Nhật ký liệt sĩ 43 năm lưu lạc trên đất Mỹ: Chuyện tình cảm động

Google News

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam (Nông Cống, Thanh Hóa) đã quay trở lại Việt Nam để rồi chúng ta biết người lính ấy yêu và sống ra sao.

Rồi vượt trên tất cả, liệt sĩ đã khép lại trái tim yêu, để hiến dâng mình cho một tình yêu lớn hơn: Tình yêu Tổ quốc...
Gác tình yêu ra trận
Trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam còn nhòa những trang viết thấm máu của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, người được nhắc đến nhiều nhất là cô gái Hà Thị Rốt với hai từ trìu mến “em yêu”. Chúng tôi đã may mắn tìm gặp được người con gái năm xưa đó, giờ đã 65 tuổi, là bà Hà Thị Rốt ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Nhat ky liet si 43 nam luu lac tren dat My: Chuyen tinh cam dong
Bà Hà Thị Rốt chia sẻ về liệt sĩ Nguyễn Văn Nam cùng cuốn nhật ký. Ảnh:T.L 
Gặp chúng tôi trong căn nhà mới xây, bà Rốt cứ nhìn xa xăm ra cánh đồng trước nhà, nước mắt lăn dài trên má. Bà nói: “Ngay khi mở trang đầu tiên của cuốn nhật ký, tôi đã khẳng định, đây là chữ viết của anh Nam. Sở dĩ tôi nhận ra đây là kỷ vật của anh Nam, vì trong cuốn nhật ký có một bức họa hình anh vẽ một người dùng chân đá vào đầu một tên địch. Điều này tôi không bao giờ quên”.
Anh Nam với tôi trước kia hai làng ở cạnh nhau, lúc đi hoạt động đoàn cùng nhau đã yêu thương nhau rồi. Nhưng hồi ấy chúng tôi kín đáo và trong sáng lắm”.
Bà Hà Thị Rốt

Bà Rốt nhớ lại: “Năm 1968, tôi và anh cùng đi học tại Trường Trung cấp Nông nghiệp huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), cách nhà 38km. Hai chúng tôi đi chung một chiếc xe đạp, nhưng bao giờ anh cũng phải đi xe xa hẳn đầu làng, đợi tôi đi bộ tới mới dám đèo nhau đi học.
Tôi và anh nhiều kỷ niệm lắm. Thời gian chúng tôi bên nhau không được dài, nhưng vô cùng ý nghĩa. Kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt, anh Nguyễn Văn Việt- anh trai của anh Nam vào chiến trường nên anh Nam cũng khao khát được vào Nam chiến đấu cùng anh trai”.
Nghẹn lại đôi chút vì xúc động, bà Rốt tâm sự: “Lúc đó, tình cảm của chúng tôi đã được hai bên gia đình đồng ý, đi lại công khai với nhau và tôi đã đính hôn với anh Nam. Lý ra, đã có 1 anh trai chiến đấu ở miền Nam, anh ấy có thể ở nhà, đi học tiếp và xây dựng gia đình, nhưng anh Nam vẫn nhất quyết viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ.
Trước khi vào chiến trường miền Nam chiến đấu, anh còn được nghỉ tranh thủ về thăm nhà 3 ngày, chúng tôi có gặp nhau. Nhưng tâm trạng của thanh niên lúc đó đất nước có chiến tranh cứ cuốn đi, chúng tôi cũng không dành cho nhau được nhiều thời gian”. Khi người yêu lên đường ra mặt trận, bà Rốt vẫn học tập tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Hậu Lộc.
Trong 3 năm, bà nhận được 3 lá thư, một lá năm 1969, hai lá cuối năm 1971, sau đó biệt tăm.“Tôi nhớ anh Nam lắm. Bên ngoài anh thể hiện tính tình quyết đoán dứt khoát, nhưng bên trong vô cùng tình cảm, ấm áp đến lạ lùng. Thời gian đó cũng có vài người theo đuổi, nhưng tôi vẫn chỉ nhớ và chờ anh Nam về.
Đất nước thống nhất năm 1975, đến năm 1976 tôi và gia đình anh như chết điếng người khi nhận tin cả anh Nam và anh Việt đã hy sinh. Mẹ anh ấy và tôi ôm nhau khóc đến cạn nước mắt”- bà Rốt xúc động nhớ lại.
Niềm tin quyết thắng
Khi chúng tôi được tiếp xúc trực tiếp với cuốn nhật ký, đập vào mắt là những vết máu đã sẫm màu thời gian. Nhưng xuyên suốt cuốn nhật ký, không có từ nào nhắc tới sự gian khổ hay bom đạn của chiến tranh mà chỉ viết về niềm tin quyết thắng.
Xin trích cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, có lời dạy của Bác Hồ được anh ghi chép cẩn thận: “Dù chiến tranh 10, 20 năm hoặc lâu hơn nữa thì ta tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi chứ nhất định không chịu làm nô lệ”. Bên cạnh đó là những hình vẽ minh họa kèm dòng chữ thể hiện quyết tâm chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm: “Dũng mãnh xông lên san bằng đồn bốt địch”, “Bao năm nay tôi vẫn sống trên tuyến lửa”… Có một điều thi vị hơn nữa là trong khói lửa đạn bom khốc liệt, nhưng người lính trẻ ấy đã viết nên những bài thơ rất lãng mạn: “Trăng khuyết rồi trăng lại tròn/ Quay đi quay lại anh còn yêu em/Xa em anh chẳng có quên/Xa em anh lại có trăng bên rồi…”
Trong cuốn nhật ký của mình, liệt sĩ Nguyễn Văn Nam cũng nhiều lần nhắc đến một người con gái được gọi là “em” nhưng không nói rõ tên như một bí mật rất riêng: “Hai đứa chúng mình quen nhau từ thuở nhỏ. Nhà em bên nhà anh. Đường đi vào trong ngõ. Cách nhau chỉ một rào dây…”.
Đặc biệt, có một trang viết thể hiện tình yêu nồng cháy mà anh dành cho người con gái ở hậu phương: “Đêm hôm qua trong giấc mơ anh cảm thấy đôi ta lưu luyến quá, đằm thắm quá. Khóm hoa nào đằm thắm bằng đôi ta. Tình nào bằng tình của đôi ta. Anh nói thế nhưng lòng anh đang xúc động. Nằm nghĩ tới những lời em nói trong đêm khuya thanh vắng, anh tưởng như em đang say ngủ trong tâm hồn anh. Đường nào ngọt bằng lời nói người yêu tôi".
Xem cuốn nhật ký, có thể thấy chủ nhân là người rất thích vẽ và tâm hồn lãng mạn. Dù chỉ bằng nét bút thô sơ, nhưng người lính Nguyễn Văn Nam đã vẽ vào trang nhật ký của mình những bông hoa hồng, hoa sen, cành đào đón mùa xuân... kèm theo dòng chữ: “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Cuốn nhật ký dù ố vàng, nhưng vẫn có những thông tin như: “Nguyễn Văn Nam - Xuân Trường - Minh Nghĩa - Nông Cống - Thanh Hóa; Văn Nam- Minh Tiền - Minh Nghĩa - Quê mẹ; Mến gửi em Hà Thị Rốt - Trường Trung cấp Nông nghiệp Hậu Lộc - Thanh Hóa; Phạm Thị Lịch, giáo viên Trường cấp 1 Minh Nghĩa - Nông Cống - Thanh Hóa. Đây là những người yêu, người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam.
Năm 1976, khi nhận được tin người yêu hy sinh, bà Rốt đã định không lấy chồng, nhưng do bố mẹ thúc ép nhiều, đến năm 1977, bà đã kết hôn với một người thương binh. Đến năm 1981, chồng bà đã mất sau một cơn bạo bệnh, bà Rốt ở vậy, một mình nuôi 3 người con gái và bố mẹ chồng ở Hoằng Hóa. Những ngày giỗ tết bên nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, bà vẫn về thắp hương, cúng lễ.
Ông Nguyễn Văn Chinh- em trai liệt sĩ Nam, hiện sinh sống ở xã Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa nói: “Chúng tôi coi chị Rốt như chị cả của gia đình, vì anh Việt thì chưa có người yêu đã hy sinh, người yêu anh Nam cũng như chị cả”.
Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):
Theo Dân Việt

Bình luận(0)