Liên quan đến vụ 5 triệu yen nhặt được trong thùng loa cũ, hôm 15/5, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (ngụ quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây có một người đàn ông lạ mặt đã trực tiếp tìm đến nhà chị Hồng đưa thư và tiền (5 triệu đồng) cùng lời đề nghị chị đưa toàn bộ số tiền 5 triệu yen để họ gửi trả lại cho… nước Nhật.
Theo lời chị Hồng, người lạ mặt ấy trạc ngoài 40 tuổi. Người này tự xưng là nhân viên thuộc một công ty hoạt động “chiến lược doanh nghiệp” có trụ sở nằm tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi nhận phong bì, chị Hồng gửi lại toàn bộ số tiền trên cho người lạ mặt và chỉ lấy bức thư để đọc.
|
Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ.
|
Bức thư có nội dung như sau:
“Thân gửi Hồng!
Anh gửi Hồng số tiền ban đầu từ gia đình anh để chia sẻ với Hồng, trong lúc chờ đợi thêm từ phía bạn bè, các giám đốc công ty và các tổ chức khác tại Hà Nội. Anh cũng đã viết hai bài phân tích nhằm kêu gọi tinh thần mọi người cả nước cùng chung lòng quan tâm tới việc trả lại tiền cho Nhật Bản, qua việc này xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thông qua con người lao động cần cù và lương thiện như một thông điệp gửi tới bạn bè và thế giới”.
Trong bức thư, người đàn ông suy đoán: “Chủ nhân thực sự của số tiền, có thể là một người làm ăn ở Nhật, tích góp tiền Nhật và mang về Việt Nam. Do đó, nếu không tìm được chủ nhân thực sự của số tiền, chúng ta hãy trả lại cho đất nước đã sản xuất ra số tiền này. Điều này sẽ giúp cho người Nhật Bản, đất nước Nhật Bản, hay rộng hơn là thế giới sẽ nhìn nhận đầy đủ hơn về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam”.
Cuối cùng, người viết bức thư này mong muốn chị Hồng đưa toàn bộ số tiền cho ông ta để ông trả lại cho người Nhật. Theo đó người đàn ông và bạn bè của ông ta sẽ hỗ trợ số vốn lớn để chị Hồng làm ăn, đầu tư làm giàu.
Chia sẻ với PV tờ báo này, chị Hồng cho biết: “Tôi thấy lá thư của người này có nhiều điểm vô lý nên từ chối lời đề nghị. Nếu người nào đó thực sự là chủ nhân của số tiền và chứng minh hợp pháp thì tôi sẽ đồng ý giao trả lại”. Dù thấy thái độ kiên quyết của chị Hồng nhưng người đàn ông đó vẫn để lại số điện thoại, với hy vọng chị sẽ gọi lại.
Như tin tức đã đưa, chiều ngày 21/3/2014, vợ chồng chị Hồng phát hiện số tiền 5 triệu Yen Nhật bị bỏ quên trong loa thùng cũ, chị Hồng đã đến trình báo, giao nộp số tiền trên cho công an Tân Bình để nhờ giải quyết.
Ngày 28/4/2014, công an quận Tân Bình đã ra thông báo truy tìm chủ sở hữu. Đến ngày 10/4, bà Ngọt có đơn gửi đến công an quận Tân Bình yêu cầu nhận lại số tiền 5 triệu yen do chồng bà là ông Caleb để quên trong thùng loa, vì không nhớ nên đem cho thùng loa đi.
Công an Tân Bình cho biết, do có tình tiết mới như trên nên cần có thời gian xác minh làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. Do đó, công an quận Tân Bình đã trả lời bằng văn bản cho chị Hồng vào ngày 12/5 với nội dung chưa thể giải quyết số tiền như trên.
Sáng 13/5 chị Hồng đã đến công an Tân Bình nộp đơn khiếu nại quyết định kéo dài thời hạn bàn giao 5 triệu yên của cơ quan này.
Đơn khiếu nại của chị Hồng có ba nội dung. Bà Ngọt không phải là đương sự, không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản, vậy Công an Q.Tân Bình căn cứ vào cơ sở pháp lý nào vẫn thụ lý vụ việc, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị?
Dựa vào cơ sở pháp lý nào Công an Q.Tân Bình tiếp tục xác minh chủ sở hữu tài sản trên, đặc biệt khi thời hạn một năm đã hết? Dựa vào căn cứ pháp lý nào mà quá thời gian một năm theo quy định của pháp luật, Công an Q.Tân Bình tự ý gia hạn thời gian tìm kiếm chủ sở hữu?
Trong đơn, chị Hồng cũng trình bày theo qui định tại Điều 239, Bộ luật dân sự; Điều 103 và 119, Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 58, Bộ luật tố tụng dân sự thì cơ quan công an không có trách nhiệm điều tra ai là chủ sở hữu của tài sản.
Việc Công an Q.Tân Bình kéo dài thời gian giải quyết vì cần xác minh đơn của bà Ngọt là không đúng thẩm quyền.
Chiều cùng ngày, bà Phạm Thị Ngọt (SN 1975, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM - người tự nhận số tiền 5 triệu yen là của chồng mình) đã đến Công an quận Tân Bình để bổ sung giấy tờ của ông Caleb Afolayan.
Cụ thể, các giấy tờ mà bà Ngọt giao nộp cho công an quận Tân Bình liên quan đến ông Caleb Afolayan (quốc tịch Nam Phi, chồng bà Ngọt), gồm: giấy phép lao động cho một công ty với vai trò giáo viên (do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cấp, từ tháng 6/2010 đến ngày 14/6/2013), giấy tạm trú (do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM cấp, thời hạn tháng 6/2010 đến tháng 6/2013).
Ngoài ra, bà Ngọt cho biết hiện ông Caleb đang tiến hành làm các thủ tục để chứng minh ông từng dạy học tại Nhật và có thu nhập bằng tiền yên Nhật, nhằm đi đến chứng minh số tiền 5 triệu yên là của ông.
Bà Ngọt cho hay, đang chờ chồng về Việt Nam để trực tiếp hoặc ủy quyền cho bà giải quyết vụ việc liên quan đến 5 triệu Yen.
Tuy nhiên, lai lịch của người chồng Nam Phi của bà Ngọt bị cáo buộc đã nhập cảnh, cư trú bằng hộ chiếu giả.
Trước thông tin này, bà Ngọt cho biết, bà không biết chồng mình dùng hộ chiếu giả. Bà cho biết, trước đây, trong quá trình chung sống với nhau, có lần bà cũng nhìn thấy giấy tờ, hộ chiếu của chồng nhưng không biết thật hay giả vì vẫn thấy có tên tuổi, quốc tịch, có dấu... Do không rành về giấy tờ nên bà cũng không lưu ý.
Cũng theo bà Ngọt thì trước đây, trong quá trình chung sống với nhau, có lần bà cũng nhìn thấy giấy tờ, hộ chiếu của chồng nhưng không biết thật hay giả vì vẫn thấy có tên tuổi, quốc tịch, có dấu...