Người Mày quan niệm, trước sau gì thì người mẹ đã chết ấy cũng về bắt đứa bé đi, ai cố nuôi đứa bé cũng bị hồn ma người mẹ phạt vạ...
Theo quan niệm của người Mày (Quảng Bình), đứa bé mới chào đời thuộc về người mẹ. Bởi thế, trước sau gì thì người mẹ đã chết ấy cũng về bắt đứa bé đi, ai cố nuôi đứa bé cũng bị hồn ma người mẹ phạt vạ...
Từ xưa, giữa hoang vu này, khi bốn bề chỉ có rừng xanh ngắt cùng đá núi thâm u thì bất cứ người phụ nữ dân tộc Mày nào không may lìa đời lúc sinh nở thì y rằng đứa con còn đỏ hỏn vừa nhìn thấy ánh sáng mặt trời đó cũng phải chôn theo mẹ.
Thoát “án tử”
Theo quan niệm của người Mày ở xã Dân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), đứa bé mới chào đời thuộc về người mẹ. Bởi thế, trước sau gì thì người mẹ đã chết ấy cũng về bắt đứa bé đi. Ai cố nuôi đứa bé cũng bị hồn ma người mẹ phạt vạ, đặc biệt là người đàn bà nào dám cả gan cho đứa bé bú mớm. Do thế, ngay khi chị Lon chết, dù đau đớn, dù tiếc thương, nhưng gia đình anh Hồ Hoàng cũng nghĩ ngay đến việc… kết liễu cuộc đời đứa con máu mủ của mình.
|
Chị Hồ Thị Phúc, (ngoài cùng bên trái) là một nạn nhân được cứu thoát từ hủ tục chôn con. |
Thấy dân bản ra ngoài mua thừng, bộ đội biên phòng cắm bản ở ngay đầu bản đã với theo hỏi. Nghe chuyện người ta đi mua thừng về để cột đứa bé theo mẹ, ngay lập tức các anh có mặt tại nhà chị Lon. Trung úy Trương Vĩnh Lê - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cha Lo kể, vận động người dân bước qua hủ tục kinh hoàng trên là việc khó hơn bạt núi ngăn sông. Ai cũng ngoảnh mặt, ai cũng lắc đầu, ai cũng khăng khăng bảo: “Không giữ đứa bé được đâu, con ma nó không nghe đâu! Nếu cố giữ thì nó về nó bắt cả bản đấy!”.
Là người từng lăn lộn khắp các bản làng ở nơi biên giới hoang vu này, trung úy Lê từng đối diện với nhiều tình huống khó nhưng bằng cái tâm của người lính sống hết mình với đồng bào, anh cũng đã vượt qua và chiến thắng. Thế nhưng, trước tình huống hiếm gặp này, anh đã thực sự bối rối, không biết xử lý làm sao!
Khuyên giải, vận động chán chê mà mọi người vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Sau cùng, anh và anh em trong đội, có cả đại diện chỉ huy đồn phải cam kết như một lời “thề độc” là sẽ đứng ra chăm lo cuộc sống cho đứa bé và chịu mọi trách nhiệm nếu “con ma” bắt vạ.
Nghe “những người anh em” của mình nói những lời tâm can và chắc như đinh đóng cột đó, hết cách chối từ, dân làng mới buộc lòng ưng thuận. Vậy là đứa bé thoát khỏi án tử. Cũng chính từ sự gợi ý của bộ đội biên phòng, bởi đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ nên chị ruột của đứa bé là Hồ Thị Lê sẽ thay mẹ nuôi em. Đứa bé được đặt tên là Hồ Dưỡng.
Còn nguyên sợ hãi
Mẹ chết khi sinh nở thì phải chôn theo con, đó là hủ tục từ ngàn xưa để lại. Chính thế, ở bản Kai này, thằng bé Hồ Dưỡng cũng không phải là trường hợp đầu tiên thoát khỏi “án tử” khi đã bước một chân lên chuyến tàu về bên kia thế giới.
Theo sự giới thiệu của bộ đội biên phòng, chúng tôi tìm đến bản Bãi Dinh để tìm gặp chị Hồ Thị Phúc - người cũng may mắn được cứu sống khi vừa lọt lòng mẹ. Chị Phúc cũng là người Mày, được sinh ra ở bản Kai. Nhắc tới nơi mình cất tiếng khóc chào đời đó, tuy chẳng có chút hoài niệm nào, nhưng chị cũng thấy rùng mình sợ hãi. Nếu không có sự cưu mang, cứu giúp của bố mẹ nuôi cùng sự quyết liệt của bộ đội biên phòng thì chắc chắn chị đã theo mẹ về đất mất rồi.
Bà Hồ Thị Xa - mẹ nuôi của chị Phúc kể, vợ chồng bà lấy nhau đã lâu mà trời không thương, chẳng cho lấy mụn con để cửa nhà bớt phần quạnh quẽ. Bởi thế, năm ấy, khi nghe người ta kháo nhau, ở bản Kai người ta đang làm lễ để chôn sống một đứa bé do mẹ nó bị “ma bắt” khi sinh nở, bà đã tức tốc đến ngay. Người ta mong có con không được, đằng này… Nghĩ thế, bà gạt đám đông, gặp già làng dập đầu sống chết xin đứa bé về. “Khóc xin hết nước mắt, người ta mới cho đấy! Thực ra, nhìn đứa bé mắt trong veo ngơ ngác, chẳng ai nỡ giết nó nhưng luật tục là thế, không khác được nên mới khó!” -bà Xa hồi tưởng.
Theo trung úy Trương Vĩnh Lê, người Mày ở Kai còn nhiều hủ tục mà mới nghe chẳng ai dám tin là đang tồn tại ở thời đại văn minh này. Mẹ chết thì chôn theo con cũng chỉ là một trong những hủ tục kinh hoàng ấy. Giúp người dân xóa bỏ những hủ tục đã bám rễ, ăn sâu từ ngàn đời nay là nhiệm vụ không phải một sớm một chiều có thể giải quyết triệt để.
Thoát khỏi hủ tục, chị Phúc được cha mẹ nuôi chăm chút hệt như con đẻ của mình. Năm tháng trôi qua, từ đứa trẻ đỏ hỏn, quặt quẹo, chị Phúc đã thành thiếu nữ và đã lấy chồng, sinh con đẻ cái. Chuyện trò với chúng tôi, chị bảo, chị chẳng thể ngờ chuyện đau đớn từng xảy ra với mình giờ vẫn còn dai dẳng tồn tại. Và, cứ mỗi lần nghe đâu đó tái diễn hủ tục kinh hoàng này, chị lại thêm một lần rùng mình kinh hãi.
Theo trung úy Trương Vĩnh Lê, người Mày ở Kai còn nhiều hủ tục mà mới nghe chẳng ai dám tin là đang tồn tại ở thời đại văn minh này. Mẹ chết thì chôn theo con cũng chỉ là một trong những hủ tục kinh hoàng ấy. Giúp người dân xóa bỏ những hủ tục đã bám rễ, ăn sâu từ ngàn đời nay là nhiệm vụ không phải một sớm một chiều có thể giải quyết triệt để. Bởi thế, ngoài nhiệm vụ trấn ải thì việc giúp người dân loại bỏ dần những luật tục không còn phù hợp cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng và vô cùng khó nhọc với những người lính mang quân hàm xanh nơi biên viễn xa xôi này.
(Theo Dân Việt)