Chuyện tình của nguyên mẫu phim “Biệt động Sài Gòn“

Google News

Sự trớ trêu của chiến tranh đã khiến ông Bảy Bê có cùng một lúc hai người vợ, cả hai người – không người nào ông đành lòng ruồng rẫy.

Có một sự thật là đến giờ phút này, vợ chồng ông Bảy Bê – bà Chính Nghĩa, 2 chiến sĩ biệt động Sài Gòn can đảm, gan dạ, nổi tiếng với nhiều chiến công vang dội một thời, vẫn chưa được công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. Lý do thì ai cũng hiểu: sự trớ trêu của chiến tranh đã khiến ông Bảy Bê có cùng một lúc hai người vợ, cả hai người – không người nào ông đành lòng ruồng rẫy.

Về lý, có thể ông chưa đúng, nhưng về tình, chắc chẳng mấy ai nói ông sai. Giữa vinh quang của một người lính và sự bình yên của hai người phụ nữ: một người ông yêu tha thiết, một người ông mang ơn cứu mạng, ông đã chọn hy sinh vinh quang của riêng mình, để mãi mãi là bờ vai che chở cho hai người phụ nữ của cuộc đời ông.

Người nữ chiến sĩ biệt động của đất thép Củ Chi

Đến đất thép Củ Chi, nhắc về gia đình bà Chính Nghĩa, ai cũng biết. Người dân ở mảnh đất anh hùng này gọi gia đình bà là “Gia đình biệt động”. 8 anh chị em bà, cả 8 người đều theo cách mạng, trong đó có 5 người gia nhập lực lượng biệt động.

3 người đã hi sinh trong chiến tranh, 5 người may mắn sống sót, tất cả đều là thương binh. Không phải vô cớ mà người ta gọi Củ Chi  là đất thép thành đồng. Ở Củ Chi, không khó để gặp những gia đình yêu nước như gia đình bà Chính Nghĩa.

Những người con của đất Củ Chi như bà, sinh ra đã sống trong bầu không khí sục sôi cách mạng, đã biết yêu nước, biết căm thù giặc, đã biết vùng lên đấu tranh.

Vì thế, việc bà tham gia đấu tranh cách mạng khi mới 8 -9 tuổi, và trở thành nữ biệt động thành khi mới 17 tuổi, như một chuyện giản dị và đương nhiên.

Ông Bảy Bê chụp ảnh cùng hai bà vợ và các con
Ông Bảy Bê chụp ảnh cùng hai bà vợ và các con

Năm 1965, cả đội biệt động số 5 đều là đàn ông, nên khi có công việc gì cần phụ nữ rất căng thẳng. ông Bảy Bê – khi ấy là đội trưởng Đội 5 Biệt động về Củ Chi để tìm kiếm một nữ biệt động cho đội của mình.

Đây là một nhiệm vụ quá nguy hiểm với phụ nữ, nên tiêu chuẩn mà ông Bảy Bê đưa ra nhờ cán bộ cách mạng ở Củ Chi tìm giúp cũng rất khắt khe: một cô gái sinh trưởng trong một gia đình cách mạng nòi, gan dạ, mưu trí, dũng cảm và đặc biệt phải nhanh nhẹn; hơn nữa, phải có một chút nhan sắc và dáng vóc của “người thành phố”.

Tìm đi tìm lại khắp đất Củ Chi, cuối cùng cô thiếu nữ 17 tuổi Vũ Minh Nghĩa (còn có tên khác là Chính Nghĩa) được gọi lên xã Thuận Đức. Lời đề nghị tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn được chính đội trưởng Bảy Bê nói với Chính Nghĩa.

Đó là lần đầu tiên, bà Chính Nghĩa gặp ông Bảy Bê. Cuộc gặp đó đánh dấu một giai đoạn “lịch sử” cả trong quãng đời cách mạng và cuộc đời riêng của bà Chính Nghĩa.

Ngày nhỏ, bà Chính Nghĩa đã là một cô bé nhanh nhẹn, thông minh. Khi các dì, các mẹ ở Củ Chi biểu tình đấu tranh chống địch, chẳng ai bảo, bà đã tự biết đi mua cả vác mía, về đưa cho các mẹ, các dì.

Cô bé Chính Nghĩa khi đó 7 – 8 tuổi, cong mông đạp cái xe đạp chở theo cả vác mía lớn đã được chặt gọn gàng rồi nhanh nhẹn vừa phát cho từng người vừa nói:

“Mấy dì cầm mía, vừa làm vũ khí đánh giặc, vừa để giải khát khi khát nước nghen” – sau này, các mẹ, các dì ở Củ Chi cứ nhắc mãi chuyện về “con nhỏ” Chính Nghĩa.

Lớn hơn một chút, Chính Nghĩa tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Đất Củ Chi ngày đó là đất cách mạng, nhà nhà, người người theo cách mạng nên người Củ Chi bị đàn áp, ruồng bố ngày này qua tháng khác.

Mỗi khi đi càn ở Củ Chi, địch lại đốt nhà, lại giết những người theo cách mạng và hãm hiếp những cô gái trẻ. Nên hồi đó đến Củ Chi, đàn ông và con gái mới lớn đều sống dưới địa đạo, trên mặt đất chỉ có người già và trẻ con.

Ngôi nhà lá của gia đình bà Chính Nghĩa, bị giặc đốt đến 5 lần, cứ dựng lên chúng lại đốt. Khi  chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt, bà Chính Nghĩa là người hăng hái đi vận động các thanh niên tham gia đánh giặc, nhưng trong lòng bà luôn có một điều day dứt:

“Mình đi vận động người ta đi đánh giặc, người ta hi sinh, còn mình thì ở đây nói suông thôi sao?”. Bà vẫn mơ ước có cơ hội trực tiếp chiến đấu với địch, nên khi nhận được lời đề nghị của đội trưởng Đội 5 Biệt động Bảy Bê, bà gật đầu cái rụp, nhưng chỉ rụt rè đưa ra “điều kiện”: “Mấy chú về nhà xin phép má giúp cháu, sợ má không chịu…”.

Mẹ bà Chính Nghĩa có 8 người con, cả 8 người đều hoạt động cách mạng. Bản thân bà cụ cũng tham gia đấu tranh. Nhưng khi nghe bảo cho cô con gái duy nhất còn ở nhà lúc đó đi làm công tác biệt động, cụ cứ ngập ngừng.

Cụ nửa muốn con đi, nửa muốn con ở lại, vì lo lắng nếu tất cả chúng nó đều đi, rồi đều ngã xuống, cụ chẳng biết sống sao lúc cuối đời. Nhưng cuối cùng trước quyết tâm của cô con gái nhỏ, cụ vẫn phải gật đầu.

Chuyện tình hai người lính biệt động thành

Hồi đó bà Chính Nghĩa là thành viên nữ duy nhất trong đội 5 Biệt động, cũng là người nhỏ tuổi nhất. Ông Bảy Bê khi ấy là đội trưởng, đã 35 tuổi, hơn bà đến 18 tuổi. Bà gọi ông là chú suốt, mà chẳng ngờ sau đó “chú” Bảy sẽ là mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất của đời bà.

Vợ chồng ông Bảy Bê hạnh phúc bên nhau
Vợ chồng ông Bảy Bê hạnh phúc bên nhau

Bà Chính Nghĩa kể: “Vì điều kiện công tác, hai “chú cháu” thường xuyên phải hoạt động cùng nhau. Có lần chở tui bằng xe Honda đi làm nhiệm vụ, đến gần bót địch, “chú” Bảy kêu: “Lát nữa đến đó, Chính Nghĩa phải ôm và tựa đầu vào tui nghen”.

Tui nghe “chú” Bảy nói, mặt đỏ bừng vì ngượng: “Ủa, ai làm kỳ vậy?”. Nhưng “chú” Bảy nạt: “Làm thế, tụi nó tưởng là tình nhân, tụi nó bớt chú ý. Chứ một nam một nữ đi với nhau, mà ngồi cách xa nhau thế, chúng nó nghi ngờ ngay”.

Thế là tui đành nghe theo. Cứ đến bót địch, tui lại giả đò dụi đầu vào lưng “chú” Bảy, dù mặt đỏ bừng vì ngượng”.

Sống và hoạt động cạnh “chú” Bảy, bà Chính Nghĩa nhận ra thủ trưởng của mình là một người cấp trên rất đáng kính, rất can đảm, gan dạ, luôn dám xông pha vào những nơi nguy hiểm nhất.

Bà phục! Nhưng điều khiến bà rung động, là cá tính trẻ trung, tâm lý của “chú” Bảy: “Mỗi khi có nhiệm vụ gì, cần phải mua sắm trang phục cho phù hợp, “chú” Bảy lại đích thân đưa tui đi, lựa giùm tui từ cái áo đến cái quần, đến đôi dép; từ kiểu dáng đến màu sắc của trang phục.

Đến cái nón, “chú” Bảy cũng nhớ mua cho tui vì sợ tui nắng”. Chính sự quan tâm lặng lẽ của người đội trưởng biệt động đã gieo vào lòng cô gái 17 tuổi ngày ấy những cảm xúc lạ lùng.

Trước và cả khi gia nhập lực lượng biệt động, bà Chính Nghĩa chưa hề biết yêu, cũng chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng. Khi gặp đội trưởng Bảy Bê, bà càng không bao giờ nghĩ người đội trưởng mà bà vẫn hay kêu bằng “chú” sẽ trở thành chồng bà.

Những lần cùng nhau đi công tác, những lần cùng nhau trải qua sinh tử, đã khiến bà yêu người đội trưởng của mình lúc nào không hay. Bà nhớ mãi một đêm, bà cùng “chú” Bảy đi công tác, lúc về gọi một chiếc ghe đưa qua sông.

Nhưng đêm đó trực thăng địch không hiểu sao cứ bay tà tà trên mặt sông. Người chèo đò sợ quá, vứt ghe rồi nhảy xuống sông bơi vào bờ vì sợ bị địch bắn, chỉ còn bà và “chú” Bảy trên sông. “Chú” Bảy nhanh tay lấy mái chèo đưa ghe vào bờ.

Nhưng khi lên đến bờ, thì rất nhiều trực thăng kéo tới. Bữa đó nghĩ mình bị lộ, “chú” Bảy nói với bà: “Chính Nghĩa chạy về cứ đi, để tui ở đây, tui sẽ bắn giặc, thu hút sự chú ý của chúng. Chính Nghĩa sẽ được an toàn”. Nhưng lúc đó, bà khăng khăng không chịu:

“Chúng ta đi công tác cùng nhau, sao có chuyện người này chết để người kia sống? Tui ở lại, nếu chết, tui chết cùng chú Bảy”. May mắn cho họ là đêm đó, dường như họ không phải là “đối tượng” của trực thăng địch, nên một lúc sau đó, mấy cái trực thăng bỏ đi. Cả hai đưa nhau về căn cứ.

Kể từ sau lần thoát chết đó, mỗi khi nhìn nhau, họ đã thấy những điều lạ lẫm mà trước đây chưa từng có. Bà Chính Nghĩa và “chú” Bảy yêu nhau lúc nào không hay. Và bà cũng không gọi đội trưởng Bảy Bê của mình là “chú” như trước nữa.

Hồi yêu nhau, bà Chính Nghĩa nhớ nhất một đêm giao thừa, vì làm nhiệm vụ, cả bà và ông Bảy Bê đều không thể về ăn tết với gia đình. Họ đứng bên nhau ở một ngôi nhà cao tầng giữa thành phố, ngắm nhìn những tràng pháo hoa rực sáng giữa trời chào năm mới.

Khi đó ông nói với bà: “Cuộc đời anh có nhiều kỉ niệm đẹp. Nhưng đêm hôm nay, đón giao thừa bên em có lẽ là một trong những kỉ niệm đẹp nhất”. Sau đó ít lâu, ông bà tổ chức một đám cưới nhỏ, chỉ có vài người chứng kiến. Vì nhiệm vụ công tác, hầu như không ai biết họ là vợ chồng.

Nhắc đến đội trưởng Bảy Bê - nguyên mẫu của nhân vật Sáu Tâm trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, người miền Nam từng sống qua thời đó đều biết. Hồi đó, Bảy Bê nổi tiếng với những chiến công rúng động cả miền Nam và cả thế giới: đánh khách sạn Caravel, đánh bom tòa Đại sứ Mỹ và đánh bom cư xá Mỹ…

Những chiến công đó đã đưa tên tuổi Bảy Bê trở thành một trong những tượng đài của lực lượng biệt động Sài Gòn thời chống Mỹ. Nhưng năm 1966, Bảy Bê bị bắt. Lấy chồng, chưa sống với nhau được bao lâu, bà Chính Nghĩa đã phải chịu cảnh vợ chồng chia ly đôi ngả.

Ông Bảy Bê bị bắt, bị địch tra tấn rồi đày ra Côn Đảo, chẳng biết sống chết thế nào. Nén nỗi đau đó, bà Chính Nghĩa tiếp tục hoạt động trong lực lượng biệt động.

Tết Mậu Thân năm 1968, đúng đêm mùng 1 Tết, bà và những người chiến sĩ trong đội 5 đã tấn công Dinh Độc Lập, với nhiệm vụ mở đường cho lực lượng ngoài thành đánh vào.

Nhưng đêm đó lực lượng ngoài thành bị một mũi quân giặc đánh chặn, không đến được Dinh Độc Lập như đã hẹn, 15 chiến sĩ biệt động đã chiến đấu chống lại cả đoàn quân địch suốt một đêm dài. 8 người đã hi sinh.

7 người còn lại, ai cũng bị thương. Sáng hôm sau, địch cho bao vây suốt mấy khu phố quanh Dinh Độc Lập, trực thăng bay lượn trên các mái nhà. Tất cả  những chiến sĩ biệt động đánh Dinh Độc Lập hôm đó đều bị bắt, trong đó có nữ biệt động Chính Nghĩa.

Sau khi bị bắt, bà bị giam vào khám Chí Hòa rồi bị đưa ra Côn Đảo. Những trận đòn tra tấn dã man không làm bà gục ngã. Ở tuổi 20, bà đã chứng tỏ ông Bảy Bê đã không nhìn nhầm khi chọn bà vào lực lượng biệt động: dù là khi cầm súng chiến đấu hay ở trong lao tù, bà vẫn là một nữ biệt động kiên cường, bất khuất.

Nguyên mẫu “Biệt động Sài Gòn” và một câu chuyện chưa lên phim

Ngày đó cả hai ông bà đều bị giam chung ở nhà lao Côn Đảo suốt 5 năm trời, nhưng cả hai đều không biết tin nhau. Đến năm 1974, bà Chính Nghĩa được trao trảo về Lộc Ninh. Nhưng ông Bảy Bê thì không được may mắn như thế.

Ông bị địch tra tấn đến gần như liệt cả người, sợ nếu trao trả ông chính thức sẽ bị dư luận lên án, địch thả ông cùng vài người khác xuống cánh đồng Chó Ngáp (thuộc Long An) vào năm 1973. Khi đó, ông không hề đi lại được.

Trong hoàn cảnh đó, em họ của bà Chính Nghĩa là Võ Thị Tránh đã đưa ông Bảy Bê về chăm sóc, thuốc thang, dần dần giúp ông lành bệnh. Khi khỏi bệnh, việc đầu tiên ông Bảy Bê làm là đi tìm tin tức về bà Chính Nghĩa.

Nhưng hỏi thông tin bà ở khắp nơi, kể cả hỏi mấy người anh của bà, họ đều lắc đầu không biết. Họ bảo bà đã bặt tin mấy năm nay. Lúc đó ông lại nghe tin có người bảo bà đã qua đời trong nhà lao Côn Đảo.

Trong lúc đau buồn, tuyệt vọng đó, bà Võ Thị Tránh đã luôn ở bên cạnh an ủi ông. Bà Tránh có chồng hi sinh trong chiến tranh, để lại một con nhỏ. Vì ơn nghĩa cưu mang, vì đồng cảnh ngộ, ông bà đã đến với nhau.

Bà Chính Nghĩa kể: “Sau khi về Lộc Ninh một thời gian, hồi phục sức khỏe, tôi được phân công về cơ quan quân báo miền. Thu xếp được công việc xong, tôi đi tìm ông ấy ngay. Nhưng khi tôi gặp ông ấy ở Củ Chi, ông ấy đã lấy vợ và đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Điều trớ trêu nhất là vợ ông ấy lại là em họ tôi”.

Khi còn ở trong tù, bà Chính Nghĩa luôn mơ về ngày hai vợ chồng đoàn tụ. Đó là động lực để bà tiếp tục sống, bất kể những đòn tra tấn dã man của quân thù.

Nhưng đến ngày đoàn tụ, bà lại ao ước giá mình có thể chết đi trong những năm tù đày, để không rơi vào bi kịch ấy. Ngày đoàn tụ của họ, cả bà và ông đều không thể nói một câu nào trước hoàn cảnh bẽ bàng đó.

Ngày đó, khi chứng kiến ông đang hạnh phúc với một người vợ khác, cảm giác lớn nhất tồn tại trong lòng bà lúc ấy là sự oán hận. Nhưng bà lại không đành lòng phá vỡ hạnh phúc của ông, càng không đành lòng để cô em họ của mình thêm một lần dở dang.

Bà rời đất Củ Chi ngay ngày hôm đó, không kịp để cho ông một lời giải thích và lao vào những ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để cố quên đi nỗi đau của riêng mình.

Nhưng người đau khổ, giày vò nhất trong bi kịch đó, không phải là bà Chính Nghĩa, mà lại chính là ông Bảy Bê. Sau ngày bà Chính Nghĩa bỏ đi, ông Bảy Bê tìm bà hết nơi này đến nơi khác. Nhưng ông chỉ tìm được bà sau ngày giải phóng.

Đơn vị ông bà đóng cạnh nhau và có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện chung với nhau. Ông lại lặng lẽ lấy honda chở bà đi gặp những gia đình cơ sở cách mạng cũ để làm việc. Mỗi lần ngồi sau xe honda ông, bà lại khóc.

Nó nhắc bà nhớ lại những kỷ niệm thời ông bà còn yêu nhau, còn chiến đấu trong đội 5 Biệt động. Trong những lần cùng đi công tác đó, ông mới dần kể cho bà nghe những trớ trêu của số phận, khiến ông lầm tưởng bà đã chết.

Khi biết người đồng chí – người vợ mà ông yêu tha thiết vẫn còn sống, ông sống trong sự cảm giác lẫn lộn giữa hạnh phúc và đau khổ. Ông bị giằng xé trong sự ngang trái của chính cuộc đời mình: một bên là người con gái ông yêu, một bên là người vợ đã cưu mang ông những ngày bệnh tật và đang mang trong mình đứa con sắp chào đời của ông.

Giữa những trận đánh vang dội, ông luôn biết duy nhất một điều, đó là xông lên chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhưng khi đứng giữa hai người phụ nữ ấy, ông hoàn toàn bối rối.

Điều duy nhất ông biết là ông không thể bỏ rơi người vợ mới cưới và đứa con nhỏ chưa ra đời, nhưng cũng không thể đánh mất người vợ mà ông đã yêu, đã cưới; người vợ - người đồng chí đã kề vai sát cánh với ông trong những ngày sinh tử.

Sau khi trò chuyện với người vợ hiện tại, nói hết những khổ tâm của mình, ông Bảy Bê đã thu hết can đảm nói với bà Chính Nghĩa: “Anh không thể bỏ cô Tránh và con. Nhưng cũng không thể hết yêu em. Nếu em chấp nhận thiệt thòi về ở với anh, anh sẽ cố gắng bù đắp cho em suốt cuộc đời mình”.

Năm 1975 – bà Chính Nghĩa mới 27 tuổi.  Bà hoàn toàn có thể tìm kiếm cho mình một hạnh phúc khác. Nhưng không dễ để bà quên ông – người đội trưởng mà bà một mực tôn thờ, người đàn ông mà bà đã yêu với những rung động mãnh liệt đầu đời.

Bà chấp nhận lời đề nghị của ông, dù biết mình sẽ thiệt thòi, dù biết sẽ có nhiều khó khăn chờ đợi ông bà phía trước: “Tôi đã nghĩ rất nhiều đêm trước khi quyết định điều đó. Lỗi không phải do tôi, cũng không phải do anh Bảy hay do cô Tránh. Lỗi là tại chiến tranh đã khiến cuộc sống của chúng tôi rơi vào bi kịch ngang trái ấy…”.

Khi biết tin ông Bảy Bê sống cùng lúc với hai người vợ, tổ chức gọi ông Bảy Bê và bà Chính Nghĩa lên. Có người cấp trên nói với ông bà: “Cả hai anh chị đều có công lao lớn, đều xứng đáng được đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Nhưng nếu muốn được tuyên dương anh hùng, anh chị phải nghiêm túc trong đời sống riêng, phải lựa chọn giữa cuộc sống riêng và sự nghiệp”. Trước yêu cầu của tổ chức, người đội trưởng đội 5 biệt động Bảy Bê đã lựa chọn hai người vợ của mình.

Ông nói: “Nếu bắt tôi bỏ vợ, tôi sẽ phải bỏ cả hai. Nhưng cả hai người phụ nữ ấy đều không đáng bị tôi phụ bạc. Tôi có thể mãi mãi không được tuyên dương Anh hùng, nhưng không thể bỏ vợ, bỏ con”.

Đó là lý do mà cho đến giờ phút này, sau khi chiến tranh đã qua đi nhiều năm, người lính biệt động lừng danh Bảy Bê đã thành người thiên cổ, ông vẫn chưa được công nhận là Anh hùng LLVTVD. Những người đồng đội của ông đều tiếc cho ông về sự thiệt thòi đó. Nhưng họ hiểu ông và ủng hộ ông.

Về lý, có thể ông chưa đúng. Nhưng về tình, chẳng mấy ai nói ông sai. Điều quan trọng hơn cả, là trong lòng những người đồng chí, đồng đội của ông, ông luôn là một người Anh hùng.

Ông Bảy Bê có với bà Võ Thị Tránh 5 người con, và có 2 người con với bà Chính Nghĩa. Hai người vợ của ông, mỗi người ở một ngôi nhà, nằm cách nhau vài cây số. Và ông, luôn chạy như con thoi giữa hai ngôi nhà ấy, để chăm sóc vợ con của mình.

Bà Chính Nghĩa nói rằng, thời bao cấp khó khăn, lo cho cả hai gia đình là điều vô cùng vất vả, nhưng chưa bao giờ chồng bà ngại ngần việc gánh vác trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình.

Những ngày đi làm, buổi sáng ông đến cơ quan làm việc, đến trưa lại tranh thủ chạy về đi lấy rau, nấu cám lợn, cho lợn ăn, làm vườn. Ông đào ao thả cá, nuôi lợn, nuôi gà và làm tất cả những công việc lương thiện có thể, để cố gắng lo cho vợ con một cuộc sống đầy đủ nhất.

Ông cố gắng bù đắp cho cả hai người vợ, để cả hai đều không cảm thấy tủi thân hay chạnh lòng về hoàn cảnh của mình.  Nhà này làm giỗ ông cố và bà nội, nhà kia sẽ làm giỗ bà cỗ, ông nội. Hôm nào nhà bên này làm giỗ, nhà bên kia sẽ sang.

Những người con của ông, được ông giáo dục, dạy dỗ và giải thích về hoàn cảnh gia đình, nên yêu thương nhau như anh em cùng một mẹ và quý trọng cả hai người mẹ của mình.

“Là một người phụ nữ, chẳng ai muốn sống kiếp chồng chung. Nhưng nhờ ông ấy cư xử khéo léo, nên hai chị em chúng tôi đều cảm thấy thanh thản khi trao cuộc đời mình cho ông ấy. Chồng tôi có những cách rất tế nhị để thể hiện tình cảm với vợ.

Ông ấy hơn tôi 18 tuổi. Sau này càng về già, ông ấy càng yếu. Nhưng ông ấy luôn cố gắng là chỗ dựa cho tôi. Mỗi khi họp cựu chiến binh, cưới con em các đồng đội, hay gặp gỡ lực lượng biệt động, bao giờ ông ấy cũng lái xe máy chở tôi đi.

Có hôm ông ấy ở bên nhà bên kia, đang buổi trưa thì lái xe máy sang bên này, gọi tôi đi công chuyện cùng. Tôi bảo: Không tiện đường, sao anh rủ em? Em đi cũng chẳng giúp gì được cho anh.

Ông ấy bảo: Anh rủ em đi để đỡ lạnh lưng. Chỉ một câu nói đó, mà tôi cảm động mãi. Tôi biết thế là mình được yêu thương, được quan tâm, thế có nghĩa là tôi quan trọng với ông ấy. Một người phụ nữ, có lẽ chỉ cần thế mà thôi” - Bà Chính Nghĩa rưng rưng nhớ lại.

Đội trưởng biệt động Bảy Bê đã không còn. Nhưng trong căn nhà mà ông đã sống cùng vợ con những năm tháng cuối đời, đâu đâu cũng thấy những bức ảnh ông chụp cùng vợ - nữ biệt động Chính Nghĩa. Ông hơn bà tới 18 tuổi.

Khoảng cách tuổi tác ấy hiện rõ trong những bức ảnh ông bà chụp với nhau ngày ông còn sống. Nhưng bà Chính Nghĩa nói, từ lúc bà gặp ông khi bà mới là một cô bé 17 tuổi cho đến ngày ông mất là tròn 40 năm, chưa bao giờ bà cảm thấy khoảng cách về tâm hồn trong cuộc sống vợ chồng.

Năm 2006, khi ông Bảy Bê mất, hai người vợ của ông đã cùng đứng ra tổ chức lễ tang cho ông. Tâm nguyện của ông trước khi mất – dùng toàn bộ số tiền phúng điếu để làm từ thiện, cũng được vợ con ông hoàn thành.

Đến phút cuối đời, người lính biệt động thành có thể mãn nguyện nhắm mắt, vì cả hai người vợ của ông, đều không bao giờ ân hận khi trao gửi cuộc đời mình cho ông, dù rằng vì điều đó, họ cũng phải gánh chịu không ít thiệt thòi.

 

(Theo Phunutoday.vn)

[links()]

Bình luận(0)