Chồng tôi luôn để ý thu nhập của vợ

Google News

(Kiến Thức) - Từ sau khi sinh con, đi làm lại ở chỗ mới, tôi luôn phải nói dối chồng về thu nhập của mình, rồi từ khoản tiền anh đưa thêm hàng tháng, tôi phải cố gắng co kéo để chồng tôi khỏi nghi ngờ.

Chồng tôi là người rành mạch trong cuộc sống, lại càng rành mạch trong công việc, nhất là công việc của tôi. Anh luôn tâm niệm, thu nhập phải xứng đáng với công sức, tâm huyết mình bỏ ra thì hẵng làm. Còn nếu đi làm mà không đủ trang trải tối thiểu những nhu cầu cuộc sống thì thà ở nhà chăm con còn hơn.

Vì thế, sau khi sinh con, đi làm lại ở chỗ mới, tôi luôn phải nói dối chồng về thu nhập của mình, rồi từ khoản tiền anh đưa thêm hàng tháng, tôi phải cố gắng co kéo để chồng tôi khỏi nghi ngờ.

Tôi không dám cắt giảm bất cứ khoản chi nào cho con, cho gia đình, nhưng các nhu cầu của bản thân thì gần như cắt toàn bộ. Ngoài tiền xăng xe, tiền ăn trưa là bắt buộc, tôi không dám chi tiêu riêng cái gì nữa. Quần áo, đầu tóc, đi chơi… đối với tôi đều trở thành xa xỉ.

Chồng tôi không phải người ki bo, cũng không phải là không kiếm ra tiền. Nhưng nếu tôi để anh biết, mức lương thực sự tôi đang được nhận chẳng đủ chi cho mình tôi thì anh sẽ bắt tôi nghỉ việc ngay với suy nghĩ “đi làm thế là tự coi thường mình”. Tôi thì không muốn nghỉ chút nào, phần vì tôi cũng sợ cảnh ở nhà ăn bám chồng; phần vì tôi thấy khá hứng thú với công việc này và rất gần gũi thân tình với đồng nghiệp.

Tôi sợ, cứ nói dối mãi thì cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra vì thời gian gần đây, chồng tôi bắt đầu hỏi han chuyện tôi ít mua sắm quần áo, tôi không đi Spa hay gội đầu ở tiệm…. Nếu sự thật bị phơi bày, chẳng những anh sẽ bắt tôi nghỉ làm mà sẽ còn không tin tưởng tôi nữa, và chắc anh sẽ giận tôi lâu lâu, có khi lại có chiến tranh trong nhà.

Nhưng nói ra thì tôi không biết nói làm sao với chồng, vì thực sự hiện nay, công việc tôi đang làm vừa áp lực về mặt trách nhiệm, vừa áp lực về thời gian, mà thu nhập thì như tôi đã trình bày ở trên, cứ đâ%3ḅp nhau chan chát. Chồng tôi sẽ không đời nào chấp nhận cái lý thuyết “đó là công việc vợ yêu thích” bởi vì với anh, công việc không phải là người thân máu mủ, không phải là chồng con, dứt là dứt thôi.

Tôi cũng không thể đề nghị sếp tăng lương được, vì là người trong cuộc, tôi rõ hơn hết công ty mình đang ở giai đoạn khó khăn thế nào.

Tôi rất sợ mỗi tối, khi các con đã ngủ, ngồi trò chuyện với chồng và bị anh hỏi về thu nhập, dù chồng tôi chỉ hỏi như 1 sự quan tâm thường tính chứ ko phải vì soi mói gì.

Tôi nên nói thế nào để chồng tôi thông cảm và chia sẻ với những suy nghĩ  này của tôi?
Hồ Thu Hà (Vĩnh Hồ, Hà Nô%3ḅi)
 Ảnh minh họa

Đáp: Sự khác biệt giữa chồng chị và chị về công việc chính là giá trị nghề nghiệp của mỗi người. Dĩ nhiên, khi đi làm ai cũng mong muốn thu nhập cao, có cơ hội phát triển chuyên môn, có môi trường tốt, đồng nghiệp dễ chịu… nhưng mỗi người sẽ có những ưu tiên khác nhau. Chẳng hạn, chồng chị có thể coi thu nhập là yếu tố quyết định, trong khi chị lại xem sự yêu thích là trên hết, có thể chấp nhận việc lương bổng không như mong đợi.

Nếu bản thân chị cũng cảm thấy bất mãn, không hài lòng với công việc thì hãy cân nhắc về việc tìm kiếm những cơ hội khác. Trong trường hợp, chị vẫn thấy thoải mái hạnh phúc với công việc, ít ra trong hiện tại thì không nên bỏ việc chỉ vì chồng không thích hay bắt ép. Sự thỏa thuận, thương lượng là cần thiết vì lợi ích chung của hai vợ chồng, nhưng trong chừng mực có thể, những giá trị riêng, quyền quyết định của mỗi người với chính công việc của họ nên được tôn trọng thì cuộc sống hôn nhân mới thoải mái, dễ chịu cho cả hai.

Nhân thể việc chồng hỏi han thu nhập, chị hãy chia sẻ thật lòng về việc chị cảm thấy day dứt thế nào về việc nói dối chồng, cả việc cắt bỏ nhu cầu cá nhân vì thu nhập chị không cao như trao đổi với chồng, về mong muốn tiếp tục công việc này trong khi chờ cơ hội khác tốt hơn… Đôi khi, sự sợ hãi về phản ứng của người khác khiến chúng ta chần chừ, không dám chia sẻ, đến lúc nói ra sự thật mới biết mọi việc không đến nỗi đáng sợ như mình suy nghĩ. 

Nếu việc nói dối, xoay xở chi tiêu kéo dài thì bản thân chị sẽ tự đặt gánh nặng lên mình một cách không cần thiết, cũng không đem đến cho chồng chị cơ hội để cởi mở, chấp nhận rằng vợ mình có quyền quyết định công việc của cô ấy, trong chừng mực không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích chung của gia đình.

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa 

Bình luận(0)