|
Một phụ nữ mua sừng tê giác từ chợ đen với hy vọng có thể chữa khối u. Ảnh: NYT |
1. Luc Van Ho nhẹ nhàng xuyên qua khu rừng như một vũ công. Những mảnh tre và lá tràm khô dưới mặt đất gần như không gãy vụn dưới đôi chân trần, chỉ có mùi khói thuốc lá làm lộ ra sự hiện diện của anh ta.
Luc, thợ săn 45 tuổi, rời căn nhà lợp tre trong rừng U Minh từ khi rạng sáng để kiểm tra khoảng 6 chiếc bẫy tự chế trong bụi rậm và trên bờ kênh.
Những bẫy này được đặt theo dấu vết của động vật, thường là rắn và rùa. Ông dừng lại ở một chiếc làm bằng gỗ và dây phanh xe đạp, được phủ kín bằng lá cây. Chiếc bẫy trống, không có gì bất thường.
"Trước đây, khu rừng này rất khác", ông Luc nói. "Bây giờ, động vật có quá ít nên hầu hết thợ săn đã đổi nghề". Thế nhưng, hai tuần trước Luc đã bắt được 9 con rùa hộp Đông Nam Á và rùa ăn ốc Malaysia; 5 con rắn vòi voi; một số chim nước và hai con kền kền Himalaya hiếm.
Để an toàn, ông Luc giấu kền kền ở nhà anh trai mình, nhốt chúng trong phòng ngủ cho đến khi tìm được hướng tiêu thụ.
Ông Luc trước đây thường săn được nhiều động vật quý hiếm, trong đó có tê tê. Còn được gọi là thú có vẩy ăn kiến, tê tê là một trong những động vật có vú được buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Bạn hàng của Luc thường là các thương nhân sẵn sàng mua tê tê sống với giá 60 USD/gần nửa cân.
Mặc dù chỉ bắt được hai con tê tê vào năm ngoài, cái giá hời này cũng khiến Luc tiếp tục săn lùng chúng. Ông biết nguồn lợi này là hữu hạn, "tê tê sẽ sớm bị tuyệt chủng", ông nói nhưng không hề có ý định ngừng đi săn.
Luc là một trong hàng nghìn thợ săn bất hợp pháp tại Việt Nam, một trong những quốc gia có hệ động vật đa dạng nhất thế giới. Tê giác tại đây đã tuyệt chủng, các nhà bảo tồn ước tính Việt Nam chỉ còn vài con hổ.
Ngay cả những loài ít được biết đến hơn như rùa mai mềm và cầy hương cũng đang bị săn bắt để làm thuốc, thực phẩm, vật nuôi và đồ trưng bày.
Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là một trong những "ngành" buôn lậu lớn nhất thế giới, có giá trị ước tính khoảng 19 tỷ USD một năm, chưa tính buôn bán thủy sản và gỗ bất hợp pháp.
Tất cả các nước Đông Nam Á và nhiều bên khác có liên quan đến vấn nạn này và Việt Nam là một điểm nóng. Việt Nam được coi là "trạm trung chuyển lớn" để tuồn động vật hoang dã từ Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia và châu Phi sang Trung Quốc.
|
Luc Van Ho kiểm tra một chiếc bẫy trong rừng U Minh. Ảnh: NYT |
Nỗi lo ngại về vấn nạn ngày càng gia tăng, nhưng các hội nghị, chiến lược mới và biện pháp nghiền nát ngà voi vẫn chưa làm nên chuyện. Giới chức vừa chặn đứng việc vận chuyển trái phép 7.500 rùa mũi lợn được bảo vệ ở Indonesia, một con hổ đông lạnh tại Việt Nam và 190 rùa ao đen có nguy cơ bị tuyệt chủng tại Singapore.
Khi động vật hoang dã biến mất tại Đông Nam Á, những kẻ săn trộm tăng cường chuyển hướng sang châu Phi.
Gần 700 kg ngà voi và hai tấn da tê tê bị chặn ở Uganda hồi tháng một. Năm ngoái chỉ riêng tại Nam Phi có 1.215 tê giác bị giết để lấy sừng. Giới chức chỉ có thể ngăn chặn 10 đến 20% số vụ này.
"Chúng ta có thể làm gián đoạn mạng lưới vi phạm, nhưng không thể triệt phá tận gốc", Scott Roberton, đại diện Việt Nam và điều phối viên khu vực của các chương trình ngăn chặn nạn buôn bán động vật thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã cho biết. "Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ", ông nói.
2. Ông Luc cho biết những người săn trộm như ông ít khi vướng vào rắc rối pháp lý. Họ hiếm khi bị khiển trách hay trừng phạt, nếu có thì cũng chỉ phạt nhẹ.
"Những người bị bắt vì sở hữu hổ hay sừng tê giác rất ít khi phải ngồi tù", Douglas Hendrie, trưởng cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam, cho biết.
Có thể dễ dàng mua sản phẩm từ động vật hoang dã tại thành thị Việt Nam.
Một nhà hàng sang trọng tại TP.HCM quảng cáo tê tê, gấu, nhím, dơi và nhiều loài động vật khác trên thực đơn. Tê tê được bán với giá 150 USD cho gần nửa cân, khách hàng muốn mua phải đặt món và đăt cọc trước hai, ba giờ. Khi khách đến, nhà hang mang tê tê sống lên bàn, sau đó cắt tiết ngay tại chỗ để chứng minh là thịt tươi sống và không bị tráo đổi.
"Tê tê được ưa chuộng vì chữa được nhiều bệnh", Quốc Trung, quản lý nhà hàng cho biết. Nhân viên của ông sẽ làm khô và đóng gói vảy tê tê còn thừa. Đây là một thành phần phổ biến trong thuốc đông y ở Việt Nam.
Do thiếu sự tham gia của cơ quan chức năng, các tổ chức bảo tồn ở Việt Nam là bên phải đứng đầu "tiền tuyến" trong cuộc chiến chống vấn nạn này. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên gần đây khảo sát các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng ở 12 quận, huyện Hà Nội và TP.HCM, ghi lại từng hành vi vi phạm về động vật hoang dã và yêu cầu chính quyền xử lý những vụ việc này.
Vài tháng sau, tổ chức tại tiến hành khảo sát và nhận thấy các sản phẩm bất hợp pháp như rượu rắn cho đến mật gấu tại các cơ sở này đã giảm gần 60% ở 8 quận huyện. "Nếu chính quyền ra tay một cách hiệu quả và nhất quán thì chúng tôi sẽ không còn phải làm việc này nữa", ông Hendrie nói.
|
Luc Van Ho giữ hai con kền kền Himalaya tại nhà anh trai. Ảnh: NYT |
Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Save Vietnam’s Wildlife (SVW), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức khóa đào tạo trên toàn quốc cho kiểm lâm và cảnh sát, mở các chương trình giáo dục cộng đồng và điều hành một trong những trung tâm cứu hộ cho động vật bị tịch thu.
Tuy nhiên, nhiều động vật hoang dã bị tịch thu lại bị tuồn ra chợ đen. Nguyen Van Thain, người sáng lập SVW, thường phải tức tốc đến hiện trường tịch thu để cố gắng thu hồi động vật trước khi việc này xảy ra.
Ông Nguyen giúp giải cứu 20 con tê tê chỉ trong ba tháng qua, nhưng trung tâm của ông chỉ có sức chứa tối đa là 50 con. Với ngân sách chỉ có 90.000 USD một năm, ông có ít tiềm lực để mở rộng trung tâm và thuê thêm nhân viên.
Ông Nguyen cho rằng không thể thay đổi kịp nhận thức của người Việt để cứu động vật hoang dã. "Vấn đề bảo tồn động vật ở Việt Nam vẫn còn mới". ông nói.
"Cần nghiêm túc coi trọng những thứ chúng ta đang có. Chúng ta cần phải bảo vệ môi trường và động vật hoang dã nếu muốn còn tài nguyên trong tương lai".