Sáng 20/3 (nhằm ngày 1/2 âm lịch), hàng trăm người dân xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cùng nhiều người dân của các xã lân cận đã tề tựu đầy đủ về trước khuôn viên của đền Cả (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của Đức Tĩnh Quang Hoàng Thái Hậu, Đức bà Hoàng Càn, là vị đức thành hoàng làng Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng) trong không khí hết sức trang nghiêm và trọng thể.
|
Hàng trăm người dân trong và ngoài xã Cẩm Nhượng đã tề tựu về tại đền Cả để tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của bà Hoàng Càn.
|
Theo truyền thuyết kể lại,vào đời nhà Trần (1225 – 1400) trên đất Kỳ La xưa (nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có một người con gái họ Hoàng tên Càn đẹp người, đẹp nết lại hát rất hay, quanh năm làm nghề mò cua bắt ốc ở dọc các bãi sông, bãi bồi ven biển làm kế sinh nhai. Bà đi đến đâu luôn có đám mây hồng che chở.
Một lần vua Trần Thánh Tông đi thưởng ngoạn cảnh non nước qua vùng đất này, bắt gặp người con gái Hoàng Càn có dung nhan sắc sảo, đối đáp lưu loát nên đã tiến cử bà vào cung làm cung phi cho nhà vua.
|
Theo truyền thuyết, bà Hoàng Càn là cung phi của vua Trần Thánh Tông. Bà là người có công lớn đối với làng Nhượng Bạn.
|
Bà là người có công lớn đối với làng Nhượng Bạn, người dân đã lập đền thờ khá đồ sộ vào thời nhà Lê, đặt tên là đền bà Càn đặt ở xóm Tam Văn (nay là thôn Lâm Hoãn) do làng Đương thờ phụng hương khói và ngày mồng 1 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của bà.
Trong buổi lễ sáng nay, Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Nhượng đã cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng trải qua hàng trăm năm. Đồng thời nhớ về một cội nguồn của thuở khai sinh tên đất, tên làng, truyền thuyết về bà Hoàng Càn – cung phi của vua Trần Thánh Tông.
Tham gia buổi lễ còn có các vị lãnh đạo trung tâm VHTT&DL huyện Cẩm Xuyên, cũng như cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
|
Lãnh đạo trung tâm Văn hóa thể thao và Du lịch huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cùng cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Thiên Cầm tới tham dự buổi lễ.
|
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng xúc động nói : “Trải qua hàng trăm năm lịch sử, mảnh đất con người Nhượng Bạn nơi đây mãi mãi là cội nguồn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của đức bà Hoàng Càn. Một nhân vật lịch sử hiện thực đã đi sâu vào tâm trí của người dân Hà Tĩnh nói chung và nhân dân Cẩm Nhượng nói riêng.
Nhờ ơn đức của bà Hoàng Càn mà bao thế hệ con em Cẩm Nhượng đã và đang sinh sống trên mảnh đất này đều luôn luôn đầy hào khí của một làng quê có truyền thống lịch sử, xây dựng gia đình ấm no, quê hương đất nước giàu mạnh, thịnh vượng”.
|
Bà Hoàng Càn là người có công lớn đối với làng Nhượng Bạn, người dân đã lập đền thờ khá đồ sộ vào thời nhà Lê.
|
Chia sẻ với PV Kiến Thức, ông Phạm Văn Tuấn – Giám đốc trung tâm Văn hóa thể thao và Du lịch huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết : “Lễ kỷ niệm ngày mất Đức Tĩnh Quang Hoàng Thái Hậu, Đức bà Hoàng Càn của Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Nhượng không chỉ là niềm tôn kính và khát vọng một lẽ sống vì con người mà bà Hoàng Càn đã để lại, mà còn là một nét đẹp văn hóa về tâm linh, nhân văn của nhân dân trong xã. Nhằm khơi gợi cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa cũng như cội nguồn của quê hương”.
Sau buổi lễ, cán bộ và nhân dân trong xã đã ngồi lại trong khuôn viên đền thờ, quây quần bên nhau để tổng kết lại những thành quả mà Đảng bộ, nhân dân xã Cẩm Nhượng đã thực hiện được trong năm 2014. Đồng thời nhắc nhở nhau luôn soi mình vào chân dung của lịch sử để cùng nhau xây dựng, vun đắp cho quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
|
Theo thông lệ, lễ kỷ niệm ngày mất của bà Hoàng Càn sẽ được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch hàng năm.
|
Theo thông lệ, lễ kỷ niệm ngày mất của bà Hoàng Càn sẽ được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch hàng năm tại đền Cả , là một ngôi đền lớn, có giá trị kiến trúc đặc sắc. Chung quanh đền có thành, gọi là thành đền, trong đền có nhiều bức tượng tựu trung cả hai nền nghệ thuật điêu khắc phía Bắc và phía Nam. Đây là ngôi đền hợp tự, được xây dựng vào khoảng giữa triều Lê (1428 - 1527), thờ những người có công lớn với nước, tiêu biểu là Lý Nhật Quang (hoàng tử triều Lý); Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu; danh tướng Lê Khôi (các vị này có đền thờ riêng và được thờ ở nhiều nơi).