Các chuyên gia y tế lo ngại, người dân ăn phải loại thực phẩm có chứa chất vô cơ này về lâu dài có thể mắc bệnh dạ dày, đường ruột hoặc sỏi thận...
Đánh tôm bằng xi măng
Một buổi sáng tinh mơ, chúng tôi có mặt tại khu vực ven Hồ Thác Bà, thuộc xã Tân Hương, huyện Yên Bình. Nhiều người dân nơi đây tất bật chuẩn bị men theo bờ hồ, ven các đảo để vớt giỏ tôm, tép. Điều đáng nói là trong mỗi giỏ tôm đều có một cục mồi làm bằng cám trộn cá mương và xi măng.
Ông Hoàng Văn Lành, Phó Chủ tịch xã Tân Hương giải thích: "Cách đây mấy chục năm, người dân sống quanh Hồ Thác Bà đánh tôm bằng mồi là củ sắn nướng. Hồi đó nguồn lợi thủy sản còn nhiều, chỉ cần đưa củ sắn nướng vào giỏ đợi hôm sau đi vớt thì tôm đã vào chật ních. Nhưng lượng tôm ngày càng ít. Người dân lại nghĩ cách nghiền bột sắn trộn với cám gạo và cá mương làm mồi.
Thế nhưng, điểm yếu của loại mồi này là tan rất nhanh. Việc đánh bắt thủy sản gây ra chi phí quá cao vì phải mua cám gạo, bột sắn, cá mương. Sau đó, không biết người nào đã nghĩ ra cách làm mồi tôm bằng xi măng. Theo đó, người ta trộn xi măng cùng với bột sắn, cám gạo và cá mương rồi nặn thành viên to nhỏ tùy kích cỡ giỏ. Loại mồi này rất lâu tan, một viên mồi bằng nắm tay có thể dùng được trong vòng 5 - 7 ngày".
|
Thương lái Trần Văn Trường thu mua từ 60 - 100kg tôm/1 ngày. |
Lần theo bờ Hồ Thác Bà, chúng tôi gặp bà Trần Thị Nhân ở thôn Khe Gầy, xã Tân Hương đang vội chế biến mồi tôm để kịp cho cho việc đánh bắt sẽ diễn ra vào buổi chiều. Bà Nhân thành thật bảo: Người dân quanh Hồ Thác Bà đã sử dụng loại mồi tôm bằng xi măng này suốt hơn 20 năm nay. Không rõ ai là người đã nghĩ ra loại mồi này. Nhưng từ khi nó ra đời đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình bởi độ tiết kiệm và hiệu quả hơn rất nhiều lần so với mồi truyền thống.
Công thức chế biến mồi tôm cũng khá phức tạp. Đầu tiên, người ta phải nghiền bột sắn, cám gạo, cá mương và xi măng. Sau đó cho nước với tỷ lệ vừa phải để nặn thành viên to như quả cam hoặc nhỏ hơn tùy vào kích cỡ giỏ. Nặn viên xong lại bỏ vào nồi luộc. Đun sôi khoảng 30 phút thì mồi có chứa xi măng nổi lên mặt nước như bánh trôi. Sau đó người dân sẽ vớt ra tráng qua nước lạnh để giữ độ cứng rồi mới cho vào giỏ đánh tôm.
Theo bà Trần Thị Nhân thì tỷ lệ xi măng/cám thích hợp nhất là cứ 1kg cám thì trộn với 5 lạng xi măng. Với tỷ lệ này thì có thể dùng mồi được đến 7 ngày liền.
|
Người dân ven Hồ Thác Bà đã đánh tôm bằng mồi xi măng từ chục năm nay. |
Hà Nội là thị trường tiêu thụ chính
Xuyên qua màn sương giăng xóm núi, chúng tôi tình cờ gặp thương lái Trần Văn Trường đi trên một chiếc xuồng máy cỡ lớn. Trên xuồng được bố trí hai bể nước lớn và các giỏ lưới chứa tôm. Gần khoang máy là hầm chứa cám và cả bao tải xi măng để bán cho ngư dân ven hồ.
Trường chậm rãi dọn dẹp lưới, vây và các đồ dùng lỉnh kỉnh trên xuồng. Với vẻ mặt mệt mỏi, ủ rũ, Trường tiết lộ về công việc: "Mấy hôm nay làm ăn kém quá anh ạ. Lượng tôm thu được ít hơn so với mấy ngày trước. Chẳng hiểu làm sao!".
Ở khu vực xã Tân Hương có 2 thương lái thu mua tôm, cá là Trường và một người nữa. Mỗi thương lái một ngày thu mua được 70 - 100kg tôm, sau đó đem đến chợ cá Mông Sơn hoặc Cẩm Nhân bán trực tiếp cho các xe đông lạnh đem về Hà Nội. Hiện tại, 1kg tôm được thương lái thu mua từ 50.000 - 60.000đ. Sau khi bán lại cho các lái buôn Hà Nội, mỗi thương lái thu lãi khoảng 1 - 2 triệu đồng/ngày.
|
Xi măng được người dân mua lại từ các thương lái với giá 1.500đ/kg. |
Theo thương lái Trần Văn Trường thì ngoài khâu bao tiêu tôm cá của người dân ven hồ, các thương lái còn cung cấp luôn nguyên liệu là xi măng và giỏ để người dân đánh tôm. Trên xuồng máy của Trường lúc nào cũng có nửa bao tải xi măng và các túi cám có trọng lượng 1 - 3/kg/1 túi để tiện bán cho dân. Ngoài ra, thương lái còn cung cấp cho dân luôn cả giỏ tôm.
Theo tiết lộ của Trường thì người dân ở đây nhà ít cũng có độ 100 giỏ, nhà nhiều thì mấy ngàn giỏ. Có hai phương pháp bắt tôm là rải giỏ ven bờ và đánh dây, có nghĩa là người ta nối hàng ngàn giỏ với nhau bằng một sợi dây thừng. Khi đi vớt họ sẽ nhấc dây lên, đổ tôm ra thuyền rồi lại thả xuống nước. Phương pháp đánh bắt theo dây chỉ dùng cho những hộ đánh bắt quy mô lớn.
|
Mồi xi măng gồm cám gạo + bột sắn + cá mương + xi măng. |
Gây bệnh dạ dày, sỏi thận
Theo nhiều chuyên gia y tế thì việc sử dụng mồi tôm bằng xi măng về lâu dài sẽ gây hại cho sức khoẻ con người. Bởi xi măng là chất vô cơ, không thể tiêu hóa trong ruột, dạ dày. Nếu ăn nhiều tôm, tép được đánh bắt bằng mồi xi măng sẽ gây hại cho dạ dày và thận.
PGS.TS Nguyễn Huy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chất vô cơ lẽ ra phải không bao giờ được dùng vào việc chế biến thực phẩm ăn, uống. Có thể hiểu một cách đơn giản về quá trình sản xuất xi măng là vôi nung nóng cộng với một số loại hóa chất khác, khi gặp nước sẽ đông cứng trở lại thành đá. Khi người ăn phải xi măng thì sẽ không tiêu hóa được. Nếu để tích tụ với số lượng lớn có thể gây ra bệnh dạ dày và kể cả sỏi thận.
|
Mồi tôm được nặn thành viên sau đó đem luộc như bánh trôi, bánh chay. |
Tuy nhiên, BS Hoàng Xuân Đại, nguyên là chuyên viên của Bộ Y tế lại cho rằng: "Khả năng chất xi măng gây hại cho cơ thể là có nhưng thấp. Thành phần chủ yếu của xi măng là clinke Portland chiếm tỷ lệ 95 - 97% và thạch cao chiếm tỷ lệ 3 - 5%. Ngoài ra có thể thêm 1 số thành phần phụ như xỉ lò cao, than tro...
Thông thường, trong clinke, thành phần phần trăm theo khối lượng của các khoáng vật thay đổi như sau: Alit: 3CaO.SiO2 (C3S) chiếm 60 - 65%. Belit: 2CaO.SiO2 (C2S) chiếm 20 - 25%. Celit, 3Cao.Al2O3 (C3A) chiếm 4 - 12%. Alumino-Ferit: 4CaO.Al2O3.Fe2O3 (C4AF) chiếm 1 - 5% (7 - 14%). Để tạo clinke người ta dùng nguyên liệu: Đá vôi giàu CaCO3, đất sét, quặng sắt (nếu cần). Tỷ lệ được phối trộn thay đổi theo từng loại xi măng.
Theo BS Hoàng Xuân Đại thì những chất vô cơ này nếu có đi vào cơ thể thì cũng với số lượng ít và sẽ được thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Nếu người dân sử dụng trong thời gian dài thì khả năng tích tụ mới xảy ra. Tuy nhiên, những chất kể trên nếu đi vào cơ thể qua đường thở lại cực kỳ độc hại, gây ra các bệnh về phổi...
"Việc người dân dùng mồi tôm bằng xi măng trộn với cám chúng tôi có nắm được. Mỗi năm, Hồ Thác Bà cung cấp cho thị trường từ 1.000 - 1.500 tấn tôm, cá các loại. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra về độ an toàn của loại mồi này và đưa ra hướng dẫn cụ thể cho ngư dân ven Hồ Thác Bà".
Ông Nguyễn Ngọc Thắng (Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái)