Hỏi: Em và anh ấy ra trường và đi làm nửa năm, quen và yêu nhau cũng chừng ấy thời gian. Anh ấy cũng là người chân thành, quan tâm và tình cảm, mỗi tội bị bạn bè em chê keo kiệt.
Chẳng là em ở cùng với một nhóm bạn chơi thân từ hồi đại học, mấy đứa góp tiền thuê chung một căn hộ chung cư nhỏ. Cuối tuần cả hội thường kéo nhau ra ăn sáng uống cà phê, hoặc đi ăn tối, uống nước… anh ấy cũng hay đi cùng.
Thời gian đầu, anh ấy hay trả tiền. Em cũng thấy thế là điều đương nhiên, chỉ có mỗi anh ấy là con trai, với lại em chẳng muốn bạn bè em nghĩ rằng người yêu mình không phóng khoáng. Thế nên, đi ăn cả bọn cũng vô tư ngồi im đợi chàng móc ví rồi kéo nhau về.
Thế nhưng, gần đây, cứ sắp tính hóa đơn thì anh lại lẻn ra ngoài, lúc đầu em nghĩ là trùng hợp sau nhiều lần thì nghĩ rằng anh cố ý như vậy. Mấy đứa bạn em rất tinh quái, lúc đó chúng cứ tủm tỉm cười, hô hào góp tiền, nhưng sau lưng bọn nó bảo nhau rằng em yêu phải một anh ki bo, đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành.
Em không nghĩ người yêu em đến mức đó, chỉ là anh ấy cũng mới ra trường, công việc chưa ổn định nên không có nhiều tiền. Nhưng chính em cũng không thoải mái trong lòng trước việc anh ấy trốn như vậy, huống hồ bọn bạn. Xin tư vấn giúp em cách ứng xử khéo léo trong tình huống này!
(Phạm Huyền My, Mỹ Đình, Hà Nội)
|
Ảnh minh họa. |
Đáp: Huyền My thân mến! Bản thân em biết rằng người yêu cũng như em, vừa mới ra trường, không có nhiều tiền, nhưng em vẫn muốn anh ấy tranh trả tiền cho cả nhóm bạn em và cảm thấy không thoải mái khi anh ấy trốn. Điều gì khiến em như vậy? Có phải là suy nghĩ: “Khi đi ăn chung, đặc biệt với bạn của người yêu, đàn ông phải trả tiền. Đàn ông trả tiền thì mới coi là thoáng, là phóng khoáng.”
Phụ nữ chúng ta vẫn thường đòi quyền bình đẳng, đòi đàn ông vừa đi làm kiếm tiền vừa chia sẻ việc nhà, mà không ý thức rằng kiểu suy nghĩ như trên cũng là một định kiến, thể hiện sự bất bình đẳng. Tại sao đàn ông phải là người trả tiền? Chẳng phải cả hai đều phải làm việc và chăm lo cho cuộc sống của mình sao? Thẳng thắn mà nói, với mức lương eo hẹp của người mới đi làm, thì vài ba lần trả tiền để chứng tỏ sự “phóng khoáng” của mình cũng đủ khiến cuối tháng khốn đốn rồi.
Có thể bạn trai em không tiện nói ra nhưng bản thân anh ấy cũng không thoải mái gì với chuyện phải trốn trả tiền như vậy. Nếu được, em có thể chủ động hẹn hò với anh ấy ở đâu đó, giãn cách những lần ăn chung của cả nhóm để tránh cho anh ấy tình thế khó xử.
Còn về chuyện anh ấy có nguy cơ “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” trong tương lai hay không, em có thể nhìn vào cách anh ấy ứng xử với em, gia đình, cách chi tiêu hàng ngày… Việc một người đàn ông có phóng khoáng hay không đâu chỉ dựa vào việc anh ta lúc nào cũng vung tay trả tiền. Sự phóng khoáng vừa tùy thuộc vào tính cách, tấm lòng vừa phải dựa vào thực lực hiện có. Nếu một anh chàng con nhà giàu, suốt ngày ngửa tay xin tiền mẹ để chi cho bạn gái thì có phải là sự phóng khoáng đáng trân trọng không em?
Với bạn bè em, những lúc thuận tiện, em có thể chia sẻ về việc người yêu cũng chưa có công việc tốt, nhiều lúc muốn làm cái nọ cái kia cho gia đình, người yêu… mà chưa có điều kiện. Với những cuộc đi ăn, đi chơi của cả phòng, tốt nhất là góp quỹ chung, đỡ khó xử cho tất cả. Thông thường, người ta thường e ngại sự nhạy cảm của vấn đề tiền bạc nên không chia sẻ thẳng thắn từ đầu, về sau lại dẫn đến những khó chịu, ức chế không cần thiết.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh