Lễ hội chứa đựng nhiều điều linh thiêng trong đời sống người dân vùng biển và mục đích là cầu phúc, cầu tài, cầu bình an.
(Kienthuc.net.vn) - Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa tự hào rằng: Lễ hội Cầu Ngư ở quê ông là một trong những nơi lâu đời nhất. Nhiều nơi các tỉnh vùng biển còn phải đến xã Ngư Lộc để học hỏi về các nghi lễ tổ chức.
Lễ hội chứa đựng nhiều điều linh thiêng trong đời sống người dân vùng biển và mục đích là cầu phúc, cầu tài, cầu bình an.
Lễ hội Cầu Ngư đầu tiên của nước ta?
Chúng tôi về xã Ngư Lộc đúng vào dịp chính quyền và nhân dân nơi đây đang tấp nập, chuẩn bị những công đoạn cuối để tổ chức lễ Cầu Ngư. Ông Huấn cho biết: Lễ hội Cầu Ngư đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng biển. Hằng năm cứ đến ngày 24/2 (âm lịch), xã lại tổ chức nghi lễ Cầu Ngư. Mục đích là cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, nhà nhà được hưng thịnh. Vì thế, từ già đến trẻ, dù làm việc và sinh sống ở nơi đâu, cứ đến ngày này mọi người đều về đông đủ.
|
Thuyền rồng Long Châu mang giá trị tâm linh lớn đối với ngư dân vùng biển. |
Theo ông Huấn, hiện nay nhiều vùng miền có lễ hội này, nhưng xét về lâu năm thì Ngư Lộc có thể là một trong những nơi có sớm nhất. Ít có địa phương nào có quy mô lễ hội như ở Ngư Lộc. Nhiều nơi đã về đây để học tập về cách tổ chức lễ hội. Việc Cầu Ngư được người dân trong vùng rất coi trọng. Tuy nhiên, hiện chưa có sử sách nào ghi cụ thể về thời gian ra đời lễ hội này. Các cụ già trong làng cũng chỉ biết rằng khi lập làng, mở xã đã có lễ hội Cầu Ngư.
"Lễ hội của chúng tôi linh thiêng lắm"
Ông Nguyễn Văn Nhâm (62 tuổi) đã có 12 năm làm chủ tế lễ Cầu Ngư. Ông Nhâm bảo: Cuộc sống của người dân chúng tôi phụ thuộc vào từng cơn sóng, ngọn gió ngoài biển khơi. Khi bước chân ra khơi thường phó mặc vào số phận. Mỗi dịp đầu năm, mọi người coi việc tế lễ cầu cúng là việc làm gần như quyết định tới sinh mạng của họ.
Ông Nhâm dẫn giải: "Tôi cũng là người đi biển hơn 40 năm nên tôi hiểu được tâm lý của người dân làm nghề. Việc cầu khấn nó như đức tin vào cuộc sống, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Điều đó là nên làm. Dù hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, người dân có thể sắm được tàu thuyền hiện đại, nhiều thiết bị cứu hộ khiến cho việc đi biển thêm an toàn, giúp cho người dân yên tâm hơn khi ra khơi đánh cá. Nhưng dù vậy đi chăng nữa thì trước khi ra khơi, ai dám khẳng định không gặp điều bất trắc. Vì thế, khi gặp sóng to bão lớn, ngoài những trang thiết bị chống chọi với thiên nhiên, thì trong lòng ngư dân thần linh luôn là đấng tối cao, che chở cho họ khi làm việc".
Ông Nhâm nói tiếp: "Lễ hội Cầu Ngư của chúng tôi linh thiêng lắm. Nhờ những lần đi lễ cầu lộc, cầu tài, cầu bình an... mà nhiều chuyến tàu ra khơi được trở về an toàn, chở đầy tôm cá. Nhiều người thoát khỏi tay hà bá trong gang tấc". Trong các phần lễ hội thì phần lễ tế thiên đình, là phần quan trọng nhất. Khi đó, ông Nhâm với vai trò là chủ lễ sẽ dâng văn sớ, cầu bề trên cho mọi người dân trong xã được bình an, năm xung tháng hạn được qua khỏi, sóng lặng thuyền yên.
Trẻ con bước qua mũi Long Châu sẽ bị ốm
Ông Huấn cho hay, để tổ chức lễ hội cầu Ngư không thể thiếu việc thực hiện thuyền rồng (còn gọi là Long Châu). Việc thực hiện Long Châu, do cả làng làm và phải mất một tháng mới hoàn thành. Với hàng trăm các "hạng mục" khác nhau, làm Long Châu đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo tay.
Ông Nhâm bảo, trong quá trình làm Long Châu, điều mà mọi người kiêng kỵ nhất là không được cho trẻ con tụ tập, đi qua lại trước đầu Long Châu. Điều này được Ban tổ chức Lễ hội nhắc nhở đến từng hộ dân trong xã. Vì thế, trước khi làm Long Châu, mọi người đã làm hàng rào bao vây xung quanh cấm mọi người vào tùy tiện.
|
Ông Huấn đi kiểm tra công đoạn cuối Long Châu. |
Nhưng buổi chiều sau hôm khởi công, cháu Nguyễn Văn Hiếu (9 tuổi), trong lúc mải chơi đã chạy ngang qua đầu Long Châu. Vài ngày sau, Hiếu có hiện tượng ăn vào thì bị nôn mửa và có biểu hiện bị thần kinh. "Điều kỳ lạ là khi người nhà đưa Hiếu đi khám ở bệnh viện, bác sĩ không vẫn không phát hiện ra bệnh", ông Nhâm cho hay.
Ông Nhâm xác nhận: "Đúng là cháu Hiếu đã chạy qua đầu Long Châu. Tôi đã khuyên gia đình nên đưa cháu lên khu di tích đền chùa của làng, làm lễ xin thần Phật giải thoát cho cháu khỏi bệnh. Gia đình Hiếu đã thực hiện như lời tôi căn dặn. Và điều kỳ diệu đã đến với em và gia đình, khoảng một tuần sau sức khoẻ của Hiếu hồi phục bình thường, các triệu chứng bệnh như mấy hôm trước mất dần. Hiếu có thể cắp sách đến trường, vui đùa cùng bạn bè được".
Ông Nhâm cho biết: Tiêu chí chọn những người làm Long Châu phải là những người khoẻ mạnh, họ là những lao động chính trong gia đình và làm nghề đi biển. Không phải ai cũng được tham gia làm Long Châu, những người làm Long Châu được kiểm tra "lý lịch" nghiêm ngặt. Đặc biệt, nếu người nào trong gia đình có tang thì không được tham gia làm Long Châu. Nếu cố tình tham gia, gia đình đó sẽ gặp những chuyện không, may mắn, người đó về nhà sẽ bị ốm.
Không biết tính linh thiêng của lễ hội đến đâu, nhưng đây rõ ràng là lễ hội đã ăn sâu trong tiềm thức người dân, vì việc Cầu Ngư giúp cho cuộc sống họ bình yên.
"Xã Ngư Lộc có diện tích đất tự nhiên 0,9km2, dân số 17.000 nghìn người, diện tích đất ở 0,47km2. Trong đó có khoảng 2 nghìn người làm nghề đánh bắt hải sản. Từ xưa đến nay, nghề đi biển vẫn là nghề sinh sống của người dân nơi đây. Làm nghề này đôi khi mất cả tính mạng để lấy miếng cơm, manh áo. Vì thế, Lễ hội Cầu Ngư thực sự chứa đựng sự linh thiêng trong lòng ngư dân. Chính vì thế, năm 2005, Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của người dân biển xứ Thanh.
Ông Nguyễn Văn Huấn (Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) |
Đức Lợi