Thú rừng “chảy máu” ở Bình Định

Google News

Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu kéo đến cũng là lúc nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã ở tỉnh Bình Định nở rộ.

Tình trạng săn bắt thú nở rộ ở hầu hết các khu rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Việc vận chuyển, mua bán động vật hoang dã vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng

Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu kéo đến cũng là lúc nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã ở tỉnh Bình Định nở rộ.

Một chuyến đi săn

Phải nhờ đến một người quen là “trùm” mua bán động vật hoang dã ở tỉnh Bình Định “bảo lãnh”, tôi mới được Trần Văn T., một thợ săn thú rừng chuyên nghiệp ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, đồng ý dắt vào rừng để mục sở thị.

Đúng hẹn, 6 giờ, tôi có mặt ở nhà T. để bắt đầu một ngày đi săn. Thấy tôi ngạc nhiên vì “hành trang” chẳng có gì ngoài đồ ăn, nước uống và cây rà sắt, T. giải thích: “Bẫy thú đặt trong rừng chứ ai lại mang đi mang về. Còn cây rà sắt này đem theo để... không ai nghĩ mình đi săn”.

Ảnh minh họa.
Bốn con cheo vừa được kiểm lâm “cứu” tại một quán nhậu ở TP Quy Nhơn

Sau hơn 20 phút chạy xe máy từ nhà đến đèo Bằng Lăng, ranh giới giữa 2 huyện Phù Mỹ và Hoài Ân, chúng tôi giấu xe ở bìa rừng rồi tiếp tục lội bộ, sau gần 3 giờ thì có mặt ở khu rừng Ba Lăm, nơi T. đang đặt bẫy. “Hiện khu rừng này có đến gần chục người đặt hàng trăm cái bẫy, được ngụy trang rất kín đáo bằng lá cây” - T. nói.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cho biết thời gian qua, chi cục đã tăng cường quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã; riêng việc săn bắt động vật hoang dã thì rất khó phát hiện do cánh thợ săn ngày càng tinh quái, trong khi lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng.
Trước mặt chúng tôi là khoảnh rừng chỉ rộng chừng 500 m2 nhưng có đến hàng chục bẫy lớn, nhỏ cài dày đặc, trong đó 3 chiếc đã dính 2 con chồn và 1 con cheo. “Mùa này mà chỉ được chừng ấy là ít đấy. Thường bước vào mùa mưa, mỗi ngày tôi kiếm được không dưới 5 con. Rừng này có nhiều loại thú, như: heo rừng, nhím, chồn, nai, gấu, cheo, mang, tê tê, kỳ đà...” - T. cho biết.

Sau khi tháo bẫy để gỡ những con thú rừng bị thương đang quằn quại, T. dắt tôi đi kiểm tra các bẫy đã đặt. Đầu tiên là bẫy cạp, được dùng đánh bắt heo rừng, nai; có 6 chiếc được đặt từ cửa ra vào khoảnh rừng đến các lối đi gần hố nước, được che đậy bằng lá khô, rất kín. Loại thứ hai đặt sau bẫy cạp là bẫy luồng đánh bắt mang, gấu, nhím gồm  15 chiếc. Loại thứ ba có trên 40 chiếc, được đặt vòng cung khép kín trong khoảnh rừng là bẫy tấp, dùng đánh bắt gọn bầy, đàn.

14 giờ, tôi theo chân T. xuống núi. Mặt trời vừa lặn cũng là lúc chúng tôi xuống đến nơi cất giấu xe. T. chạy thẳng đến quán thịt rừng T.N ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ để bán 3 con thú vừa bẫy được.

Từ rừng về xuôi

Tại khắp những khu rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định, từ các huyện Phù Cát, Phù Mỹ sang Hoài Ân, An Lão lên Vân Canh, Vĩnh Thạnh..., ở đâu thú rừng cũng chảy máu. Thợ săn mang thú rừng về bán cho các đại lý ngay tại địa phương. Thịt thú rừng sống hiện được các đại lý phân phối với giá khá cao: cheo 480.000 đồng/kg, chồn hương 700.000 đồng/kg, nhím 150.000 đồng/kg, mang 200.000 đồng/kg, heo rừng 150.000 đồng/kg… Đối với thú rừng bị thương hoặc vừa chết, các đại lý thu mua với giá khoảng một nửa so với giá thú sống (tùy loại). Từ các đại lý, thịt thú rừng tiếp tục vào quán ăn, nhà hàng.

v
Một con chồn dính bẫy

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt thú rừng không chỉ được bán ở những nhà hàng sang trọng tại TP Quy Nhơn mà còn được bán công khai ở các quán nhậu “bình dân” tại nhiều huyện trong tỉnh. Trong đó, các huyện như Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… mỗi địa phương có hàng chục quán bán thịt rừng.

Trong vai một chủ nhà hàng đang tìm mối mua thú rừng sống, tôi đến nhà Nguyễn Văn P. ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Căn nhà chứa thú rừng nằm sâu trong hẻm nhỏ. “Ngoài tê tê hơi hiếm, còn lại anh muốn mua con gì cũng có, từ chồn, cheo, heo rừng, mang, nai, nhím, rắn... Khi nào cần thì anh gọi điện thoại báo, chúng tôi sẽ giao tới tận nhà hàng cho. Phần lớn các quán thịt rừng tên tuổi ở Bình Định đều do tôi cung cấp hàng” - P. nói. Trong lúc trò chuyện với tôi, điện thoại P. liên tục đổ chuông, phần lớn từ cánh thợ săn hoặc các đại lý thu mua thú rừng.

Hơn 15 năm nay, P. còn cung cấp thú rừng cho các đầu mối ở phía Bắc và xuất sang Trung Quốc. Theo P., hàng xuất đi phải là thú rừng còn sống, khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc xuất hàng rất phập phồng vì dễ bị bại lộ hoặc thú bị chết trong lúc vận chuyển.

Lừa thực khách

Tại các quán nhậu ở tỉnh Bình Định, khách có nhu cầu thưởng thức thịt rừng đều được đáp ứng ngay. Nếu thực khách cần hàng tươi sống thì chỉ cần gọi điện thoại báo trước vài giờ.

Trong quá trình bán thịt thú rừng, không ít chủ quán giở chiêu để lừa thực khách. Vì giá thú rừng chết hoặc bị thương chỉ bằng phân nửa giá con sống nên chủ quán thường lồng thịt thú rừng chết với thú rừng sống để bán.

Anh Tr., đầu bếp của một quán nhậu thịt rừng ở TP Quy Nhơn, tiết lộ: “Rất ít thực khách biết mình bị lừa. Chủ quán buộc chúng tôi phải trộn nửa con sống và nửa con chết để bán cho khách. Trong các món dọn lên có tiết canh nên nhiều người tưởng thịt được xẻ từ con thú sống. Phần lớn các hàng quán đều dùng chiêu này”.

Bà Nguyễn Thị N., chủ nhà hàng T.S.Q chuyên bán thịt rừng trên đường Tây Sơn, TP Quy Nhơn, thừa nhận: “Giá thu mua thú rừng sống so với giá bán cho thực khách chênh lệch không nhiều nên nếu không dùng chiêu thì lời rất ít. Vì vậy, hầu như quán nào cũng đều có chiêu trò riêng để tận thu”.

(Theo Người Lao Động)
 
Bài đọc nhiều:
[links()]

Bình luận(0)