Những ngày cận Tết, nữ phi công Vũ Mai Khanh của hãng hàng không Vietnam Airlines vẫn tất bật với những chuyến bay.
Từ ngờ vực tới đam mê
Khuôn mặt tươi rói, tràn đầy năng lượng, Mai Khanh hào hứng kể về hành trình trở thành nữ phi công khi cô bắt đầu quá trình huấn luyện cơ bản vào đầu năm 2020.
“Việc lựa chọn đi học phi công của em xuất phát từ sự cổ vũ của gia đình. Em có bố là một phi công trong hàng ngũ Không quân nhân dân Việt Nam.
Có lẽ vì hiểu tính cách, sở thích của em và cũng hiểu về nghề, bố em thực sự tin đây là nghề nghiệp phù hợp nhất với em, nhất quyết cổ vũ em đi học và “thử” đi theo con đường của bố, dù chính bản thân em còn nhiều điều lo lắng, ngờ vực bản thân không đủ khả năng… Trong khi đó, chỉ riêng chữ “thử” đã yêu cầu sự đầu tư rất lớn cả về kinh tế lẫn thời gian.
Tuy vậy, em vẫn nghe theo bố, đăng ký đi học phi công ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Em đã sang Úc học tập sau khi vượt qua các vòng kiểm tra tiêu chuẩn phi công”, Mai Khanh chia sẻ.
|
Mai Khanh trong những ngày học bay tại Úc
|
Theo Mai Khanh, chỉ sau chuyến bay tập đầu tiên, từ giây phút máy bay bồng bềnh trên bầu trời, nghề phi công đã thực sự trở thành lựa chọn của chính bản thân cô.
“Chuyến bay đầu tiên với em vô cùng đáng nhớ, từ đó nghề phi công là đam mê của em. Sau hơn 1 năm huấn luyện, đến giữa năm 2023, em đã chính thức trở thành phi công thương mại của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines”, Mai Khanh nói.
Phi công là ngành đặc thù, công việc đòi hỏi yêu cầu cao, hay phải xa nhà, thời gian không cố định, đặc biệt là những chuyến bay đêm không được ngủ… nên thường phù hợp hơn với nam giới. Tuy nhiên, Mai Khanh đã phá vỡ những định kiến, vượt qua những lo lắng cá nhân để thỏa sức chinh phục bầu trời.
Mai Khanh chia sẻ, nhiều người khi biết cô lựa chọn nghề phi công đều thắc mắc “nữ giới gặp khó khăn gì hơn so với nam giới?”.
Cô cho rằng: “Nghề phi công có những thách thức rất riêng, nhưng ai lựa chọn nghề đều đã rõ và xác định từ trước. Đó là những thử thách chung chứ không phân biệt giới tính, có chăng chỉ là những điều nhỏ nhỏ mà con gái mới để ý như tóc và da sẽ khô hơn trước.
Tuy nhiên, những bất cập này đều có thể cải thiện bằng việc chăm sóc bản thân cẩn thận hơn. Cá nhân em cho đến thời điểm hiện tại không gặp phải những vấn đề liên quan đến khác biệt về giới tính.
Cơ hội được trao cho tất cả những ai đáp ứng đủ tiêu chuẩn và yêu cầu nghề nghiệp. Bản thân em may mắn vì sau khi hoàn thành huấn luyện đã được trở thành phi công đội bay A350 của Vietnam Airlines”.
Sau buồng lái luôn có hơn 300 người dõi theo
Trong suốt buổi trò chuyện, Mai Khanh nhiều lần nhắc đến chuyến bay đầu tiên khi cô ngồi trên máy bay huấn luyện cơ bản tại trường bay vào tháng 3/2020.
“Với bất cứ phi công nào thì chuyến bay đầu tiên cũng chính là chuyến bay khó quên nhất.
Em rất thích câu nói của Leonardo da Vinci: "Một khi bạn đã nếm trải chuyến bay, bạn sẽ mãi mãi bước đi trên Trái Đất với đôi mắt hướng lên bầu trời, vì bạn đã ở đó và bạn sẽ luôn khao khát được quay trở lại", bởi tất cả những tưởng tượng của bản thân khi còn trên mặt đất đều không sánh được với cảm giác thực khi lần đầu trải nghiệm tự mình bay lượn trên bầu trời", Mai Khanh nói với ánh mắt loé lên niềm vui sướng.
|
Mai Khanh (thứ 4 từ phải sang) trong hàng ngũ phi công Vietnam Airlines.
|
Đến nay, sau 4 năm kể từ khi học bay trên chiếc máy bay nhỏ bé, Mai Khanh đã hoàn toàn làm chủ những "chim sắt khổng lồ”. Trong đó, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên mà cô được làm chủ trên buồng lái là từ Hà Nội - Sydney (Úc).
“Bên cạnh những cảm giác căng thẳng, háo hức lúc ban đầu thì cảm giác nhớ nhất là giây phút em nhận ra từ nay về sau mỗi khi đi bay sẽ đều có hơn 300 người ngồi sau buồng lái. Trách nhiệm đấy mà cũng vô cùng tự hào!”, Mai Khanh kể.
Tết đầu tiên đón Giao thừa trên bầu trời
Trừ những năm du học ở Úc, năm nào Tết đến cũng là thời gian Mai Khanh dành trọn thời gian bên gia đình. Vì vậy, những kỷ niệm ngày Tết của nữ phi công trẻ luôn gắn với gia đình, gắn với Hà Nội.
Năm nay, khi nhận lịch bay Tết, thấy mình có chuyến bay cất cánh 20 phút trước Giao thừa, Mai Khanh vừa tò mò vì đây là trải nghiệm mới trong năm đầu trở thành phi công thương mại, cũng vừa buồn một chút vì không được đón năm mới bên gia đình.
“Tuy nhiên, đây cũng là cảm xúc mà em sẽ phải tập quen dần, vì với phi công thì không có khái niệm về cuối tuần hay nghỉ lễ.
Tết dương lịch vừa qua em cũng đã có trải nghiệm cất cánh 20 phút sau khoảnh khắc bước sang năm mới 2024. Khi ấy, chuẩn bị bay từ Melbourne (Úc) về Hà Nội, tổ bay và tổ tiếp viên tranh thủ nâng ly bằng nước hoa quả, gửi lời chúc mừng năm mới đến nhau.
Em tin rằng chuyến bay ngày Tết âm lịch cũng sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ với em như vậy. Bởi vì cất cánh đêm 30 nên chuyến bay của em sẽ bay qua giao thừa. Trong chuyến bay khi đang làm nhiệm vụ, chắc chắn em và tổ bay sẽ tập trung hoàn toàn cho chuyến bay", Mai Khanh khẳng định.
|
Mai Khanh dịu dàng với vẻ đẹp đậm chất con gái Hà Thành
|
Theo nữ phi công, là một trong những phi công mới, cô luôn được dạy về việc giữ thái độ làm việc tập trung và chuyên nghiệp bất kể thời điểm nào. Vì vậy việc đón năm mới sẽ để dành khi máy bay đã hạ cánh và tổ bay hoàn thành nhiệm vụ.
Mai Khanh đã chuẩn bị một hộp mứt nhỏ, vài bộ váy áo xinh để sau khi hạ cánh có thể check-in và gọi điện về nhà chúc mừng năm mới. "Như vậy, với em Tết vẫn trọn vẹn theo cách riêng dù xa nhà", nữ phi công nói.