Đánh cọp cứu mình, cứu bạn
Bà Ngô Thị Kỷ (SN 1944, ngụ thôn Đồn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) kể: Hồi đó, phong trào hợp tác hóa ở nông thôn sôi nổi và quy củ. Để hoàn tất diện tích thửa ruộng cấy bị trốc gốc do đợt gió mùa, ông Bùi Minh Quốc (SN 1943, sống cùng làng) hẹn bà Kỷ ra đồng thôn Bến phía Bắc xã Vạn Ninh nhổ mạ đưa về cấy dặm cho những chỗ bị đợt gió mùa vừa rồi làm tróc gốc. Hôm ấy để hạn chế nắng, nên trời còn mờ tối, hai người đã đi ra đồng.
|
Bà Ngô Thị Kỷ. |
Chỉ còn khoảng độ gần 100m nữa sẽ rẽ xuống ruộng, bỗng dưng họ thấy lù lù bóng một con vật nằm bên vệ cỏ ưỡn mình dậy. “Con nghé nhà ai khi tối không về theo mẹ nó, nằm đây hè?”, anh Quốc đi trước, phát hiện ra, hỏi bâng quơ. “Con nghé con” bất ngờ “gừ gừ” và nhảy dựng lên đường. Đã từng thấy qua tranh ảnh, phù điêu, anh Quốc hét lớn: “Ui da, con cọp, con cọp, Kỷ ơi”.
Ở vùng đất đồng trũng xa rừng ngót vài ba chục cây số như thế này, cọp về đồng bằng là chuyện chưa từng có. Chị Kỷ bàng hoàng, lạ lẫm. Chưa kịp định thần, con cọp đã xông tới nhảy lên tát vào má anh Quốc. Nanh vuốt của con thú dữ xé luôn một mảng da đầu. Anh trai làng đưa hai tay chống trả. Con vật dữ tợn vồ lấy đầu, quật anh ngã xuống đất.
Bà Kỷ nhớ lại phản ứng của mình khi ấy: “Tui hoảng quá, định bỏ chạy. Nhưng trong tích tắc tui định thần được, nên vứt quang giống, vác đòn gánh lao đến đánh mạnh vào đầu con cọp. Tui giáng mạnh lắm, ba bốn phát liền, vừa giáng đòn gánh tôi cũng vừa la hét ầm ĩ”.
Có lẽ vì bị đòn đau vào đầu, vào gáy, lại hốt hoảng nghe tiếng người la lớn, con thú dữ buông anh Quốc ra, phóng đi về phía Đại Phúc ở hướng Tây.
Bà Kỷ kể tiếp: “Khi giáng đòn gánh xuống đầu cọp, ý nghĩ thuộc về bản năng tự vệ lóe sáng trong đầu tôi là mình không giết nó thì nó sẽ giết mình. Ý chí đánh nhau với con cọp cứ bừng lên, khiến đòn giáng càng quyết liệt, mạnh mẽ. Có lẽ nhờ thế mà con thú dữ bỏ đi” .
Phần thưởng lớn lao
Chuyện anh Bùi Minh Quốc bị cọp vồ và được bạn gái Bùi Thị Kỷ đánh cọp cứu sống ở cánh đồng khiến nhân dân trong huyện Quảng Ninh thời ấy truyền kể cho nhau nghe như một truyện cổ tích.
Và cho đến bây giờ, trong những Đại hội xã Đoàn, Huyện đoàn, Tỉnh đoàn huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình, các vị lãnh đạo vẫn thường viện dẫn câu chuyện này để chứng minh cho luận điểm: “Thanh niên ta, những người say mê lý tưởng, luôn có tình cảm trong sáng cao thượng, lòng dũng cảm, ý chí vô song, có thể chiến thắng trước bất kỳ một kỷ thù tàn ác nào”.
Anh Quốc sau khi tốt nghiệp phổ thông thì thi vào sơ cấp sư phạm Quảng Bình. Ra trường, ông làm anh giáo viên trường làng. Mấy năm sau thì lấy vợ. Còn chị Kỷ, năm sau thì đi dân công hỏa tuyến. Ba năm sau về quê xây dựng gia đình. Họ có bảy đứa con.
“Bác Hồ biết chuyện và Người đã tặng chị chiếc Huy hiệu để kỷ niệm phải không?”, trả lời câu hỏi ấy, người đản bà đả hổ gật đầu và tươi cười: “Chuyện tui đánh cọp lan truyền khắp nơi. Thế là mấy hôm sau có nhà báo về đây, hỏi chuyện để viết bài. Bác Hồ đọc bài báo ấy và gửi Huy hiệu của Người vào tặng tui.
|
Cánh đồng này là nơi ngày xưa bà Kỷ đánh cọp cứu bạn. |
Hôm cán bộ Tỉnh đoàn đưa Huy hiệu về đây tui cảm động mà trào hai hàng nước mắt. Bác Hồ lo bao chuyện lớn của dân của nước thế mà cái chuyện nhỏ của tui Bác cũng biết đến mà còn gửi cả quà vào nữa.
Tiếc quá, chiến tranh, khi lên hầm xuống hố, rồi bão lụt, thiên tai, chiếc Huy hiệu đó bị lẫn đâu mất tìm không ra. Làm mất Huy hiệu của Người tui ân hận quá, muốn làm răng mà có lại được”.
Sau khi nghe những lời động viên thông cảm của tôi, bà Kỷ sực nhớ ra và kể tiếp: “Bài báo lan tỏa khắp nơi. Sau đó tui nhận được rất nhiều thư từ của các bạn thanh niên trong nước và các nước anh em XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc… gửi về chúc mừng, khen ngợi”.
Số phận của con cọp
Bà Ngô Thị Kỷ còn cho biết con cọp ấy sau khi cúp đuôi bỏ chạy về hướng thôn Đại Phúc, phía Tây của xã Vạn Ninh thì gặp hai anh phụ trách trạm bơm chuẩn bị vận hành. Nó nhảy vào cắn nát tay của một trong hai người. Người còn lại dùng gậy đánh trả.
Vừa đánh trả anh ta vừa hô hoán. Nghe tiếng, bà con dân làng xông ra. Một người dùng cái dao phạng (loại dao cán dài dùng để xén bờ ruộng) đã kết liễu đời nó. Bà con sau đó làm thịt, lấy xương nấu cao. Họ gửi cho bà và anh Quốc mỗi người một miếng nhỏ.