Sau khi đi chiến đấu ở khu vực đường 9 Nam Lào về, cựu binh Hoàng Xuân Tứ bị mắc bệnh vô sinh. Năm 1979, vợ chồng ông và gia đình bàn nhau để gửi vợ “ngủ” với người đàn ông khác để kiếm một người con cho vui cửa vui nhà. Bí mật này được vợ chồng ông giữ suốt từ khi sinh con cho đến năm 2010 vì sự kiện đi khám bệnh làm hồ sơ hưởng chất độc hóa học.
Ông Tứ hẹn chúng tôi ở nhà của một người đồng đội cũ cách gia đình ông khoảng 1km. Việc này không phải để ít người nghe thấy câu chuyện mà bởi vì đồng đội là nơi ông chia sẻ và thấu hiểu nhất về những câu chuyện từ thời mưa bom bão đạn cho đến cuộc sống hằng ngày của ông.
Cả gia đình đồng ý: Cho vợ “ngủ” với người khác
Ông Hoàng Xuân Tứ ở thôn Quảng Liên 1, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn nhập ngũ tháng 5/1966 và xuất ngũ năm 1969. Bỏ qua những câu chuyện về thời gian chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào và đường Trường Sơn... chúng tôi muốn nhắc đến “cuộc chiến” đời thường của ông như một bi kịch khiến nhiều người nhỏ lệ.
Ngồi nâng chén trà đắng chát đặt lên môi, ông Tứ kể về những bí mật đời tư ông giữ kín suốt gần 30 năm mà giờ đây nó đã được giải mã. Người đàn ông dũng cảm, can trường trước mưa bom bão đạn năm nào giờ đây lại yếu đuối khi nói về bi kịch đời tư của mình. Ông nói chuyện với giọng run run, thỉnh thoảng lại ngắt giữa chừng rồi lấy tay ôm ngực hít thở một hơi thật dài rồi mới ngập ngừng kể tiếp.
|
Người cựu binh đang phải đi qua những ngày “giông bão” nhất sau chiến tranh. |
Theo đó, sau khi tham gia chiến đấu và trở về với thương tật hạng 4/4, đến năm 1974 ông Tứ lập gia đình với một người phụ nữ cùng quê mong muốn sống cuộc sống yên bình và sinh con đẻ cái. Thế nhưng, gần 10 năm sau khi cưới mà ông và vợ vẫn không thể có con do ông bị vô sinh trong quá trình phơi nhiễm chất độc hóa học tại Nam Trường Sơn và Lào.
Năm 1979, vợ chồng ông và gia đình ngồi lại với nhau để bàn bạc việc cho vợ ông đi “ngủ” với người khác để tìm kiếm một đứa con cho vui cửa vui nhà. Chuyện được cả gia đình đồng ý, nhưng mãi tới 5 năm sau việc này mới được thực hiện. Vợ ông tìm được một đứa con với người đàn ông xa lạ tại TP Lạng Sơn. Cuối năm 1982, ông bà và gia đình vui mừng vì đứa con trai đầu lòng đã được sinh ra, hàng xóm đem trứng, gà đến chúc mừng gia đình, nhưng không ai biết phía sau đó là câu chuyện đầy day dứt, đau khổ của cặp vợ chồng nơi xóm nghèo biên ải.
Ông Tứ ngập ngừng: “Tôi quyết định để vợ đi “ngủ” với người khác là để về già có đứa con mà nương tựa. Cho dù sau này đứa con trai có biết chuyện không yêu quý tôi nữa thì vợ tôi vẫn là mẹ của nó, ít ra bà ấy cũng có chỗ nương tựa, không vì tôi mà phải khổ”.
|
Ông Hoàng Xuân Tứ đã từng nếm trải sự khốc liệt của chiến tranh, nay lại phải đối mặt với những bi kịch của bản thân do chất độc da cam gây ra. |
Từ đó, ông không dám nhìn mặt con…
“Hồi còn trong quân ngũ, đơn vị tôi phải hành quân qua những cánh rừng trơ trụi lá vì bị đế quốc Mỹ phun thuốc diệt cỏ. Nhưng hồi đó trong tâm trí của mỗi người lính chúng tôi có ai biết đó là chất độc hóa học màu da cam đâu, mãi sau này đất nước hòa bình nghe người ta nói thì mới biết.
“Vợ chồng tôi quyết định giữ bí mật về người bố thực sự của con trai đến hết đời, đến khi nào nhắm mắt xuôi tay. Kể từ đó chúng tôi không bao giờ nói chuyện với nhau về việc này. Cho dù đôi lúc trong lòng mỗi người vẫn nghĩ đến”, ông Tứ cho biết.
Thế nhưng, câu chuyện bí mật của gia đình ông bỗng bại lộ vào năm 2010. Khi đó, ông nghe bạn bè nói là Nhà nước đang có chính sách đền ơn đáp nghĩa. Những người đã tham gia chiến đấu ở vùng nhiễm chất độc hóa học nếu bị vô sinh sẽ được hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam.
Nghe được thông tin này, ông vội đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn để khám bệnh. Ông khai mình bị vô sinh, nhưng có người không hiểu chuyện liền thắc mắc về đứa con trai của ông. Họ nói: “Vô sinh sao vẫn có đứa con trai đấy thôi”. Vậy là tin đồn lan truyền, bí mật 28 năm của vợ chồng ông bại lộ.
Người con trai của ông biết chuyện đã rất sốc và đòi đi xét nghiệm AND. Do đó, ông Tứ phải kể hết đầu đuôi câu chuyện với con trai. Cũng từ đó, ông không dám nhìn vào mặt đứa con mỗi khi về nhà. Cảm giác tội lỗi, day dứt và đau khổ cứ dâng trào trong lòng.
|
Nhiều loại giấy tờ gốc ông Tứ đã nộp lên Huyện đội Cao Lộc để làm chế độ thương binh nhưng khi ông đề nghị cấp lại để hưởng chế độ da cam lại không được chấp nhận. |
Có lẽ tội lỗi này là do tôi!
Ông Tứ kể: “Lúc biết chuyện nó đã khóc, tôi cũng thế, rồi mỗi bữa ăn cơm cả gia đình chúng tôi vẫn ngồi quây quần cùng nhau, nhưng không ai nói với nhau một lời nào. Có lúc tôi gượng bắt chuyện nhưng nó không trả lời, tôi cũng lặng im”.
Sau những sóng gió xảy ra đối với gia đình, ông Tứ tỏ ra ân hận vì đã đến bệnh viện khám bệnh để làm hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học mà để lộ chuyện lớn nhất của cuộc đời. Khi biết chuyện, bạn bè ông động viên rằng, dù sao đứa con trong gia đình ông cũng không có tội. Anh ta cũng cần phải biết người bố thực sự của mình là ai. Thế nhưng, ông Tứ lại nghĩ rằng, ông sẽ giữ bí mật đó đến lúc về bên kia thế giới, còn việc tiết lộ bí mật cho con biết sẽ là do vợ ông nói ra, nhưng không phải lúc này.
Ngồi tựa ghế nhìn vào mênh mang vô định, ông Tứ bảo: “Có lẽ tội lỗi này là do tôi, nhưng tôi không hối hận vì điều đó. Có thể sau này tôi sống đơn độc nhưng vợ tôi thì phải có chỗ để nương tựa. Điều cay đắng nhất với tôi là đi khám bệnh để hưởng chế độ chính sách. Giờ đây chính sách thì không được còn gia đình thì bất ổn, không còn đầm ấm như xưa nữa”.
Hiện tôi đang hưởng chế độ thương binh hạng 4/4, nhưng muốn làm hồ sơ để hưởng chế độ dành cho người bị phơi nhiễm chất độc hóa học theo chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, họ đòi tôi nộp giấy tờ gốc mà những loại giấy tờ này tôi đã nộp lên Huyện đội Cao Lộc từ năm 1969. Bây giờ đến hỏi lại hồ sơ họ không cho nên hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ chất độc hóa học”.
Ông Hoàng Xuân Tứ