Chuyện sau sân khấu của những chú khỉ làm xiếc

Google News

(Kiến Thức) - Trong Đoàn xiếc T.Ư, xiếc khỉ được nhiều người yêu thích nhất nên những chú khỉ cũng đắt sô và làm việc hết công suất nhất.

Thế nhưng, để có được vài phút tỏa sáng trên sân khấu, các chú khỉ cũng như nghệ sĩ huấn luyện phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để tập luyện, thậm chí đổ cả máu.
Bị loại khỏi đoàn xiếc vì… ngu
Chúng tôi gặp nghệ sĩ Chí Quang, người thực hiện chính xiếc khỉ của Đoàn xiếc T.Ư sau khi anh cùng đàn khỉ 8 con của mình tập luyện. Anh bảo, mệt lắm nhà báo ơi, nhưng cũng vui và hạnh phúc vì sau mỗi đêm biểu diễn thành công. Vì thế, anh không thể không nói đến cuộc sống xung quanh những chú khỉ… thành tài này.
Là một người có 35 năm kinh nghiệm trong biểu diễn xiếc thú, trong đó hơn 33 năm biểu diễn xiếc khỉ, anh bảo, gia nhập đoàn xiếc là những chú khỉ thông minh, nhanh nhẹ, mặt mũi xinh xắn và chân tay phải nguyên vẹn không có tật. Chỉ số thông minh của khỉ được nghệ sĩ Chí Quang nhận biết thông qua kinh nghiệm mặt và hành động của nó. Anh đã từng sa thải rất nhiều con khỉ vì… ngu, càng tập càng kém hoặc tập mãi không được một động tác.
Nghệ sĩ Chí Quang, người có hơn ba mươi năm biểu diễn xiếc khỉ. 
Tuổi tập xiếc thường bắt đầu từ 1 - 2 tuổi, bởi ở độ này, khỉ giống trẻ con trong sáng như tờ giấy trắng, dễ bảo nên dạy động tác nhanh hơn. Tuy nhiên, dạy khỉ lại vất vả hơn trẻ nhỏ rất nhiều, do khỉ không nói được tiếng người, ương bướng, phải ép buộc.
Nghệ sĩ Chí Quang kể, để có được tiết mục trồng cây chuối, anh phải dốc ngược người khỉ, dùng hai chân mình giữ hai tay, còn hai tay mình cầm hai chân khỉ để giữ thẳng. Bản thân khỉ mỏi nên giằng co càng lúc càng mạnh nhưng người tập cũng không sung sướng gì vì… phải gồng mình giữ chặt để chúng khỏi dãy giụa. Hay tiết mục khỉ đạp xe khiến tất cả trẻ nhỏ mê tít nhưng rất vất vả. Muốn khỉ chịu ngồi lên xe phải dùng gông để giữ và ép buộc. Sau thời gian khỉ làm quen mới đến bước rèn hai chân đặt lên pedan và hướng dẫn cách đạp xe. “Chúng tôi hay dùng từ chuyên môn để chỉ quá trình luyện tập là thồ xe đạp hay còn gọi là dắt cho khỉ tập lái. Quá trình tập này rất vất vả, phải có sự kiên nhẫn, tận tụy và chịu khó. Mỗi ngày phải chạy theo và dắt khỉ hàng trăm vòng trên sân tập. Những con khỉ thông minh có thể hoàn thành trong một tháng, nhưng có con phải kéo dài đến 6 tháng mới thành công”, nghệ sĩ Chí Quang cho hay.
Tuổi tập xiếc của khỉ thường bắt đầu từ 1 đến 2 tuổi. 
Đổ máu trên sàn tập, rơi nước mắt khi khỉ chết
Khi nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong việc huấn luyện khỉ, nghệ sĩ Chí Quang không thể không nhớ đến máu và nước mắt. Anh chia sẻ, khi không đồng ý khỉ rất bướng bỉnh, nhiều con rất hung dữ nên người huấn luyện bị cắn… rất dã man. Khắp người anh, từ chân đến tay đều có dấu vết của khỉ cắn, nhất là chân chằng chịt vết sẹo. Nhưng kỷ niệm lớn cũng là cú đau nhất khi bị khỉ cắn ở cổ tay phải khâu 8 mũi. Lần đó, con khỉ to được anh luyện tập nhưng một mực cưỡng lại, sau khi mắng không được anh lại gần thì bị cắn vào cổ tay, máu chảy nhiều. Tại bệnh viện anh vẫn phải cười tươi và nhờ bác sĩ khâu sao cho đẹp nhất vì hàng vạn khán giả sẽ nhìn vào cánh tay này. Đến nay vết sẹo rất mờ, dài như sợi chỉ luôn khiến anh nhớ mãi mỗi khi nhìn vào.
Nhưng, anh cũng từng rơi nước mắt vì khỉ không ít lần. Anh bùi ngùi kể, khỉ với anh cũng như con, gắn bó hàng chục năm trời. Nhiều chú khỉ thông minh lại tình cảm nên được anh yêu thương hết mực. Trước đây chú khỉ tên Vàng luôn khiến anh cảm thấy như một con người vì thông minh đến mức chỉ cần tập vài ba lần là đã thành thạo các động tác. Nhưng sau này Vàng bị bệnh lồng ruột và chết, anh rất thương tiếc khi phải đặt nó vào hòm và chôn cất. Anh cũng không quên thắp nén hương thơm để tỏ lòng thương nhớ nó.
 
Ngoài ra, lần chia tay vĩnh viễn với một con khỉ mẹ bị băng huyết sau khi sinh cũng khiến anh rơi nước mắt. Anh bảo, khỉ đẻ con rất bản năng và sẽ tự xử lý hết máu, vết thương hay ăn cả nhau thai. Nhưng con khỉ mẹ lần này của anh đẻ con to, bị băng huyết dẫn đến kiệt sức và chết. Đây là con khỉ thông minh, có tài, làm được nhiều động tác, nhất là khỉ con mới sinh xinh xắn, đáng yêu không có khỉ mẹ chăm sóc làm anh thêm xúc động.
Hình phạt và tình yêu thương
Nghệ sĩ Chí Quang chia sẻ, những nhà bảo vệ động vật rất phản đối việc đánh thú, nhưng nếu cùng làm nghề mới hiểu được nếu không có kỷ luật thì không thể thành công. Để có một phút trên sân khấu, người huấn luyện phải dùng những kỷ luật nghiêm khắc. “Bạn hãy tưởng tượng, khi bé chỉ chơi thì mỗi khi gọi khỉ sẽ chạy theo ngay, nhưng qua tập luyện không bao giờ gọi các “bạn” ấy đi theo. Đó cũng là lý do vì sao luôn phải dùng dây kéo theo một cách ép buộc”, anh tâm sự.
 
Nhưng sau những kỷ luật đó là tình yêu thương vô bờ bến của người nghệ sĩ dành cho những con thú cưng của người nghệ sĩ. Khỉ không khác gì trẻ con nên sau mỗi khi mắng lại phải dỗ dành bằng những lời mềm mỏng như “yêu lắm, thương lắm” cùng những cái xoa đầu để chúng cảm thấy được cưng nựng, yêu thương, vỗ về. Nếu không yêu chiều, khỉ sẽ xa cách và bướng bỉnh hơn.
“Điều quan trọng nhất của công việc huấn luyện là yêu và gần gũi con thú. Nếu con người thiếu tình cảm, chỉ đánh chúng thì không lôi kéo được chúng lại gần mình. Điều thứ hai là phải rất kiên trì. Đôi khi tôi cũng rất bực tức vì các bạn ấy không nghe lời. Nếu điên lên có khi tôi đánh nó chết mất, vì thế sự kiễn nhẫn là liều thuốc khiến tôi phải kiềm chế tất cả. Có những lúc, ngày giận nhưng tối về không ngủ được mà nằm suy nghĩ để thay đổi cách tập sao cho khỉ làm dễ nhất”.
Theo nghệ sĩ Chí Quang, điều quan trọng nhất của công việc huấn luyện là yêu và gần gũi con thú. 
Miễn dịch theo… khỉ
Một điểm ít người biết là sức đề kháng của khỉ rất tốt. Nhưng mỗi khi ốm sẽ rất nặng và dai dẳng. Hai bệnh khỉ thường gặp là viêm phổi và đau khớp gối. Lúc này, khỉ sẽ được các bác sĩ thú y chuyên nghiệp của đoàn xiếc chăm sóc và chữa bệnh. Nhưng mỗi khi bệnh, khỉ cũng như người luôn mong muốn và cần được chăm sóc, chia sẻ. Nghệ sĩ Chí Quang cho hay, mỗi khi khỉ ốm người chăm sóc luôn bên cạnh, thậm chí cả đêm ở cạnh nó, đốt lửa để làm ấm cơ thể khỉ.
Đặc biệt, khỉ biểu diễn xiếc thường xuyên phải tiêm văcxin phòng bệnh cho khoảng 15 loại virus. Chính nhiều virus và bệnh tật nên nghệ sĩ hạn chế cho trẻ nhỏ gần gũi khỉ. Mỗi lần đi biểu diễn ở nước ngoài phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng bệnh. Bản thân anh, sau hơn 30 năm sống cùng đàn khỉ nên nghĩ mình cũng bị nhiễm những virus đó nhưng lại may mắn có sức đề kháng các bệnh này không khác gì chúng. Đây cũng là một trong những lý do, ngoài tiền lương nghệ sĩ xiếc thú còn được lĩnh thêm tiền… độc hại.
Bên cạnh việc tập luyện thì chăm sóc bữa ăn và sức khoẻ cho khỉ rất quan trọng. Khỉ có người phục vụ ăn uống, chăm lo sức khoẻ riêng và nghệ sĩ Chí Quang là người giám sát. Mỗi ngày, khỉ đều ăn gần giống người với một nắm cơm to hơn quả bàng, một quả chuối cùng rau xanh, hoặc thêm xương. Mỗi một tuần đàn khỉ 8 con được cấp 6 hộp sữa ông thọ và một quả trứng luộc cùng mấy cân đường. Ngoài ra, các chú khỉ còn được nghệ sĩ Chí Quang thường xuyên bồi dưỡng thêm hoa quả và… trứng vịt lộn. Nghệ sĩ đôi khi ví von, những hôm đi công tác, chế độ ăn của khỉ tốt hơn nghệ sĩ, vì khỉ là diễn viên chính, nghệ sĩ huấn luyện chỉ ăn theo.
Hiền Dung

Bình luận(0)