Lang thang nhiều ngày dài theo bầy ngựa, quan sát tỉ mẩn cuộc sống của ngựa, đốt rất nhiều tiền vào cọ, màu dầu, cố gắng lột tả cho được “tâm hồn” ngựa...Không phải là một họa sỹ, ông Đức bảo, ông làm tất cả là vì một tình yêu đặc biệt với ngựa. Nếu không vẽ ngựa, ông thấy đời mình vô nghĩa.
Ngựa cũng có tâm hồn
Dù đã được giới thiệu từ trước, tôi vẫn khá ngỡ ngàng khi trong phòng khách nhà ông Trần Huy Đức (Lê Chân, Hải Phòng) giăng đầy tranh ngựa và ngựa.
|
"Xem bức vẽ này, nhiều người bảo, như nghe được tiếng hý đau khổ của chú ngựa mất bạn. Tôi ghét chiến tranh, muốn phản đối chiến tranh", ông Đức nói. |
Một chồng giấy dó cao ngất ở dưới nhà, tôi lật giở định xem, ông cười ngượng nghịu: “Đó là những bản vẽ hỏng của tôi. Nhiều lắm. Cả đống trên nóc tủ kia kìa”. Và chuyện của ông, từ câu đầu tiên, đã là về ngựa.
“Có lần tôi nhìn một chú ngựa đang chở hàng, mình đẫm mồ hôi, xe đã nặng lắm rồi mà chủ vẫn tiếp tục chất thêm đồ lên, bất chợt tôi thấy trong mắt chú nỗi buồn chất chứa của kiếp làm nô lệ. Nhưng, cũng vẫn những chú ngựa đó thôi, trên đồng hoang lại là hình ảnh khác hẳn. Từ tiếng hý, nhịp vó, cách gọi bạn tình...đều như ẩn chứa một khát vọng tự do. Tôi cảm giác, chúng cũng có tâm hồn. Và trong tôi bỗng trào lên một cảm hứng mãnh liệt, phải tìm hiểu về chúng”, ông Đức lý giải cơ duyên dẫn ông đến một tình yêu đặc biệt với ngựa.
Hải Phòng cách đây vài chục năm, vùng ngoại ô nuôi rất nhiều ngựa. Ông Đức bắt đầu lang thang ra các đồng cỏ, đi theo bầy ngựa, có khi cả ngày dài chỉ để quan sát xem cuộc sống của chúng thế nào. “Có bữa, mấy tiếng liền tôi chỉ đứng để ngắm nhìn hai mẹ con ngựa. Chú ngựa con làm nũng, đùa nghịch với mẹ, ngựa mẹ âu yếm, vỗ về con... Tình mẫu tử chẳng khác gì con người. Càng đi, càng tìm hiểu về ngựa, tôi mới hiểu vì sao người ta lại có câu “khuyển mã chi tình”, và càng thấy yêu chúng hơn”.
Đổi bức tranh lấy cành hoa đào
Ông Đức bảo, từ nhỏ ông đã có niềm say mê vẽ tranh. Ông rất muốn thi vào một trường hội họa nào đó, nhưng vì nhà quá nghèo, nên mơ ước đó của ông đành phải gác lại. Nhưng đam mê thì vẫn còn đó. Và từ khi nảy sinh tình cảm đặc biệt với loài ngựa, ông tự nhủ sẽ dành trọn tâm huyết của mình để khắc họa được “tâm hồn” ngựa vào tranh.
Bao nhiêu tiền tích cóp được ông đều đổ vào màu dầu, vào cọ vẽ. Những bức tranh ngựa lần lượt ra đời, mang theo khát vọng của người họa sĩ không chuyên. Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai người đàn ông trụ cột gia đình. Để có thể tiếp tục sống với niềm đam mê của mình, ông quyết định mang tranh đi bán.
“Năm đó cũng là một năm Ngọ, tôi nghĩ mang tranh ngựa đi hẳn sẽ đắt hàng. Chất tranh lên chiếc xe máy cà tàng, tôi phi ra Hà Nội với niềm khấp khởi”, ông Đức bùi ngùi. Nhưng đáp lại mong đợi của ông, chỉ là cái lắc đầu của chủ hàng những Garely bóng lộn, thậm chí họ còn không thèm nhìn tranh của ông. Chỉ có một người duy nhất chịu đợi ông dỡ tranh từ xe xuống, xem rồi từ tốn bảo: “Ông vẽ rất đẹp, có phong cách riêng, nhưng thị trường tranh đang ế ẩm, người chơi nghệ thuật đích thực giờ ít lắm, họ chỉ cần có tranh treo với giá re rẻ là được. Hết năm ngựa lại treo tranh dê, như theo thời trang ấy mà”.
|
Ông Đức bên những đứa con tinh thần muộn mằn của mình. |
“Không bán cho ông chủ đó vì bị trả quá rẻ, từ chối thêm vài người nữa cũng vì chẳng bõ tiền màu, giấy, buồn bã, tôi chất tranh lên xe đi về. Trong lúc tâm trạng u sầu, chẳng hiểu sao tôi lạc tới một xóm nhỏ có phong cảnh đẹp như trong tranh. Trong lúc tôi hỏi thăm đường, một người đàn ông trong ngôi nhà nhỏ bước ra mời tôi vào nhà, thưởng trà, tạm nghỉ chân. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là anh ấy nhận xét đúng ý tưởng từng bức tranh của tôi. Hạnh phúc dâng trào, tôi ngỏ ý tặng anh một bức. Anh chối, bảo nghèo quá, chẳng có tiền đưa lại tôi, rất ngại. Cuối cùng, anh nghĩ ra một cách, là tặng tôi cành đào đang chúm nụ trước sân nhà. Gặp được người tri kỷ, nỗi buồn không bán được tranh chợt nhẹ bỗng trong tôi”, ông Đức rưng rưng.
Nước mắt màu dầu
Sau chuyến đi đó, ông Đức đành tạm chia tay với đam mê của mình, lênh đênh trên những con tàu ngoài biển, đảm nhiệm chức đài trưởng vô tuyến điện, kiếm tiền nuôi vợ con. Giờ ở tuổi 60, nghĩa vụ với gia đình hoàn thành, ông lại quay về với cọ vẽ, và tình yêu với ngựa.
“Khi tôi giở lại những lọ màu dầu, chúng đã khô cả rồi. Tôi cảm thấy nó như giọt nước mắt của tôi, đau xót, nuối tiếc cho một khát vọng đã bị chôn vùi”, giọng ông Đức nghèn nghẹn. Và ông vẽ hối hả, như quên thời gian, như bù lại những tháng năm tuổi trẻ của mình. Ngựa ở Hải Phòng giờ đã hiếm, ông lặn lội đến những vùng xa để lại được ngắm, được chiêm ngưỡng tình yêu của mình.
Tôi hỏi ông Đức, giờ ông có bán tranh nữa không, ông cười: “Có nhiều vị khách nước ngoài tới đây trả giá một số bức của tôi, tôi không bán. Nhưng tôi sẵn sàng tặng cho ai đó thực lòng hiểu được tâm hồn tôi muốn gửi gắm qua tranh”. Tôi nhìn vẻ hào hứng, say sưa, lúc cười sảng khoái, khi lại nghẹn ngào nói về tranh, về ngựa của ông Đức, bất chợt tự nhủ: Có lẽ, đời sẽ vô nghĩa thật, nếu chẳng có một đam mê nào.
“Nhiều người hỏi tôi, vẽ ngựa đã có ông Từ Bi Hồng nổi tiếng thế, ông sao địch được với ông ấy mà vẽ, tôi trả lời họ thế này: Tôi là tôi, tôi vẽ bằng tình yêu của mình, mà tình yêu đâu thể giống nhau”.