Cách đây 30 năm, thung lũng đá mồ côi ở xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) mới chỉ thưa thớt chưa thành hình, thành dạng. Vậy mà giờ đây, ở thung lũng ấy, những khối đá giá cả tỷ bạc không thiếu, cái danh cũng đã lan đi khắp xa gần.
3km đá trên đường quốc lộ
Quốc lộ 6 đoạn qua thung lũng xã Lâm Sơn không dài, chỉ ở chừng mức trên dưới 4km, thế nhưng đã tròn chẵn 3km toàn đá với đá. Những khối đá đủ hình đủ dáng xếp dọc ngang hai bên đường. Từ những khối đá vuông chành chạnh, đến những hòn non bộ kiểu tam sơn tứ kiệt với đủ mọi màu sắc, kích thước.
Nếu như ở đồng bằng, người ta đã quá quen thuộc với những phố đá như ở Thanh Liêm (Hà Nam), hay Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thì Lâm Sơn gần như là đại diện duy nhất cho vùng Tây Bắc với các loại đá cảnh đắt tiền và giàu thẩm mỹ. Có lẽ cũng bởi quan niệm vùng miền mà người ta đặt cho Lâm Sơn một cái tên rất lạ: Thung lũng đá mồ côi.
Đem chuyện cái tên mà người ta đặt ấy hỏi ông Lê Huy Sơn, một đại gia đá nổi tiếng địa phương, lại kiêm chức Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Lâm Sơn, ông Sơn giải thích tỉ mẩn: “Bản thân Lâm Sơn đã là một thung lũng rồi, xung quanh đồi núi bao bọc. Những núi đá to rộng liên kết với nhau như một trường thành, trong khi đó ven hai bên đường là những hòn non bộ. Những khối đá cảnh này được coi là mồ côi, là lẻ loi so với núi đá tự nhiên cho nên cái tên nó cũng gắn với thực tế”.
Theo tổng kết của ông Sơn, ở địa phương bây giờ có rất nhiều người tham gia chế tác non bộ. Nhưng số lượng những chủ hàng đá có tiếng không nhiều, chỉ khoảng 40 hộ mà thôi. Nhưng để so sánh các hộ này với bất cứ một đại gia đá cảnh nào của nơi khác, thì ở Lâm Sơn không ai chịu thua.
Nghề chế tác đá cảnh, non bộ ở Lâm Sơn hình thành khá sớm. Khi các làng đá bây giờ mới chỉ le lói thì Lâm Sơn đã có truyền thống lâu đời. Đến những năm 1980, Lâm Sơn mới thực sự phát triển nghề này và coi đó là nghề kiếm cơm chính của người dân. Người có thẩm mỹ, khéo tay thì ở nhà đục đẽo, trau chuốt hàng. Người có sức khoẻ thì lên núi kiếm những tảng đá đẹp mắt về bán lại.
|
Ông Sơn kể năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Lâm Sơn và rất tâm đắc với tác phẩm “Vịnh Hạ Long”. |
Siêu gỗ lũa
Cũng từ nghề chế tác đá cảnh mà ở Lâm Sơn xuất hiện thêm nghề mới: Sản xuất các vật dụng từ gỗ lũa. Mà nghề gỗ lũa ở đây không giản đơn như nhiều nơi khác, bởi theo trào lưu và sự đẳng cấp nên phải là những thứ hàng độc, khủng mới có thể cạnh tranh với cửa hàng khác cùng địa bàn.
Chúng tôi tìm gặp một thợ lũa có tiếng là anh Bạch Văn Đức, người Mường bản địa. Trong xưởng gỗ lũa của anh, những bộ bàn ghế to bản xù xì với đủ mọi kiểu dáng, kích thước được trưng bày. Mà lũa ở đây không đơn giản chỉ là loại gỗ lũa non, mà tất cả phải đạt độ chín, nghĩa là gỗ phải cứng như đá, thậm chí đá và gỗ phải dính với nhau một cách tự nhiên để chứng minh xuất xứ và độ tuổi của lũa.
Nói rồi anh Đức dẫn chúng tôi đến xem tác phẩm “ông Thọ”. Khối lũa gù hương được tạo tác uốn lượn ở khối râu, tóc nhân vật, nhưng phía dưới là một viên đá xám. Gốc tích của viên đá xám này nguyên là một khúc gỗ hóa thạch cắm sâu vào khối lũa gù hương.
Tuy nhiên, ở Lâm Sơn hai tác phẩm lũa đáng giá tiền tỷ và được dân nhà nghề chú ý nhất là tác phẩm con rùa và con cóc. Mỗi tác phẩm nặng hàng tấn và được chế tác rất công phu bằng gỗ lũa nguyên khối, không có một chút mảnh ghép tạp nào khác.
Tuy nhiên, chủ nhân của đôi tuyệt phẩm này lại không muốn bán. Cũng chỉ vì yêu nghệ thuật, coi tác phẩm như con đẻ nên rất nhiều lần khách đã thỏa thuận giá, thuê xe đến chở, nhưng rồi chủ nhân lại trả lời dứt khoát không bán. Xin khách thứ lỗi, vì đấy là nghệ thuật.
|
Anh Bạch Văn Đức và tác phẩm ông Thọ cùng một mảnh gỗ nhỏ hóa thạch. |
Phiến đá giá 1 tỷ đồng
Cũng giống như đại gia gỗ lũa kể trên, ở Lâm Sơn có hàng chục đại gia đá mà có những tác phẩm, dù khách trả giá cao bao nhiêu chăng nữa, họ cũng không bán. Lý do đơn giản chỉ là do họ yêu thích tác phẩm đó, hoặc vì một lý do cao cả nào đó liên quan đến nghề.
Không nói đâu xa, thợ đá Lê Huy Sơn có một tác phẩm đá mang tên Vịnh Hạ Long. Đó là một phiến đá thạch thư mỏng, ông mua được của một thợ đá vô tình tìm thấy dưới lòng đất vùng Suối Giàng (Yên Bái). Sau khi chế tác mài giũa, phiến đá mới hiện những vân đen trông như một bức tranh về Vịnh Hạ Long.
Tác phẩm được đại diện cho Lâm Sơn “đem chuông đi đánh xứ người”, nhưng đến đâu tác phẩm cũng được ngợi ca và đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải xuất sắc nhất dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; huy chương vàng triển lãm ở Hải Phòng, Bắc Ninh...
|
Tác phẩm gỗ lũa “Con Rùa”. |
Rất nhiều khách nước ngoài đã lặn lội về Lâm Sơn muốn mua tác phẩm này. Trong đó, có vài khách là người Trung Quốc, họ trả giá tới 1 tỷ đồng để được sở hữu. Tuy nhiên, ông Sơn đã không bán. Nhiều lần vợ con ông khuyên nên bán kẻo “đêm dài lắm mộng”, nhưng ông quyết giữ lại.
“Thứ nhất đây là một tác phẩm tự nhiên mà ông trời ban tặng để chỉ về biển đảo Việt Nam. Thứ hai, làm trong nghề đá thì cũng phải biết yêu lấy tác phẩm của mình. Cái gì đáng bán thì rẻ cũng bán, cái gì không thể bán thì tiền tỷ quyết không bán. Tôi nghĩ, cả thế giới họa chăng mới chỉ có phiến đá này có các hoa văn giống Vịnh Hạ Long”, ông Sơn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Lâm Sơn hầu như thợ đá nào cũng dành riêng cho mình một vài tác phẩm. Trong đó, số nhiều là các tác phẩm được chế tác ra từ các loại đá phong thủy như thạch anh, thạch thư, ngọc bích, hồng ngọc và mã não.
“Hiện nay, ở Lâm Sơn thu hút vài trăm lao động phục vụ chế tác đá cảnh và gỗ lũa. Đây cũng là một trong những nghề chủ đạo để phát triển kinh tế ở địa phương. Nhiều người nói nghề giả sơn làm giả ăn thật, vì có khi kiếm được hòn đá bình thường nhưng lãi vài trăm triệu. Điều đó đúng, nhưng cái giá mà thợ đá phải trả là không nhỏ”.
Ông Lê Huy Sơn (Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Lâm Sơn)