Khốn cùng người đàn bà mù có chồng thụ án tù chung thân

Google News

Kể từ ngày chồng mang án giết người, cuộc sống của bà lâm vào cảnh khốn cùng.

Buổi tối định mệnh
Căn nhà nhỏ của bà Lê Thị Năm (SN 1963, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) suốt ngày đóng cửa kín mít. Căn nhà ở con hẻm nhỏ trở nên lạnh lẽo từ khi chồng bà Năm là ông Nguyễn Ảnh Cư (SN 1959) mang án tù chung thân vì tội giết người.
Khi chúng tôi tới, người phụ nữ lớn tuổi dò dẫm từng bước đi khó khăn ra chào những vị khác phương xa. Đó là bà Năm, một người phụ nữ mù sống một mình trong căn nhà xảy ra án mạng.
Dường như đã từ lâu, chẳng có ai hỏi bà chuyện chồng mang án giết người trong chính căn nhà bà đang ở.
Như được mở cõi lòng bà Năm chua xót: “Cũng chỉ vì rượu mà chồng tôi không kiềm chế được, gây ra sự việc đau lòng. Từ khi ông ấy bị bắt, cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn trong căn nhà này. Cuộc sống của tôi cũng nhờ chỉ vào những nắm gạo, chén cơm của hàng xóm”.
Bà Năm lặng người giây lát xua tay rồi lại cau mày, nức nở: “Hai mắt tôi bị mù, bệnh tật liên miên. Tôi không biết khi nào chồng mới về với tôi nữa. Tù chung thân thì khi nào ổng mới về với tôi được hả chú?”.
Nghe câu hỏi ấy mà chúng tôi không khỏi xót xa, chẳng thể nói gì khác là khuyên bà gắng gượng chờ đợi chồng bà cải tạo tốt để giảm án.
Khon cung nguoi dan ba mu co chong thu an tu chung than
Căn nhà bà Năm nơi xảy ra vụ án. 
Cũng chỉ vì mấy chén rượu mà ông Cư đã vô tình đẩy bản thân mình vào chốn lao tù, khiến vợ phải sống trong cảnh khốn khổ, cơ cực. Bà Năm còn nhớ như in cái đêm định mệnh ấy, đêm mà chồng bà gây án rồi dẫn đến cảnh biệt ly đầy nước mắt.
Bà Năm nói trong nỗi khắc khoải: “Hôm đó, vào tối ngày 30/4/2014, chồng tôi đã nhậu với hai người hàng xóm ở sân trước nhà từ chập tối, thì khoảng 22h bỗng dưng Trần Văn T. (SN 1966) tới. Trước đó, ông T. có mượn tiền, nợ gia đình tôi. Lúc ông ấy tới nhà tôi thì đã có hơi men, sẵn thấy mọi người đang ngồi, ông T. kêu sẽ không trả tiền cho chồng tôi. Ông T. còn thách thức chồng tôi muốn làm gì thì làm, kể cả chặt đầu ông ấy”.
“Khi ấy tôi đang nằm võng kế bên nên nghe rất rõ cuộc đối thoại giữa hai người. Thấy thái độ của T. ngang ngược nên chồng tôi đôi co với ông ta. Lúc này, hai người hàng xóm thấy sự việc căng thẳng nên cáo từ về trước, còn ông T. và chồng tôi vẫn cãi cọ nhau dữ dội. Không giữ được bình tĩnh, chồng tôi xuống tay khiến ông T. nằm gục tại chỗ”, bà Năm thổn thức.
“Cuộc sống ở quê buồn bã lắm, mấy người đàn ông chỉ lấy chén rượu giải khuây. Chẳng ai giữ được cái đầu bình tĩnh nên mới xảy ra cơ sự việc đau lòng như vậy”, bà Năm nói thêm.
Một năm sau ngày gây án, ông Cư bị đưa ra xét xử lưu động tại nhà văn hóa xã Tân Thông Hội. Bà Năm được dẫn đến dự phiên tòa mà nước mắt lưng tròng.
Suốt buổi xét xử, bà Năm chỉ có một câu xin giảm án cho chồng, rồi gào khóc thảm thiết. Mọi cặp mắt cảm thông đều đổ dồn vào phía bà Năm, người phụ nữ không người thân đang phải oằn mình trước nghịch cảnh.
Gắng gượng để sống
Căn nhà cấp bốn của bà Năm trống trải gần như không có vật dụng gì có giá trị. Bà bảo giá trị để làm gì, bà cũng chẳng xài gì nhiều, có gì đáng giá, từ ngày ông Cư đi tù bà cũng bán để lấy tiền lo cho cuộc sống, bệnh tật.
“Những ngày đầu ông ấy bị bắt ở đây tối nào tôi cũng cảm thấy khó ngủ, tự nhiên nước mắt lại cứ trào ra, không biết khi nào ông ấy mới được thả. Biết tội của ông ấy nặng nên có lúc tôi tuyệt vọng. Những ngày chờ đợi tòa xét xử, nhiều khi tôi chỉ muốn đêm ngủ thì chết luôn cho rồi nhưng rồi lại nuôi hy vọng gia đình chị H. (vợ ông T.) xin giảm án giúp”, bà Năm tâm sự.
Gia đình ông Cư vốn ở chung với đại gia đình ở quận Tân Bình, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên mẹ của ông Cư mới bán nhà chia tài sản cho các con. Phần ông Cư và bà Năm có được thì mang về Củ Chi mua đất cất nhà rồi còn dư chút ít thì lận lưng nuôi con, an hưởng tuổi già. Vợ chồng ông Cư có một đứa con trai đã có gia đình.
Tuy vậy, cuộc sống của vợ chồng người con trai này cũng khó khăn, nên sau khi cha gây án mạng, người con trai cũng dắt díu vợ đi nơi khác sinh sống.
Bà Năm tâm sự: “Ngày trước hai vợ chồng tôi với đứa con thì vui lắm. Hằng ngày ổng đi làm cơ khí, còn tôi bệnh liên miên với đối mắt mù, nên chỉ ở nhà lo cơm nước cho ổng. Lúc ấy T. sang làm quen với gia đình tôi, thấy T. cũng được tính nên vợ chồng tôi xem T. như em trong nhà. Chồng tôi và T. thường đá gà chơi với nhau, từng tình nghĩa rất thắm thiết.
Đến ngày 24/7/2013 T. qua mượn tiền chồng tôi với lý do khó khăn và được chồng tôi viết giấy cho mượn 30 triệu đồng. T. hứa đúng 5 tháng sau sẽ trả đủ số tiền nhưng cứ bặt vô âm tín, tìm thì khất lần mãi”.
Theo bà Năm, sau khi sự việc xảy ra thì phía gia đình nạn nhân, đại diện là chị H. yêu cầu tiền mai táng 50 triệu đồng, chi phí tổn thất tinh thần là 60 triệu đồng, tiền nuôi ba đứa con chị H. đến 18 tuổi là 120 triệu đồng. Tổng cộng bà Năm phải chi trả 230 triệu đồng cho chị H. Chị H. cũng đồng ý trả lại 30 triệu tiền anh T. đã vay trước đó.
Bà Năm lắc đầu ngao ngán: “Chuyện xảy ra chẳng ai muốn vậy. Hoàn cảnh tôi thế này lấy đâu ra số tiền lớn thế. Kể từ ngày chồng tôi bị bắt, nhiều lần đến miếng cơm tôi cũng phải nương nhờ hàng xóm thương tình. Ở gần nhà tôi có anh Ngọc làm cán bộ xã, lâu lâu thương tình cho tôi vài ký gạo nấu ăn qua ngày”.
Nhiều người trong ấp thấy bà Năm có chồng ở tù, đôi mắt mù lòa, con cái thì xa xứ nên lấy làm thương.
Bà Nguyễn Thị Thắm, hàng xóm của bà Năm cho biết: “Bà ấy đáng thương lắm, suốt ngày cứ lọ mọ dò dẫm từng bước đi. Bây giờ còn khỏe chút, chứ mai mốt yếu đi thì không biết thế nào nữa. Chuyện cũ của gia đình bà ấy thì ai cũng biết, cũng hiểu. Chỉ vì chén rượu mà xảy ra bi kịch đau lòng như vậy.
Nếu không đã không để xảy ra cảnh một người mù lòa sống khốn khổ còn một người phụ nữ khác phải nuôi ba người con thơ dại. Tôi là hàng xóm thì giúp được gì là giúp, chỉ mong sao cho sức khỏe bà Năm luôn tốt là được”.
Bán nhà cũng không ai mua
Bà Lê Thị Năm than thở: “Chồng gây ra án mạng nên buộc tôi phải lo hậu quả. Khi biết số tiền đền bù quá lớn, bản thân tôi lại không cách nào đền bù, nên tôi đã rao bán nhà. Tuy vậy, nhiều người cứ đồn nhau căn nhà có án mạng, chẳng ai dám mua, có người thì lại trả giá rẻ mạt nên cứ lấn cấn mãi. Tôi cũng mong mau hoàn thành để có tiền chi trả cho gia đình chị H., bây giờ tôi cũng chỉ biết nói lời xin lỗi chứ không biết làm gì hơn nữa”.
Mời quý độc giả xem video:
Nguồn Youtube
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)