Xử kẻ đập vỡ hơn 300 bát hương ở HN thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Hình phạt cao nhất dành cho kẻ đập vỡ hơn 300 bát hương có thể lên đến 5 năm tù tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và các tình tiết giảm nhẹ.

Để trả thù vợ và đồng nghiệp của vợ, Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1983, quê TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã đập vỡ hơn 300 trăm bát hương tại nghĩa trang Y La (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) rồi để lại những dòng chữ thô tục tại tường Nhà chờ tang lễ, nhằm mục đích đổ tội cho người khác.
Sau 1 tuần gây tội, biết mình nằm trong “tầm ngắm” của lực lượng cảnh sát, đối tượng Kiên đã ra đầu thú. Hiện Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang tạm giữ hình sự đối tượng Kiên để điều tra về hành vi “Xâm phạm mồ mả”.
Xu ke dap vo hon 300 bat huong o HN the nao?
Đối tượng Nguyễn Trung Kiên tại cơ quan điều tra
Theo quan điểm của luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội và đồng nghiệp, hành vi xâm phạm mồ mả không chỉ được xem xét dưới góc độ pháp lý mà còn dưới góc độ xã hội.
Hơn nữa, đây là vấn đề tâm linh, là giá trị văn hóa của người Việt. Cách hành xử thô bạo đối với mồ mả đã nhiều lần bị xã hội lên án nhưng thực trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn. Đó là điều hết sức đau lòng.
Trên thực tế, người thực hiện đưa ra những tình tiết nhằm phủ nhận mức độ nghiêm trọng của hành vi như: không am hiểu pháp luật, thực hiện hành vi trong tình trang tinh thần bị kích động mạnh…
Hành động đập vỡ hơn 300 bát hương của đối tượng Nguyễn Trung Kiên có tính chất phá hoại nghiêm trọng. Hậu quả của hành vi này để lại về vật chất không lớn nhưng để lại sự phẫn nộ về mặt tinh thần của gia chủ, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Do đó, hành vi đập phá hàng trăm bát hương ở nghĩa trang của đối tượng Kiên cần được cơ quan có thẩm quyền xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc.
Theo quy định tại Nghị định số 35/2008/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang đưa ra khái niệm: “ phần mộ cá nhân là nơi tang thi hài, hài cốt của một người” ( khoản 4 điều 2). Mồ mả là nơi để chôn cất thi thể hoặc hài cốt hoặc tro hài cốt của cá nhân. Pháp luật nước ta có những quy định ngăn chặn, trừng trị người xâm phạm mồ mả của người khác.
Hành vi của ông Kiên là đập phá 336 bát hương trên phần mộ của Nghĩa trang và trong nhà tưởng niệm đã được coi là có hành vi phá mồ mả ảnh hưởng tới đời sống tâm linh, giá trị văn hóa của người Việt.
Tùy theo mức độ thiệt hại và các tình tiết giảm nhẹ, thì ông Kiên có thể phải bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự hoặc vừa phải chịu trách nhiệm hình sự vừa phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.
Về tình tiết đối tượng Kiên từng bị ngã từ tầng 2 xuống đất dẫn đến suy nhược thần kinh và mắc một số bệnh khác trong lúc di dời tài sản do nhà bị cháy có được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không phụ thuộc vào kết luận của cơ quan pháp y.
Trường hợp thứ nhất: nếu đối tượng Kiên có kết luận của cơ quan xác định bị bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì có thể được HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 46 Bộ luật hình sự.
Trường hợp thứ hai: nếu đối tượng Kiên có kết luận của cơ quan pháp y là không bị bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật mà không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 46 Bộ luật hình sự.
Như vậy, hình phạt cao nhất dành cho đối tượng Kiên có thể lên đến 5 năm tù giam tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và các tình tiết giảm nhẹ.
Quy định tại điều 246 Bộ luật Hình sự người có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác sẽ bị xử lý như sau:
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Hồng Liên

Bình luận(0)