Thử nghiệm trong điều kiện tiêu chuẩn
Tối muộn 30/8, Hãng hàng không VietJet phát thông cáo chính thức cho biết, từ ngày 29/8 đến 3/9/2014, Vietnam Airlines và VietJet bắt đầu tiến hành bay thử nghiệm trong hệ thống buồng lái giả định (viết tắt SIM, là thiết bị chuyên dụng đặt cố định một chỗ nhưng có thể mô phỏng gần như hoàn toàn quá trình bay thực tế - PV) cho đường bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất qua không phận Lào và Campuchia.
Sau khi triển khai việc bay thử nghiệm, VietJet và Vietnam Airlines báo cáo kết quả bay SIM, tiến hành phân tích và đánh giá về chi phí, lợi ích của đường bay thẳng trước ngày 4/9.
|
Vietjet và Vietnam Airlines cùng bay thử nghiệm đường bay vàng. |
Hãng hàng không này cho biết sau kết quả thử nghiệm, hãng có thể sẽ tiếp tục bay thực tế bằng các chuyến bay thương mại bằng máy bay A320.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc bay bằng buồng lái giả định sẽ thực hiện với hai loại tàu bay A321 và B777. Các thông số kỹ thuật của các chuyến bay này được thực hiện ở mức tiêu chuẩn; đặc biệt, mực bay được đặt ở mức FL240 đến FL280.
Theo các chuyên gia trong ngành hàng không, mực bay này ít mây, giảm ma sát nên tiết kiệm nhiên liệu; việc thống nhất được với Lào và Camphuchia bay ở mức này sẽ là một yếu tố quan trọng để đường bay vàng thành công.
Ngoài ra, để sớm thiết lập đường hàng không thẳng phục vụ tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh qua vùng trời Lào và Campuchia, ngày 29/8, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh quyết định thành lập tổ công tác, nghiên cứu việc thiết lập đường bay này.
Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp Cục Hàng không dân dụng Lào và Ủy ban nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia nghiên cứu thiết lập đường Hàng không thẳng và các phương thức bay liên quan phục vụ tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.
Việc phủ nhận có nguyên nhân chủ quan
Trong một thông báo bất ngờ tối 30/8, Cục Hàng không Việt Nam lý giải về việc phủ nhận đường bay này trước đây nay lại nghiên cứu.
Cục Hàng không viết: “Trong thời gian trước đây, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dọc theo kinh tuyến 1060 đông theo đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn chưa có tính khả thi và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng (công văn số 6411/BQP-TM ngày 25/11/2009) và Bộ Giao thông vận tải (công văn số 8429/BGTVT-VT ngày 30/11/2009), Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 8758/VPCP-KTN ngày 09/12/2009 của Văn phòng Chính phủ đồng ý chấm dứt việc nghiên cứu đề xuất đường bay thẳng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh dọc theo kinh tuyến 1060 đông”.
Cục này cho biết, hiện nay, được sự ủng hộ của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng quá trình phát triển của khoa học công nghệ được áp dụng trong ngành hàng không, đặc biệt là trong dẫn đường hàng không đã có nhiều thay đổi, các yếu tố hạn chế, ảnh hưởng đến tính khả thi trong việc thiết lập đường bay thẳng trước đây đã được cải thiện, loại trừ.
Bộ Giao thông Vận tải đã có cuộc làm việc với Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Phương Minh Hòa - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã ủng hộ quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải.
Cục Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Cục Hàng không dân dụng Lào và Ủy ban Nhà nước Hàng không dân dụng Camphuchia cho phép cho tàu bay của Việt Nam sử dụng không phận.
Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức đàm phán với Cục Hàng không dân dụng Lào và Ủy ban Nhà nước Hàng không dân dụng Campuchia thống nhất các yếu tố kỹ thuật, tài chính liên quan hoạt động bay vận chuyển nội địa qua vùng trời các nước Lào và Campuchia của các hãng hàng không Việt Nam.
Mới đây, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) Tony Tyler cho rằng, việc một đường bay nội địa phải bay qua không phận nước lãng giếng không phải là chuyện cá biệt; một số nước trên thế giới cũng đã thực hiện.
Tại cuộc hội đàm ngày 21/8/2014 giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Đinh La Thăng và Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Sok An, Phó Thủ tướng Campuchia bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Việt Nam và cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất.
Về góc độ kỹ thuật, công nghệ dẫn đường hiện nay đã cho phép thực hiện việc mở đường hàng không thẳng (chuyển sang dẫn đường theo tính năng - PBN, sử dụng vệ tinh toàn cầu) mà không phải đầu tư hàng loạt thiết bị dẫn đường trên mặt đất.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đang phối hợp các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay của Lào và Campuchia lập phương án xử lý giải quyết các điểm nút giao cắt với các đường hàng không khác, bảo đảm an toàn cho hoạt động bay.
Cục Hàng không cho rằng: “Đây là cơ hội để triển khai thực hiện đường hàng không thẳng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh qua không phận Lào, Campuchia nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp đồng thời góp phần phát triển kinh tế”.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá Cục Hàng không Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT để thống nhất với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở đường hàng không thẳng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh qua không phận Lào, Campuchia trong thời gian sớm nhất.
Trong cuộc họp về chậm hủy chuyến bay trong tháng 7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã phê bình Cục Hàng không Việt Nam về việc không nghiên cứu một cách kỹ càng, thậm chí là thiếu tôn trọng đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn, sau này là ông Trần Đình Bá.
Bộ trưởng GTVT yêu cầu Cục Hàng không xúc tiến các buổi làm việc với Bộ Quốc phòng để tháo gỡ khó khăn từ trong nước. Bộ trưởng GTVT sau đó cũng trực tiếp sang Campuchia để đàm phán.