|
Nhiều ngày nay người dân thôn Phụ Chính mất ăn mất ngủ với hai "cụ sưa". |
Sở hữu hai gốc sưa cổ thụ được giới buôn sưa định giá lên tới vài trăm tỉ đồng, nhiều năm qua, người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) lâm vào tình trạng "mất ăn mất ngủ" để bảo vệ khối gỗ được xem là vàng ròng lộ thiên. Tiền đâu chưa thấy, chỉ thấy những phiền toái, lo lắng và căng thẳng vì phải canh những kẻ
chặt trộm gỗ sưa.
"Sưa tặc" hoành hành làng quê yên tĩnh
Khách lạ vào làng Phụ Chính hầu hết đều bị "soi" rất kỹ. Sở dĩ có chuyện "bất đắc dĩ" ấy là vì khoảng vài năm trở lại đây, có rất nhiều kẻ lạ mặt đổ về thôn Phụ Chính để "thăm dò" hai gốc sưa cổ thụ. Hiếm có ngôi làng nào ở Việt Nam lại được sở hữu hai gốc sưa đại thụ đến thế. Đường kính mỗi gốc sưa phải ba người ôm mới hết. Theo lời của người dân nơi đây thì hai gốc sưa này có tuổi đời khoảng hơn 100 năm.
Năm 2010, trong một trận bão lớn, một số cành sưa già gãy đổ, các cụ cao niên cùng người dân thôn Phụ Chính đã họp bàn và quyết định khai thác thêm một số cành sưa già khác để bán lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi. Sau khi thống nhất, các cụ cao niên đại diện cho thôn đã lên xin ý kiến xã và được xã nhất trí.
Việc bán đấu giá gỗ sưa kéo dài ròng rã một tháng trời. Giới buôn sưa đến như trẩy hội. Ngày nào ở Phụ Chính cũng tấp nập người ra kẻ vào. Cuối cùng, số gỗ sưa được khai thác đã được bán cho một lái gỗ ở Bắc Ninh với giá 20,5 tỉ đồng.
|
Để chống trộm, rất nhiều thanh sắt được cột xung quanh thân cây. |
Ông Vũ Văn Xuyện, là một trong 22 người nằm trong Ban quản lý gỗ sưa mà dân làng Phụ Chính lập ra chia sẻ: "Mang tiếng là dân chúng tôi đang sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỉ, thế nhưng nào ai đã được sờ tới một đồng tiền cắc bạc nào đâu. Từ năm 2010 đến giờ, làng chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng báo động hết. Khổ sở, căng thẳng lắm".
Cũng theo lời của ông Xuyện, kể từ ngày làng tổ chức bán đấu giá khối gỗ sưa khai thác thì đủ các loại thành phần trong xã hội đã đổ về đây để trục lợi. Từ giới buôn sưa thật cho tới những kẻ đầu trâu mặt ngựa lúc nào cũng túc trực trong thôn làm tình hình trở nên nhộn nhạo.
Nhớ lại ngày giao bán đấu giá khối gỗ sưa, ông Vũ Viết Binh - một cao niên trong làng vẫn cảm thấy rùng mình: "Hồi đó, các cụ cao tuổi được cử ra đại diện cho nhân dân trong thôn bán đấu giá gỗ sưa nhưng chúng tôi cũng chỉ dám ngồi trong đình cố thủ. Chả ai dám ra ngoài cả vì phía ngoài nhiều dân xã hội đen lắm. Bọn chúng đòi tiền bảo kê, môi giới và gây khó dễ với những lái buôn thật".
Không chỉ thế mà những kẻ đầu trâu mặt ngựa còn ra giá rằng, không cần biết bán gỗ được bao nhiêu tiền nhưng phải nộp cho chúng 1 tỉ thì chúng mới chịu để cho lái gỗ vào làng. Trước tình hình căng thẳng ấy, giới lái gỗ đã phải cải trang thành những người dân nghèo, có khi là đi buôn đồng nát, có khi là đi mua tóc dài để tiếp cận các bậc cao niên.
Cũng từ thời điểm đó, sưa tặc từ mọi nơi đổ về Phụ Chính khiến nơi đây không một ngày bình yên. Dân làng đã phải nghĩ ra rất nhiều cách để đối phó với bọn sưa tặc. Họ cắt cử người trông coi hai gốc sưa 24/24 giờ, đổ bê tông xung quanh gốc sưa để bảo vệ. Dù vậy vẫn không chống lại được bọn sưa tặc.
Vào tháng 9/2012, lợi dụng cơn bão lớn những kẻ trộm gỗ đã cắt khóa vào đền, đập vỡ khối bê tông bảo vệ để cắt trộm gỗ sưa. Chỉ đến sáng hôm sau, khi cơn bão đi qua thì người dân Phụ Chính mới bàng hoàng phát hiện, một phần của cây sưa đã bị trộm cắt mất. Dưới chân vẫn còn sót lại một số cành sưa mà chúng chưa kịp mang đi.
Sau lần mất trộm gỗ, người dân Phụ Chính lại tiếp tục họp bàn. Lần này, khối bê tông bảo vệ hai gốc sưa đã được chính tay những người trong thôn phá bỏ. Thay vào đó là những thanh sắt dài và dày được cắm sâu xuống đất và chọc thẳng lên trên rồi khum lại như hình chiếc lồng khổng lồ. Để tăng thêm sự cảnh giác, dân làng quyết định thuê hai thanh niên trai tráng canh gác mỗi đêm với giá 100.000 đồng/người. Phía trong đền đặt một cái trống, hễ có "biến" thì đánh trống để báo động.
Số gỗ mà bọn trộm không kịp mang đi đã được dân làng xây hẳn một kho như thể mật thất để bảo vệ. Cửa vào mật thất được bít kín bằng bê tông. Nếu quyết định bán số gỗ trong đó thì chỉ có cách duy nhất là phá cửa mà thôi.
Nhập nhằng quyền lợi
Trở lại chuyện bán gỗ sưa của người dân thôn Phụ Chính, số lượng gỗ khai thác và bán vào khoảng 25m3, trị giá 20,5 tỉ đồng. Số lượng gỗ này đã được lực lượng Kiểm lâm của huyện Chương Mỹ đóng dấu xác nhận hợp pháp. Thế nhưng, khi gỗ được chuyển ra khỏi làng thì đã bị Công an huyện Chương Mỹ thu giữ. Sau đó cả tiền và gỗ đều bị phong tỏa.
Để phục vụ cho việc điều tra nguồn gốc gỗ, ngày 5/5/2011, Công an thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Tổng cục Kiểm lâm xin ý kiến về việc xử lý số gỗ. Hai mươi ngày sau, Tổng cục Kiểm lâm có công văn trả lời rằng đây là số gỗ được trồng phân tán, do người dân thôn Phụ Chính trồng nên họ sẽ được toàn quyền trong việc sử dụng số gỗ đó.
|
Hằng đêm, dân làng thuê hai thanh niên canh gác cây. |
Thế nhưng, ngày 31/3/2015 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại ký công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa đã thu giữ cho UBND huyện Chương Mỹ bán đấu giá. Số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách của huyện.
Trước nội dung của công văn nói trên, bà con nhân dân nơi đây đã rất bức xúc. Tất cả đều cho rằng, đó là một quyết định vô lý. Bởi theo quan điểm của dân làng thì chính họ là người trực tiếp trồng hai gốc sưa đó và trên phần đất của địa phương nên họ phải có quyền hưởng toàn bộ số tiền bán gỗ sưa. Suốt 5 năm qua, nhiều người dân trong làng đã làm đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng để đòi quyền lợi về cho địa phương.
Tuy nhiên, tiền đâu chưa thấy nhưng số tiền thuê người trông coi sưa suốt nhiều năm qua, tiền xây dựng kho, tiền đổ bê tông và tiền mua những khối thép lớn đã lên tới hàng trăm triệu. Và hiện giờ thì người dân Phụ Chính vẫn đứng ngồi không yên vì phải lo canh giữ khối tài sản có giá hàng triệu đô này.