Công nghệ tàu thủy Việt Nam: Từ Yết Kiêu tới Trường Sa

Google News

(Kiến Thức) - Ông Trịnh Xương, nguyên Viện trưởng Viện KH&CN tàu thủy Việt Nam chia sẻ với Kiến Thức về công nghệ đóng tàu nhân dịp năm mới 2015. 

Việt Nam là quốc gia có nhiều kênh rạch, với đường bờ biển dài nên công nghệ tàu thuyền phát triển rất sớm. Hình ảnh con thuyền trên trống đồng hay các chiến thuyền thời Hai Bà Trưng trong nhiều trận chiến với chiến thắng lẫy lừng đã chứng minh điều đó. Không lạ khi mọi sự vật đều được người ta gọi bằng “cái”, trừ “con thuyền, con đường”.
Lý lẽ của mẹ Âu Cơ
Ông Trịnh Xương, nguyên Viện trưởng Viện KH&CN tàu thủy Việt Nam nhớ lại: “Năm 1977, tôi có làm 1 trong 32 đề tài trọng điểm cấp nhà nước về ngành tàu thủy. Để có nền kinh tế mạnh thì phải có đội thương thuyền mạnh cộng với nghề cá phát triển. Muốn vậy thì phải có nền công nghiệp đóng tàu mạnh. Tôi cho rằng, nhìn lại cách phân công lao động của mẹ Âu Cơ thì thấy tính hợp lý của nó: 50 con lên rừng, 50 con xuống biển. Điều này quan hệ đến việc hình thành đất và nước của chúng ta. Các quốc gia khác gọi đất nước là tổ quốc, quốc gia... nhưng chúng ta gọi là nước Việt Nam. Nguồn gốc của chữ “nước” ở đâu? Tôi và GS Trần Quốc Vượng là bạn học, tôi có tham khảo ý kiến của GS và đồng ý thống nhất rằng dân tộc ta đi từ nước mà lên. Thành ra đất và nước gắn với nhau. Huyền thoại mẹ Âu Cơ có ý dặn dò là phải giữ lấy đất và nước. Tôi vẫn hay nói đùa, mọi vật trên đời chúng ta đều dùng từ “cái”, nhưng chỉ có 2 cái chúng ta gọi bằng con là “con thuyền” và “con đường”.
Cong nghe tau thuy Viet Nam: Tu Yet Kieu toi Truong Sa
 Ông Trịnh Xương - một trong những người đi đầu đưa nền công nghiệp tàu thủy từ những chiếc thô sơ nhất đến những con tàu hiện đại nhất.
Ông bắt đầu câu chuyện kể về lịch sử những con thuyền ở Việt Nam như vậy. Là một trong những người đi đầu đưa nền công nghiệp tàu thủy từ những chiếc thô sơ nhất đến những con tàu hiện đại nhất, ông Trịnh Xương luôn giữ lại những ký ức về những ngày khốn khó, đi lên từ con số không của ngành đóng tàu. Ông cho rằng, không bỗng dưng mà người Việt Nam hay gọi công nhân là “thợ thuyền”. Những người thợ đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là những người thợ đóng thuyền. Từ thời Bà Trưng Bà Triệu đã có những chiến thuyền. Những trận chiến có tính bước ngoặt đều là những trận chiến ở trên nước. Có thể kể đến như trận Bạch Đằng, trận đánh của Lý Thường Kiệt vào nước Chiêm Thành với hàng ngàn chiến thuyền, Quang Trung đánh 4 vạn quân Xiêm... Từ thời ông Yết Kiêu lặn để khoan thủng thuyền của địch đến những chiếc thuyền ngày nay cho thấy vai trò của tàu thuyền đối với người Việt như thế nào.
100 năm ngủ yên
Theo ông Trịnh Xương, người Việt sống trên sông nước nên ý thức bảo vệ nước rõ ràng, đa phần rất thạo về nước. Tàu thuyền đa phần chỉ là phương tiện thô sơ, tự tạo, người dân tự làm bằng kinh nghiệm, nhưng từ lúc đó, ông cha ta đã tính toán rất kỹ càng các thông số kỹ thuật vô cùng chính xác. Đáng buồn là trong suốt gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, công nghệ tàu thuyền đã bị hạn chế một cách quyết liệt. “Tôi có một người bạn làm ở phòng kỹ thuật của xưởng đóng tàu Ba Son. Ông ấy kể rằng những bản vẽ, những tính toán của người Pháp về tàu thuyền là người Việt không bao giờ được tiếp cận. Họp hành xong là họ hủy hết tài liệu. Có lần ông ấy phải tìm trong thùng rác các bản tính toán thiết kế trọng lực con tàu đã bị xé rồi ghép lại để đọc. Phải sau năm 1954, sự phát triển tàu thuyền ở Việt Nam mới bắt đầu được khởi động, nhưng bắt đầu từ con số không”, ông chia sẻ.
Tàu thuyền Việt Nam có đặc trưng riêng để phù hợp với vùng biển, không giống tàu thuyền ở bất kỳ quốc gia nào. Ngay cả trong nước, thiết kế tàu thuyền ở mỗi vùng cũng khác nhau. Thuyền được thiết kế làm sao để có thể nhảy sóng, di chuyển nhanh, phù hợp với luồng lạch, biển. Tàu thuyền đa phần có thiết kế rất nhỏ, dài, gầy, nhảy sóng như con cóc nhảy nên rất tiện dụng, mũi có thể cất lên được, trông như chiếc lá tre. Hình dáng quyết định tốc độ của con tàu. Người Việt thủa xưa đóng tàu không theo bản vẽ, cũng chẳng theo thiết kế nào mà do người thợ cả chỉ huy hết. Nhưng độ chính xác thì không có gì phải bàn.
Vậy là Việt Nam mất một thời gian dài không phát triển công nghiệp đóng tàu. 100 năm ngủ yên đó khiến cho nền công nghiệp đóng tàu Việt Nam có một bước lùi khá sâu nhưng nghề đóng tàu vẫn cứ phát triển. Chỉ có điều những bậc tiền bối trong nghề phải chịu những giai đoạn khá khốn khổ.
Giai đoạn sau đó, tất cả các tàu bè bị người Pháp đem đi hết, cảng trống trơn. Hồi phục ngành vận tải đường thủy bằng con số không. Chúng ta liền lấy những con tàu cũ nát để sửa lại. Những con tàu đắm bị cát vùi lấp được đào lên và sửa lại, hai con tàu đầu tiên được đào lên là con tàu Khâm sai đại thần và tàu Neo. Chúng tôi trực tiếp sửa, thiết kế lại làm tàu lai dắt. Rồi làm tàu chở khách, tàu chở hàng... Từ một nhóm những người được đào tạo ở nước ngoài về chuyên ngành tàu thủy, chúng tôi dần dà thành một trung tâm, rồi tôi thành lập viện Nghiên cứu và Thiết kế Tàu thủy. Giai đoạn đó, vì công nghệ trong tay không có gì, chúng ta đi mua từng phân đoạn ở nước ngoài về để lắp ráp thành những con tàu, kể cả xà lan. Cho đến nay, công nghệ đóng tàu ở Việt Nam đã khá phát triển, đã có thể đóng được những con tàu nhiều vạn tấn để vươn xa ra quốc tế.
“Người không số” thiết kế con tàu không số
Nhớ lại về con tàu không số đi vào lịch sử, ông Trịnh Xương cho biết, đó là vào lúc đầu năm 1961. Chiến trường miền Nam đang vô cùng khốc liệt với sự leo thang quân sự của Mỹ - Ngụy. Địch đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn nhằm chặt đứt mọi con đường tiếp viện của quân, dân ta từ miền Bắc vào. Tình thế cấp bách đặt ra yêu cầu phải làm sao phải thiết kế được một loại tàu có khả năng đáp ứng được yêu cầu của chiến trường. Đó là con tàu có trọng tải trăm tấn, chạy trên biển, chở được vũ khí hạng nặng, chịu được sóng gió cấp 8 - 9, lượng nhiên liệu phải đủ để có thể chạy 20 - 30 ngày, chở ít nhất được một tiểu đội tương đương 12 thuyền viên nhưng phải nhỏ gọn. Tàu đó đi ra ngoài hải phận, ven bờ đều an toàn, chạy nhanh...
Ông Trịnh Xương đã cùng các kỹ sư Lương Văn Triết, Đào Văn Hùng, Đinh Ngọc Liễn... thức trắng nhiều đêm loay hoay tìm lời giải cho hình dáng, kết cấu của con tàu. Những tiêu chuẩn về hình dáng con tàu phải nhỏ gọn, chịu được tải trọng hàng trăm tấn, liên tục thực hiện nhiệm vụ hàng hải trong cả tháng trời, tính hàng hải ổn định, chịu được lắc ngang, lắc dọc mà vẫn giữ được tốc độ khoảng 10 hải lý (18km/giờ)... quả không dễ dàng gì trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Sau hai tuần ông Trịnh Xương cùng các đồng nghiệp đưa ra phương án về thiết kế con tàu 100 tấn. Thiết kế tuyến hình được chuyển khẩn cấp đến Xưởng đóng tàu số 3 (Hải Phòng) thực hiện. Cấu tạo chung của con tàu bao gồm 3 hầm (1 hầm lái và 2 hầm hàng). Công việc được triển khai nhanh, từ xưởng đóng tàu này, 6 chiếc tàu 100 tấn đã lần lượt ra đời. Những chiếc tàu không số đã đi vào lịch sử từ đó.
Ngày nay, làm sao để ngư dân bình thường là người đánh cá, nhưng có chiến tranh thì họ là chiến sĩ đứng đầu sóng ngọn gió xông pha trận mạc. Chúng ta đã có một thời kỳ phát triển quá thiên lệch, chỉ nhìn thấy “đất” mà không nhìn thấy “nước”. Trước đây, giao thương hàng hải phát triển rất tấp nập, người ta đi lại giữa tỉnh này với tỉnh kia bằng thuyền hết. Nhưng dần dà, chúng ta đã bỏ quên điều đó. Sơ xuất đó sẽ dẫn đến những hậu quả lớn. Câu chuyện về Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 lên vùng biển chủ quyền của Việt Nam khiến chúng ta phải suy nghĩ về mức độ quan tâm của mình đối với “nước”, đối với ngư dân. Nhưng quan tâm phát triển cũng phải có tầm nhìn, chiến lược.
Mới đây, dư luận quan tâm nhiều đến tàu ngầm Trường Sa do doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) chế tạo. Theo ông Trịnh Xương, đây không phải là một ý tưởng mới, nhưng nó thu hút sự chú ý bởi người làm ra nó là một dân thường, không phải là nhà khoa học được đào tạo bài bản mà lại làm ra tàu ngầm. Để làm ra được một con tàu hoàn thiện, cần đến rất nhiều khâu khác nhau từ thiết kế đến công nghệ, một cá nhân không làm được. Dù sao thì sáng tạo này cũng rất đáng khuyến khích.
Tô Hội

Bình luận(0)