Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, ấy vậy mà có một làng quê nghèo đã và đang đi đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc. Thứ ánh sáng họ tặng cho người mù là một kho báu, nhưng kho báu lớn hơn là ánh sáng từ tâm hồn của những người sống không phải cho riêng mình.
Làng nghèo cửa biển
Xã Cồn Thoi thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là một xã nghèo ven biển. Người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản. Cuộc sống của họ cũng bấp bênh như thuyền trên sóng nước, thảng hoặc như năm hai vụ lúa chưa đủ ăn.
Theo ông Quách Hữu Viến, Phó Chủ tịch UBND xã Cồn Thoi thì cái tên của xã lấy từ chính thực trạng xưa kia. Đó là một cồn cát nổi giữa đại dương. Dần dần, các bãi bồi lấn dần sáp hợp cồn cát ấy với đất liền. Cho đến bây giờ, bãi bồi đã lấn thêm ra biển 3 vòng đê. Xã Cồn Thoi toàn cát với muối mặn nên làm ra hạt gạo là khó.
Cụ Quách Thị Hoạt ở xóm 8A cho biết: "Những năm 90 người địa phương còn đói, phải ăn cơm độn sắn hoặc khoai ngứa dành cho lợn. Nói thì không ai tin, nhưng trong nhà có thóc có gạo mà không dám ăn. Một phần vì sợ mất mùa, phần nữa thóc gạo là ngọc thực nên phải dè sẻn. Bây giờ thì khá hơn rồi, nhưng làm ra đồng tiền ở vùng quê khó khăn lắm".
|
Đường vào xã Cồn Thoi thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình). |
Người đầu tiên hiến mắt
Tưởng cái nghèo cái đói sẽ cuốn người Cồn Thoi vào những mơ ước của đồng tiền bát gạo. Nhưng không, mảnh đất này đã đánh dấu một nghĩa cử cao đẹp là hiến mắt cho người mù. Đó cũng là vùng quê đầu tiên của Việt Nam, con người đầu tiên của Việt Nam tự nguyện cho đi ánh sáng của đời mình.
Đó là cụ Nguyễn Thị Hoa ở xóm 8A. Năm 2007, việc hiến giác mạc ở nước ta là hoàn toàn xa lạ. Vậy mà khi nghe một thanh niên tên Sự là người cùng xã đến trò chuyện, kể về tình trạng mắt của người chị dâu đang nằm viện Hà Nội thì cụ Hoa bày tỏ sẽ cho mắt nếu bác sĩ lấy ra được.
Anh Sự cũng không ngờ là bác sĩ gật đầu bảo y học có thể thực hiện điều đó. Thế nhưng lúc này, gia đình nhà cụ Hoa lại phản đối kịch liệt lắm. Quan niệm chết phải toàn thây đã bám sâu trong tâm trí họ cả ngàn đời nay thì sao có thể đồng ý cho cụ Hoa hiến mắt dễ dàng thế được.
Nhưng cụ Hoa vẫn kiên quyết hiến đôi mắt mình đi cho người khác. Cụ lên gặp cha xứ trình bày sự việc. Vị cha xứ ấy thoạt nghe cũng không khỏi lúng túng vì chưa gặp trường hợp nào như vậy. Nhưng hành động cao cả ấy đã được vị cha xứ đồng ý vào tận gia đình khuyên bảo gia đình. Cuối cùng, mọi người đồng ý và để cụ Hoa viết đơn tự nguyện hiến mắt.
Ngày cụ Hoa mất, đoàn giáo sư Viện Mắt T.Ư về làng. Sự kiện ấy không chỉ khiến Cồn Thoi nổi tiếng mà bắt đầu từ đây, những kho báu quý giá bắt đầu được hiến tặng cho người mù.
|
Ông Tú và kỷ niệm chương của con gái tự nguyện hiến giác mạc. |
72 kho báu quý
TS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Ngân hàng Mắt cho hay, giác mạc là một lớp màng mỏng trong suốt. Việc thu nhận giác mạc chỉ được thực hiện khi người hiến đã qua đời. Quy trình tiến hành rất nhanh, chỉ từ 25 - 30 phút và không làm thay đổi khuôn mặt, mắt của người hiến.
Ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Cồn Thoi vui mừng cho biết: "Cho đến nay, địa phương đã có 72 người hiến mắt. Trong khi đó, nước ta mới chỉ có 200 người tham gia hiến giác mạc thì ở Cồn Thoi đã chiếm 1/3 rồi. Chính con gái tôi cũng đã tự nguyện hiến đôi mắt của mình cho người mù lòa".
Con gái ông Tú, chị Nguyễn Thị Lan gặp bạo bệnh. Biết mình sẽ không qua khỏi nên đã âm thầm viết đơn hiến giác mạc gửi lên Viện Mắt T.Ư vào năm 2008. Vì sợ gia đình ngăn cản nên chị phải giấu giếm chuyện đó. Đến khi hấp hối trên giường bệnh, chị mới nói điều ấy ra. Ai cũng xúc động về nghĩa cử của người phụ nữ mới 33 tuổi đời nhưng lại có tấm lòng nhân hậu đầy hi sinh như thế.
Từ ngày con gái mất, ông Tú tham gia vào hội chữ thập đỏ và kết hợp chặt chẽ với linh mục giáo xứ Cồn Thoi đi tuyên truyền, vận động bà con hiểu về sự quý giá của đôi mắt đối với người mù. "Tôi đã nhiều lần trò chuyện với người mù. Họ bảo rất mong ước được nhìn thấy ánh sáng dù chỉ một lần. Thậm chí, có người còn mơ ước chỉ một lần nhìn thấy hình dáng con gà nó ra làm sao", ông Tú chia sẻ.
72 người ở xã Cồn Thoi là 72 kho báu quý giá với ngân hàng mắt. Trong dịp tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến giác mạc tại Ninh Bình vào đầu năm 2014, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cùng TS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã về dự biểu dương và cảm ơn những nghĩa cử tuyệt vời ấy.
|
Danh sách 72 người đã hiến giác mạc tại Cồn Thoi. |
Cho đi là nhận lại
Linh mục chánh xứ Cồn Thoi, cha Đoàn Minh Hải là người giữ ngọn lửa tiếp sức cho phong trào hiến mắt ở địa phương cho hay, để vận động bà con hiến mắt là điều khó không tưởng. Nhưng lòng tốt tiềm ẩn trong mỗi con người dường như là vô biên.
Xóm 8A, nơi có số lượng người hiến giác mạc đông nhất là một xóm đạo. Từ cụ Hoa là người đầu tiên hiến mắt, nhờ sự vận động của linh mục Hải nên số lượng giáo dân hiến giác mạc cứ thế tăng dần. Để làm được điều ấy, trong mỗi bài giảng ở nhà thờ, linh mục Hải đã phải vận dụng Kinh Thánh để giải thích về tình yêu thương, sự hi sinh chia sẻ và sự sống đời đời khi con người về với cát bụi.
"Cho đi là nhận lại, chúng ta cho đi đôi mắt nhưng sẽ được Thiên Chúa trả công bội hậu khi lìa cõi thế. Mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp đều được ghi nhận, là phần thưởng đích thực mà mối mọt không thể đục khoét", linh mục Hải chia sẻ.
|
Rất nhiều người mù mong chờ được ghép giác mạc. |
Đặc biệt, trong mỗi bài giảng, cha Hải chỉ định hướng cho giáo dân chứ không bao giờ áp đặt hoặc bắt buộc ai đó hiến mắt. Trong những buổi "sức dầu bệnh nhân" khi sắp qua đời, bao giờ cha Hải cũng một lần nữa hỏi lại tâm nguyện của người hiến mắt về việc tự nguyện này.
Cho đến bây giờ, giáo dân ở Cồn Thoi ai cũng hiểu được tình bác ái trong Kinh Thánh là "xác đất vật hèn" (trở về với tro bụi) nên việc hiến mắt với họ là điều hết sức cần thiết. Cho đến nay, tổng số người ở Cồn Thoi có đơn tự nguyện hiến mắt đã lên tới con số kỷ lục 342 người. Trong đó, 6 người đã được Viện Mắt T.Ư thực hiện trong năm nay.
"Chưa lúc nào mà phong trào hiến mắt tại Cồn Thoi lại mạnh mẽ và đầy quyết tâm như vậy. Người dân đã không còn quan niệm chết phải toàn thây nữa. Họ đã biết cho đi để nhận lại, biết chia sẻ ánh sáng của mình với những người bất hạnh. Nhờ sự vận động của linh mục Đoàn Minh Hải mà không chỉ các giáo dân mà người lương dân cũng đã tham gia hiến giác mạc".
Ông Nguyễn Đình Tú (Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Cồn Thoi)