hội lôi cuốn các con, cũng là môi trường tốt để con học hỏi về cuộc đời, phát triển kỹ năng mới. Hiểu được xu thế bình thường và tất yếu này sẽ giúp chị chấp nhận và thông cảm với con thay vì trách móc là con lạnh nhạt, không quan tâm đến bố mẹ.
Cách tốt nhất có lẽ là tôn trọng những thú vui của con khi đó là mối quan hệ lành mạnh, hỏi han con về những người bạn mà con giao lưu để khuyến khích con chia sẻ, qua đó bố mẹ hiểu con hơn, đồng thời thắt chặt tình cảm gia đình. Yêu thương cũng đâu có nghĩa là chúng ta phải luôn ở bên nhau, yêu thương thực sự là khi chúng ta dễ dàng giao tiếp, cảm thấy được hiểu và được quan tâm dù thời gian ít ỏi. Hãy chủ động đề nghị con giúp đỡ để tổ chức các hoạt động gia đình như nấu nướng, hội hè một cách cụ thể, các con sẽ có xu hướng thực hiện cao hơn.
Khi con lớn lên, bước ra cuộc đời cũng là lúc bố mẹ dành thời gian cho bản thân mình, tự tạo ra những nguồn vui và hoạt động thú vị, đồng thời đứng bên cạnh chứng kiến sự trưởng thành của các con.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU