90 tuổi mỗi ngày leo 2.000 bước ngược núi quét mộ vua Đinh-Lê

Google News

(Kiến Thức) - Cụ Dương Thị Sửu 90 tuổi không quản mệt nhọc leo 2.000 bước lên núi Yên Mã mỗi ngày để quét lá mộ vua Đinh - Lê.

2.000 bước ngược núi
Câu chuyện về cụ già tuổi 90 ở thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) mỗi ngày đi 2.000 bước ngược núi Yên Mã để quét dọn mộ vua Đinh – Lê, nghe thoáng qua như là huyền thoại. Bởi rất có thể sự thêu dệt của người đời qua mỗi ngọn núi, con sông lại đầy thêm một chút. Nhưng với người bản địa ở cố đô Hoa Lư, câu chuyện đó đã diễn ra hai chục năm nay, chẳng có gì xa lạ. 
Muốn tường tận sự thật mắt thấy tai nghe, chúng tôi tìm về Hoa Lư. Ngôi nhà cấp bốn lợp ngói mũi cũ kỹ, rêu phủ kín bậc thềm là nhà cụ Sửu. “Bà ấy đi mua hương, sắm lễ để tí lên núi Yên Mã, các anh cứ ngồi đây chờ chút”, cụ ông Nguyễn Văn Quần hấp háy đôi mắt mờ đục nhìn khách, miệng bỏm bẻm nhai trầu thưa chuyện với khách.
Chừng mươi phút sau, cụ Sửu về. Tay đem theo một giành hương và bánh trái. Mà cái giành thoáng qua cũng đã cũ kỹ lắm rồi. Cái thân thể gầy nhom của ngưỡng tuổi gần đất xa trời cũng đã xiêu xẹo lắm. Chân đi không còn vững, có những bước lục khục như sắp ngã. Cụ bà đem đùm cơm nắm muối vừng bỏ vào giành, ngó sang bảo cụ ông: “Tôi nấu xong hết rồi. Đến trưa ông cứ thế sắp ra mà ăn”.
Mỗi ngày, cụ Sửu ngược dốc 2.000 bước lên mộ vua Đinh - Lê.  
Nói rồi cụ cầm giành bước đi. Từ nhà cụ, phải qua thôn Tây, qua cổng làng làm toàn bằng đá trắng mà xưa kia chỗ ấy gọi là cống Chẹp. Đoạn đường cứ thế dài ra, cụ Sửu chỉ tay sang bên trái bảo kia là chùa Nhất Trụ. Nhất Trụ nghĩa là một cột, ai bảo chỉ Hà Nội mới có chùa một cột cơ chứ! 
Qua một đoạn nữa, cụ chỉ tay sang bên phải qua cổng tam quan cũ rích ngả màu thời gian giới thiệu đó là đền Lê. “Những hàng nhãn cổ thụ dẫn vào trong đền đều là do cha của già này trồng cả đấy. Còn bên này là vườn hổ của vua Đinh, khu này trước hùm beo nhiều vô kể, là chỗ xử tử những kẻ phản quốc. Còn phía trước kia, chỗ có cái hồ bán nguyệt là đền Đinh đẹp và cổ nhất cố đô”, cụ Sửu giới thiệu như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.
Mặt trời đứng bóng, mồ hôi cụ Sửu cũng đã ướt đẫm hai chiếc áo bà ba cũ chuyển màu cháo lòng. Những bước chân mới chỉ chạm tới những bậc thềm đầu tiên của ngọn Yên Mã cao trăm mét. Như muốn thoát cái nắng của mùa hè, cụ Sửu thoăn thoắt đôi chân gầy trên những bậc thềm mà những đấng trai tráng kiện phải cao chân sải bước.
Một bậc, hai bậc, hết dốc lên thẳng đứng vòng trái lại quanh phải. Càng lên cao, không khí càng loãng, tuy có mát hơn nhưng bóng nắng càng như chạm đầu.  Tôi ngỏ ý muốn cầm giúp cụ giành đựng lễ vật nhưng cụ khước từ, bảo: “Ngày nào già chẳng xách cái giành này. Các anh có mệt thì mệt chứ già này không mệt”. 
Mặt trời đứng bóng, cũng là lúc chúng tôi leo đến đỉnh Yên Mã. Cậu bạn đi cùng nhẩm đếm, đúng 2.000 bước chân tròn chẵn khi chạm mộ phần vua Đinh – Lê. Tôi thầm nghĩ, với cụ Sửu ở tuổi 90, mỗi ngày 2.000 bước lên, 2.000 bước xuống thì phải chăng là một phép màu.
Như muốn thoát cái nắng của mùa hè, cụ Sửu thoăn thoắt đôi chân gầy trên những bậc thềm mà những đấng trai tráng kiện phải cao chân sải bước. 
Mưa gió không quản
Đã 20 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, cụ Sửu đều đặn lên mộ vua thắp hương, quét tước lá rụng và lau dọn bia đá sạch sẽ. Hỏi cụ ngày ốm thì ai làm giúp? Cụ bỏm bẻm bảo, 20 năm nay từ khi trông coi mộ vua đến giờ chưa khi nào ốm. Có mỗi một bận bị run rẩy khi leo đến đỉnh, nhưng từ khi được cao nhân ghi cho 5 loại lá quanh mộ đem về sắc uống thì bệnh run khỏi hẳn.
Những lúc trời nắng tạnh thì không sao, nhưng khi trời mưa cụ Sửu phải trú ở trong những hang hốc quanh mộ. Cụ kể, có đận trời mưa to lại dai dẳng, không dám xuống núi. Con cháu chia nhau đi tìm. Khi lên đến mộ, gọi mãi không thấy. Chúng tìm mãi mới thấy cụ đang ở trong hang, vừa lạnh vừa đói cụ đã lả đi tự lúc nào.
Ngôi mộ vua Đinh – Lê không đồ sộ nhưng nằm trên đỉnh núi. Xung quanh bao bọc bởi những phiến đá lớn cùng những cây cổ thụ. Gần mộ, có một tấm bia khắc chữ Nho đã mờ nét. Cụ Sửu bảo, đó là bia hai mặt ghi về vua Đinh – Lê, người cố đô cứ quen gọi đó là bia sinh tử.
Bao giờ cũng vậy, khi đến mộ, công việc đầu tiên của cụ Sửu là quét tước lá cây cho sạch sẽ. Sau đó sắp lễ, thắp hương cầu khấn anh linh vua Đinh – Lê cho quốc thái dân an. Đến bữa, cụ lại giở gói cơm nắm muối vừng ra ăn. Mỗi bữa cơm là một sự đơn độc, nhưng chưa bao giờ cụ cảm thấy việc mình làm là vô nghĩa.
20 năm nay cụ đã làm công việc không lương này. 
Ba đời coi mộ vua
Ngồi trên đỉnh núi Yên Mã, cụ Sửu bảo, đến đời cụ là 3 đời của dòng họ trông coi lăng mộ vua Đinh - Lê. Công việc này chẳng do ai giao khoán hay nhờ vả. Nhưng ở đất cố đô, việc coi lăng mộ như là nhiệm vụ trọng đại và vinh dự mà không phải ai cũng làm được.
Nhiều người bảo, mộ vua Đinh - Lê trên đỉnh Yên Mã là mộ giả. Cụ Sửu không cần biết đó là giả hay thật. Chỉ biết từ hồi còn bé tí, cụ cố đã kể về ngôi mộ ấy và giao trọng trách phải canh giữ, không để hương khói lạnh tanh, không để kẻ tham đào bới.
Mà chuyện đào bới kho báu ở cố đô Hoa Lư không phải là hiếm. Giữa những trùng trùng núi non, hồ thác đã có những kẻ tìm đến những gốc cây cổ thụ đào sâu xuống dưới tìm vàng. Lại có những kẻ bất nhân đào cả mộ cổ lên xem có gì đáng giá. Mà phần lớn, theo cụ Văn Quần – chồng cụ Sửu thì toàn là người Trung Quốc sang nhòm ngó, chứ người Việt chẳng ai dám phạm đến lăng vua.
Ba đời canh giữ lăng mộ vua chúa là cả trăm câu chuyện huyền bí. Nhưng những câu chuyện ấy chẳng mấy ai được nghe cụ Sửu hé lộ. Cụ chỉ buồn buồn bảo: “Thời nay, hình như người ta quên vua Đinh – Lê rồi. Lăng mộ còn đấy, lịch sử vẫn ghi mà chẳng mấy người đến du lịch Hoa Lư lên thắp hương tưởng nhớ. Có lẽ người ta quên thật chứ chẳng quên đùa đâu cháu nhỉ?”.
Tôi chẳng biết trả lời thế nào khi vẫn còn đó một cụ già 90 tuổi ngày ngày leo ngược dốc 2.000 bước lên, 2.000 bước xuống thắp hương cho lăng mộ vua bằng cả tấm lòng và chút hơi thở sắp tàn.
“Cụ Sửu đã trông coi lăng mộ vua Đinh – Lê lâu lắm rồi. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu năm nữa. Đây gần như là công việc gia truyền nhưng là tự nguyện, không có ai chi trả lương cả. Mỗi ngày cụ Sửu lên xuống núi Yên Mã với mấy ngàn bước chân, với người cố đô đó là một điều kỳ diệu”.
Ông Phạm Văn Khang (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trường Nguyên)
Trần Hòa

Bình luận(0)