Người phụ nữ lập trại thương binh đầu tiên ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Đã 68 năm, nhưng những đóng góp của bà Bá Huy cho cách mạng, lập nên An dưỡng đường số 1 nuôi dưỡng thương binh sẽ còn sống mãi trong lòng dân. 

Nghĩa cử cao đẹp của bà đối với những thương binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã viết nên "Huyền thoại Đỏ bên Hồ Núi Cốc". Tiếc thay, đến tận bây giờ, khi bà Đích đã an giấc ngàn thu dưới suối vàng gần 30 năm, vẫn chỉ có tấm lòng người dân và những người thương binh ngày ấy ghi công của bà.
Không tiếc tiền của
Ông Phạm Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Lục Ba lần giở hồ sơ lưu trữ thời kỳ cách mạng chống thực dân Pháp tại địa phương và cho biết, cuối năm 1946, Phòng Thương binh thuộc Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đóng trụ sở tại gia đình bà Bá Huy (tức Nguyễn Thị Đích) thuộc thôn Bẫu Châu xã Lục Ba (Đại Từ, Thái Nguyên). 
Cả trăm thương binh của Trung đoàn Thủ đô được chuyển về, chỗ ăn, chỗ ở và chữa bệnh đều gặp rất nhiều khó khăn. Chính bà Bá Huy đã hiến 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu và huy động dân làng làm 10 gian nhà bằng tre, gỗ, sắm sửa dụng cụ, tiện nghi để lập An dưỡng đường số 1. Đây chính là trại thương binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ đó, cả nước dấy lên phong trào "Hội mẹ chiến sĩ". Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bà Bá Huy còn vận động chị em phụ nữ trong vùng lấy chồng thương binh. Trong số đó có chị Trần Thị Lệ lấy anh thương binh Đỗ Công Chức, chị Nguyễn Thị Tình lấy anh thương binh Phí Văn Thuyên. Để làm được như vậy, bà Bá Huy đã ra sức vận động, dùng sự chân thành của mình để tác hợp cho những mối duyên ở An dưỡng đường.
Việc làm đầy tình nghĩa ấy đã động viên những chiến sĩ ngoài mặt trận hăng hái lập công, thi đua giết giặc cứu nước. An dưỡng đường khi ấy tuy còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng với sự tần tảo của bà Bá Huy, những thương binh nơi đây đã rất yên tâm điều trị.
Đường đến An dưỡng đường số 1. 
Bác Hồ gửi thư khen
Nghe báo cáo về nghĩa cử của bà đối với thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cảm kích và gửi thư khen bà Bá Huy đúng vào dịp 27/7/1947. Thư có  đoạn viết: 
"Thưa bà.
Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất, ruộng, trâu bò, thóc lúa, và tiền bạc để lập một An dưỡng đường cho thương binh. Tôi rất lấy làm vui lòng. 
Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và khen ngợi bà. Đồng thời tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các thân hào và toàn thể nam, nữ đồng bào ở vùng đó đã giúp công, đã giúp của với bà, để lập lên An dưỡng đường "Bà Bá Huy".
Khen ngợi một điển hình như bà Bá Huy cũng đã gợi mở xây dựng thành phong trào toàn dân chăm sóc thương binh. Bác Hồ còn khởi xướng phong trào Hội Mẹ chiến sĩ "Đón thương binh về làng" nuôi dưỡng: Bữa ăn chín cũng như mười/Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh.
Từ tinh thần cuộc mít tinh khai sinh ra ngày 27/7 tại xóm Bàn Cờ, huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên dẫn đầu phong trào Đền ơn đáp nghĩa trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
 Thư Bác Hồ khen bà Bá Huy.
Oan khuất Bá Huy
Ông Thủy cho biết: "Đáng tiếc là sau khi kháng chiến thành công, gia đình bà Bá Huy lại bị quy là địa chủ bóc lột. Bà đã sống âm thầm chịu đựng trong lãng quên suốt hơn 30 năm cho đến khi qua đời năm 1987. Con cháu bà vì thế cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, dù có 9 người đi bộ đội, 2 người là liệt sĩ. Trong số họ chẳng ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng nữa, vì lý lịch bà là địa chủ".
Ông Trần Đình Tỉnh, con trai bà Bá Huy hiện nay vẫn còn sống ở xã Lục Ba cho biết, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thì gia đình là cơ sở đi lại của nhiều cán bộ tướng lĩnh thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính ông Tỉnh hồi nhỏ còn được Đại tướng bế bồng mỗi khi công tác qua và dừng chân tại đây.
Ông Trần Đình Tỉnh, con trai bà Bá Huy vẫn rất buồn vì oan khuất của mẹ. 
Trong đợt đấu tố địa chủ, tổ đấu tố không cần nhìn nhận công lao của bà đối với cách mạng. Cứ ai giàu có là quy tất là địa chủ. Bà Bá Huy lúc ấy đang là Đảng viên, lại là mẹ chiến sĩ và là người lập ra An dưỡng đường, nhưng cơ sự đã đến, bà thoát chết nhưng bị tịch thu toàn bộ tài sản, bị khai trừ khỏi Đảng.
Những cao niên trong xã Lục Ba đều xác nhận, bà Bá Huy giàu có một cách chính đáng. Vì không chịu lấy tên Chánh tổng, bà đã bỏ đi từ thôn Thái Lai (Mê Linh, Vĩnh Phúc) theo nhóm thợ cấy qua huyện Đại Từ gặp ông Trần Đình Tích là người đi cày thuê, cùng cảnh nên duyên chồng vợ. Do chịu khó làm lụng nên có vốn liếng dần dần thành người giàu có trong vùng.
Khi tổ đấu tố đem bà Bá Huy ra xử, các thương binh lúc ấy ở trong An dưỡng đường đã ra sức bảo vệ bà một cách quyết liệt nhưng không có kết quả. Nhiều thương binh trong số đó đã xót xa cho thân phận một người có công mà phải chịu oan trái nên họ đã bỏ về quê hoặc đến một nơi khác. Cho đến bây giờ, ở Lục Ba người ta vẫn phải gọi vụ đấu tố ấy là "oan khuất Bá Huy".
Ông Tỉnh cho biết thêm: "Từ năm 1955 thực hiện sửa sai, mẹ tôi được minh oan nhưng do cán bộ địa phương năng lực, nhận thức còn yếu nên chuyện đó không đi đến đâu. Năm 1987, khi mẹ tôi tròn 85 tuổi và cũng là kỷ niệm 40 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH có cử đoàn cán bộ về thăm. Sau đó, bố tôi đã về Hà Nội gặp ông Lê Thành Ân là quyền Trưởng phòng Thương binh thời lập An dưỡng đường. Bố tôi còn gặp được Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị để chuyển lời cảm ơn. Hai tháng sau mẹ tôi quy tiên. Bố tôi cứ nghĩ, sau đấy mẹ tôi sẽ được Nhà nước khen thưởng. Nhưng từ đó đến nay, đã gần 30 năm mà chưa có một việc làm nào để an ủi vong linh người đã khuất".
Ông Phạm Văn Thủy chỉ vị trí chính xác lập An dưỡng đường số 1. 
Ông Phạm Đình Thủy, Chủ tịch UBND xã Lục Ba cho biết, không có cách nào minh oan cho bà Bá Huy, vì hiện thời các văn bản đối với người có công cứ "đè" lên nhau. Năm 2004, Tỉnh Thái Nguyên có trao giấy khen nhưng gia đình không ai muốn nhận. Như ông Trần Đình Tỉnh bảo: "Bác Hồ đã khen rồi, tỉnh khen cũng bằng thừa. Khen nhưng cái oan sai còn treo trên mộ người đã khuất thì có ý nghĩa gì".
Nghĩa cử cao đẹp của bà Bá Huy tuy đã trải qua 68 năm nhưng vẫn khắc sâu trong tim những người đương thời. Nhưng số phận bà là khúc tráng ca buồn dần rơi vào quên lãng. Chỉ có cái hồ sơ ghi là "địa chủ bóc lột" là vẫn y chang không tẩy xóa được. 
Gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi về thăm gia đình bà Bá Huy, con cháu bà vẫn đủ cả đấy nhưng sao trong ánh mắt họ vẫn luôn đượm buồn. Họ phải làm gì để Nhà nước công nhận công lao và giải oan cho một người mẹ đã hết lòng hết dạ vì đất nước?
"Hiện nay, trên diện tích An dưỡng đường cũ chỉ còn nền nhà, rặng tre, cây mít xưa kia. Gia đình bà Bá Huy cũng đã hiến toàn bộ khu đất để xây dựng di tích là trại thương binh đầu tiên. Tạm thời, xã đã làm thủ tục đề nghị tỉnh công nhận di tích và dựng một tấm bia ở khu vực đó".
Ông Phạm Văn Thủy (Chủ tịch UBND xã Lục Ba)
Trần Hòa

Bình luận(0)