Hiện nay, vụ khởi tố chủ quán Xin Chào đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ người dân. Với những tình tiết liên quan đến việc kinh doanh cá thể hộ gia đình bị đóng cửa và khởi tố hình sự... có thể nói vụ việc dường như đã được đẩy lên cao quá mức cần thiết.
Giờ đây, mọi sự quan tâm đều đang hướng về phía Thiếu tướng Phan Anh Minh - người chủ trì cuộc họp báo ngày hôm qua và trực tiếp trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.
Ngay sau đó, một bức tâm thư, qua góc nhìn của nhà báo Lê Hồng Kỹ viết trên trang cá nhân, có 4 ý lớn muốn gửi tới ngài Thiếu tướng và đang được truyền đi rộng rãi trên khắp mạng xã hội.
|
Quán cafe Xin Chào, tâm điểm của báo giới trong những ngày qua. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Chúng tôi xin trích đăng bức tâm thư của nhà báo Lê Hồng Kỹ:
"Thư gửi Thiếu tướng Phan Anh Minh - người mà tôi tôn trọng
Tôi viết điều này không nhằm vào hùa với làn sóng bỉ bai, mỉa mai, bài xích Thiếu tướng - trong bối cảnh mà vụ án nhỏ đã trở thành một sự kiện lớn đối với truyền thông, và Thủ tướng đã đích thân chỉ đạo dừng án.
Thực lòng mà nói tôi ấn tượng với Thiếu tướng, một vị tướng công an có mái tóc muối tiêu, vóc dáng gầy gò nhưng đầy chất thép.
Tôi càng bị ấn tượng mạnh hơn nữa bởi những phát ngôn thẳng thừng, rắn rỏi của Thiếu tướng trước việc lực lượng Công an bị hạn chế quyền trinh sát Đảng viên (qua đó bị hạn chế năng lực phát hiện tham nhũng), hay tệ nạn (tôi xin dùng từ này) tiếp tay cho buôn lậu của lực lượng Hải quan.
Một vị lãnh đạo ngành Công an, ở thành phố đầu tàu đất nước, đang đương chức mà nói thẳng, nói không ngại đụng chạm như vậy chắc chắn người dân rất ưa thích.
Người dân mong lắm, hi vọng lắm, trông đợi lắm vào những phát ngôn như vậy từ những lãnh đạo đương chức, điều đó được đánh giá cao hơn bội phần so với những phát ngôn tương tự khi đã nhận sổ hưu. Càng mong hơn, là những hành động đi cùng lời nói.
Vì những lẽ đó, tôi cảm thấy tôn trọng, yêu quý Thiếu tướng. Tôi tin nhiều người dân cũng suy nghĩ như tôi.
Hôm nay, từ các bài tường thuật trên báo về cuộc họp báo sáng nay, tôi thấy Thiếu tướng vẫn giữ phong cách bộc trực, không ngại đụng chạm, rắn rỏi thường thấy.
Tôi cảm nhận được sự thiếu thoải mái của ông khi một vụ án bé như móng tay được đẩy lên như một kỳ án, sự khó chịu của ông khi một số người suy diễn về yếu tố "cạnh tranh" hay tâm linh trong quyết định của Công an huyện Bình Chánh.
Tôi cố nghĩ, và hiểu vì sao Thiếu tướng cảm thấy không cần phải tốn giấy mực quá nhiều cho một vụ án mà mọi suy diễn có thể được thổi bùng lên quá lớn so với xuất phát điểm.
Dưới góc nhìn của một người làm án, đây đúng là một vụ bé - một vụ án cấp huyện có tình tiết đơn giản, tội ít nghiêm trọng, chẳng có chút đấu trí nào để tạo cảm hứng cho người đánh án.
Những suy diễn về nó, ngược lại, có xu hướng được đẩy cao lên chót vót, trở thành nhưng lời "luận tội" nặng nề, ê chề đối với nhà cầm quyền.
Những suy diễn sẽ vẫn tiếp tục, hết duy vật sẽ đến duy tâm, hết biện chứng sẽ đến siêu hình, hết khoa học sẽ đến không tưởng.
|
Thiếu tướng Phan Anh Minh - người chủ trì cuộc họp báo ngày hôm qua. Ảnh: Gia Minh. |
Dưới góc độ hành pháp, đây đúng là một vụ án đơn giản. Nó lại được đặt trong bối cảnh chung là vấn đề ATVSTP đang nhức nhối, nên có thể Thiếu tướng sẽ càng tin rằng cấp dưới của ông có cơ sở, có lý luận để ký vào Quyết định khởi tố.
Một phần nào đó, tôi cũng tin như vậy. Tôi tin, nếu đặt dưới sự lạnh lùng của câu chữ trong Bộ luật Hình sự, không hẳn Công an Bình Chánh hoàn toàn vô lý.
Nhưng, là một người sống trong giới truyền thông, tôi cũng hiểu được vì sao báo giới lại quan tâm đến đề tài này đến thế, và tại sao người dân phẫn nộ đến thế.
- Thứ nhất, vì trong ý thức của đại đa số, ông Tấn bán phở là một người lương thiện. Hành vi phạm pháp của ông Tấn, nếu có, cũng rất ít nguy hiểm cho xã hội.
Ông Tấn, với hiểu biết pháp luật không thể đầy đủ bằng cơ quan pháp luật và không có ý thức phạm tội, nên nhận được sự bao dung, giúp đỡ của cơ quan quản lý nói chung, hơn là nhận sự trừng phạt. Nếu có vi phạm, có nhiều chế tài khác trước khi bị hình sự hóa.
Hẳn Thiếu tướng rất hiểu, Bộ luật Hình sự không phải là bộ luật của sự trừng phạt, mà là bộ luật để điều chỉnh hành vi của xã hội, và hơn hết là bộ luật của sự nhân văn, của văn minh xã hội, nơi mỗi công dân nhìn vào đó để hướng thiện, nghĩ thiện, làm thiện.
Đã có những vụ án hình sự, mà phán quyết của tòa phải tìm một điểm dung hòa với tâm lý xã hội, và phán quyết của tòa là sự giao thoa giữa pháp luật - đạo đức - giáo dục.
- Thứ hai, dưới góc độ kinh tế - đầu tư, đang có những lo lắng rất lớn của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hộ kinh tế gia đình và người dân về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của nước nhà.
Trong khi những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ núi thủ tục hành chính, rừng quy định và biển thái độ ứng xử của các cơ quan nhà nước làm nản, làm các nhà đầu tư đang chưa mang lại hiệu quả đáng kể, thì quyết định khởi tố này lại đẩy những lo ngại trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.
Sự lo lắng đã trở thành giận dữ. Giới kinh tế giận dữ, doanh nghiệp giận dữ, nhà đầu tư giận dữ, người dân làm ăn nhỏ lẻ cũng giận dữ.
Họ không lo thay cho ông Tấn, giận thay cho ông Tấn, mà lo và giận khi liên tưởng đến chính số phận của họ.
Đã có không ít người sau khi kinh doanh thành đạt thì tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài để bảo toàn tài sản. Cũng không ít người bỏ ra nửa triệu USD để đổi lấy chiếc vé an toàn màu xanh ở bên kia bán cầu.
Thậm chí, nhiều doanh nhân khởi nghiệp người Việt đã chọn cách khai sinh doanh nghiệp của mình ở nước ngoài, để tìm cảm giác an toàn ngay từ những bước đi đầu tiên vào thế giới kinh doanh.
Đó không phải là việc nhỏ. Và vì thế, vụ án này không hề nhỏ như cái móng tay.
- Thứ ba, đây đúng là một vụ án nhỏ, và như ông nói nó có thể có một cái kết "có hậu" theo kiểu ông Tấn chỉ bị xử phạt hành chính, cải tạo không giam giữ, hưởng án treo và không bị cấm hành nghề kinh doanh.
Nhưng dưới góc độ nhân thân, hẳn Thiếu tướng cũng hiểu một người dính tiền án, tiền sự thì không chỉ họ mà cả gia đình, họ hàng của họ bị ảnh hưởng thế nào về lý lịch, về phát triển sự nghiệp, về cả thái độ của người đời.
Thoát khỏi sự giam hãm thể xác, không có nghĩa là họ thoát cái án mà xã hội dành cho họ.
- Thứ tư, vì ba lẽ nói trên, người ta không thể không suy diễn về những lý do rất nực cười như "quán phở Xin chào cạnh tranh với canteen của Công an huyện", hay thậm chí là quán phở ông Tấn làm ảnh hưởng tới phong thủy của Công an huyện Bình Chánh.
Khi người ta không thể hiểu được động lực nào khiến Công an huyện Bình Chánh phải ráo riết ăn thua với một hàng phở mới mở, người ta buộc phải tìm sự liên tưởng tới mâu thuẫn lợi ích kinh tế, hoặc những giả thiết rất mê tín, dị đoan.
Tôi rất lấy làm tiếc vì trong cuộc đối đáp giữa Thiếu tướng với các nhà báo có xuất hiện các chi tiết mang tính đôi co như ông Tấn nghèo hay không nghèo, canteen của Công an huyện có bán cơm cho người ngoài hay không, quán phở có nằm cùng hướng ra vào với canteen hay không.
Các chi tiết đó, tôi cho là không đáng ăn thua, và không nằm trong bản chất vụ án.
Thủ tướng đã chỉ đạo dừng vụ án, và vụ án đã dừng. Mặc dù đâu đó có bàn luận về tính hợp hiến của quyết định này, nhưng tôi cho rằng đó là một quyết định cần thiết.
Không chỉ để dừng vụ án, mà để những suy diễn, những nỗi lo, những sự hoang mang, hoài nghi không bị đẩy đi xa hơn nữa.
Thật tiếc, nhưng chắc chắn, câu chuyện mà báo giới và người dân sẽ bàn ngày mai là sẽ xử lý những người ký quyết định khởi tố như thế nào.
Nhưng tôi nghĩ đây cũng là cơ hội cần thiết để những người liên quan nhìn lại mình, nhìn thấu hơn vai trò mà xã hội giao phó cho mình.
Tôi cảm nhận được và tìm cách lý giải được những suy nghĩ của Thiếu tướng.
Bằng tất cả sự tôn trọng vẹn nguyên của mình dành cho Thiếu tướng, tôi tin ngành Công an TPHCM sẽ tiếp tục là chốt chặn đáng tin cậy để bảo vệ an ninh, an toàn cho thành phố, cho hàng chục triệu người đang sống, học tập và làm việc tại đây trước những mỗi đe dọa tiềm tàng của những tên tội phạm đích thực.
Kính chúc Thiếu tướng mạnh khỏe, và luôn là khắc tinh đáng sợ của cái xấu, cái ác!
Xem video Toàn cảnh vụ cafe Xin chào - Nguồn: Mr. Cảnh giác Youtube Chanel