Doãn Vân Phong, thượng úy quân đội, đóng quân tại Tây Tạng, Trung Quốc nói anh không thể tin được khi bỗng dưng nổi tiếng chỉ sau một đêm.
|
Tủ lạnh nhà Doãn Vân Phong chật ních món ăn do anh tự làm. |
Mạng xã hội Trung Quốc từ hôm 10/4 đến nay lan truyền tin tức, hình ảnh về "1.000 món ăn chuẩn bị cho vợ" của Doãn. Trang Shanghaiist nói số thức ăn này đủ cho Triệu Ni, vợ anh ăn trong một năm.
Doãn nói cho đến nay anh vẫn cảm thấy lúng túng khi trở thành tiêu điểm chú ý của mọi người. “Thực ra tôi chỉ làm việc mà một người chồng nên làm cho vợ, không hiểu sao cộng đồng mạng lại ủng hộ mãnh liệt như vậy”, Doãn nói.
Chuyện bắt đầu xảy ra vào tháng 4, khi thượng úy Doãn Vân Phong sắp kết thúc chuyến về phép thăm nhà. Tranh thủ vài ngày cuối, Doãn chạy đi chạy lại như con thoi giữa siêu thị và nhà bếp, tranh thủ làm những món ăn cho vợ.
|
Doãn đính chính rằng số thức ăn anh chuẩn bị chỉ có thể ăn trong hai tháng chứ không phải một năm như tin đồn. |
Doãn còn để thức ăn ở mọi nơi trong nhà, kể cả những nơi không ai nghĩ tới. Một số món ăn còn được dán kèm những mẩu giấy ghi lại tình cảm anh dành cho vợ.
Triệu Ni cảm động trước tình cảm của chồng nên đã chụp ảnh lại những "kiệt tác ẩm thực" của Doãn. Chụp xong, Triệu gửi tin nhắn cho bạn bè khoe lấy được chồng tâm lý. Một trong số những người bạn của Triệu đã đăng tải toàn bộ hình ảnh và câu chuyện lên mạng.
Mạng xã hội Trung Quốc Weibo Sina sau đó lên cơn sốt chia sẻ thông tin sự việc, khiến cặp vợ chồng Doãn – Triệu nổi tiếng khắp đất nước hơn một tỷ dân.
Được hỏi vì sao chuẩn bị đến 1.000 món ăn, Doãn nói: “Có lẽ đó là thói quen của một quân nhân, lúc nào cũng chỉ mong làm được thật nhiều việc nhà cho vợ trong những ngày phép. Tôi muốn vợ tôi lúc nào cũng thấy như tôi đang ở nhà. Nhìn vật nhớ người, hy vọng cô ấy sớm nguôi đi nỗi buồn khi xa cách”.
|
Số món ăn cũng không lên tới con số 1.000, có lẽ nhiều người bị nhầm với 1.000 chiếc bánh sủi cảo Doãn làm cho vợ. |
Những món ăn của Doãn gồm gần 1.000 chiếc bánh sủi cảo, 70 bát thức ăn các loại, hơn 100 chiếc bánh ngọt... Những món ăn được bày biện đầy chật tủ lạnh, ghế sô pha, đầu giường, bàn làm việc...
Tuy nhiên, Doãn Vân Phong đính chính rằng thông tin trên một số trang mạng, báo điện tử nói anh chuẩn bị thức ăn cho vợ trong một năm là không chính xác. “Những món ăn này chỉ có thể dùng trong hai tháng mà thôi, tôi cũng đã để lại lời nhắn cho vợ rằng khi nào vợ tôi ăn hết, tôi sẽ lại về”, Doãn nói.
Triệu Ni, vợ Doãn hiện là giáo viên chủ nhiệm tại một trường cấp 3. Hằng ngày, Triệu kết thúc công việc buổi sáng lúc 12 giờ trưa, sau đó đi xe buýt về nhà mất nửa tiếng.
Sau đó, Triệu lại phải có mặt ở trường trước 14h20, công việc bận rộn khiến nhiều lúc cô không kịp nấu ăn trưa, không kịp có giấc ngủ trọn vẹn.
“Tôi hy vọng những món ăn tôi làm sẵn sẽ giúp vợ tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân”, Doãn nói.
Doãn còn cho biết, nhiều người tưởng anh là đầu bếp trong quân đội, nhưng sự thực hoàn toàn khác. Kể từ khi cùng Triệu Ni kết hôn, Doãn mới bắt đầu cảm thấy hứng thú với việc nấu ăn.
Viên thượng úy quân đội Trung Quốc chia sẻ quan niệm cá nhân rằng nấu ăn là cách giúp vợ tốt nhất và là "kỹ năng cơ bản" của một ông chồng thời hiện đại.