Tướng Lương: “Hạm đội đánh cá” Trung Quốc là tàu quân sự trá hình

Google News

(Kiến Thức) - Thiếu tướng Lê Mã Lương nhận định, “hạm đội đánh cá” Trung Quốc trên Biển Đông thực chất là những tàu quân sự trá hình.

Mới đây, phát biểu tại Trung tâm Phân tích hải quân Mỹ, chuyên gia Trương Hồng Châu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore cho biết, chính quyền Bắc Kinh sẽ xây dựng "hạm đội đánh cá" Trung Quốc trên Biển Đông nhằm thu thập thông tin về biển cũng như hỗ trợ các công trình nhân tạo trái phép nơi đây. 
Ông Châu nhận định, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là một trong những lực lượng ít được để ý tới trong hoạt động triển khai quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc sử dụng lực lượng này để tránh vấp phải các cáo buộc quân sự từ cộng đồng quốc tế. Trước đây, chính quyền Bắc Kinh thường sử dụng dân quân biển để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ giải cứu tàu bị mắc cạn cho đến việc tiếp cận những khu vực tranh chấp.
Theo ông Châu, Bắc Kinh dường như đang xem xét đến việc hình thành đội tàu đánh cá quốc doanh đầu tiên tại Biển Đông. Trên thực tế, việc tăng cường vai trò cho lực lượng dân quân biển của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm thị trấn đánh cá Đàm Môn thuộc tỉnh Hải Nam. Ông này khẳng định "nhiệm vụ của dân quân biển không chỉ là dẫn đầu về các hoạt động đánh bắt cá trong khu vực, mà còn là thu thập các thông tin về biển và hỗ trợ việc xây đảo nhân tạo và cải tạo các bãi đá".
Tuong Luong: “Ham doi danh ca” Trung Quoc la tau quan su tra hinh
 Tàu đánh cá của Trung Quốc trên biển Đông (Ảnh Tân hoa xã).
Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam - khi trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên đã nhận định, “hạm đội đánh cá” trên Biển Đông của Trung Quốc thực chất là những tàu quân sự trá hình.
- Thưa Thiếu tướng, ông nhìn nhận thế nào về việc chính quyền Bắc Kinh sẽ xây dựng "hạm đội đánh cá" ở Biển Đông nhằm thu thập thông tin về biển cũng như hỗ trợ các công trình nhân tạo trái phép của nước này nơi đây?
- Hành động này thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Những tàu chiến trá hình thành tàu dân sự trong cái mà Trung Quốc gọi là “hạm đội đánh cá”. Đây là một hình thức thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc xây dựng lực lượng đánh cá hùng mạnh núp dưới chiêu bài doanh nghiệp đánh cá thực chất là những tập đoàn quân sự tại Biển Đông.
- Mục đích của Trung Quốc khi xây dựng “hạm đội đánh cá” này là gì, thưa Thiếu tướng?
- Trung Quốc thể hiện nhiều ý đồ từ hành động này. Thứ nhất, rèn luyện tâm lý của những người đánh cá của Trung Quốc làm quen với điều kiện, môi trường và các loại vũ khí trang bị hiện đại. Thứ hai, họ quân sự hóa tàu đánh cá mà thế giới không thể lên án. Các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông chỉ cần lơ là, mất cảnh giác thì khi cần Trung Quốc sẽ dùng chính những tàu đánh cá đó gây sức ép và cản trở tàu đánh cá của các nước khác. Xa hơn nữa, lực lượng này sẽ được tận dụng để phục vụ mục đích quân sự. Hành động này rõ ràng là có chủ ý rất hiểm độc.
Một mặt, Trung Quốc tập rượt ở Biển Đông để thực hiện mưu đồ sâu hơn, hợp lý hóa đường lưỡi bò, đường hàng hải. Trước đây Trung Quốc cũng đã thành lập vùng nhận dạng phòng không mới (ADIZ) trên biển Đông. Những hành động đó nhằm cho những nước đang vươn lên đấu tranh với Trung Quốc sẽ bị trùng xuống, không gây đối đầu căng thẳng với Trung Quốc.
Tuong Luong: “Ham doi danh ca” Trung Quoc la tau quan su tra hinh-Hinh-2
 Thiếu tướng Lê Mã Lương.
- Những hành động quân sự trước đây và nay là hành động xây dựng "hạm đội đánh cá" ở Biển Đông, có thể các nước Đông Nam Á và các nước đang tranh chấp với Trung Quốc đều đã biết, theo Thiếu tướng, họ sẽ phản ứng thế nào?
- Hiện nay, có một thực tế đang diễn ra liên quan đến hành động và thái độ của các nước đối tác, các nước Đông Nam Á có lãnh thổ đang tranh chấp với Trung Quốc là các nước ASEAN đoàn kết chưa cao. Mỗi nước đều vì quyền lợi của dân tộc mình mà lại đang tranh thủ Trung Quốc. Và vì mỗi nước có quyền lợi, lợi ích riêng nên có cách ứng xử khác nhau. Đó là dấu hiệu rất nguy hiểm.
- Việt Nam đã phải đối đầu với nhiều thách thức đến từ Trung Quốc và nay, việc chính quyền Bắc Kinh sẽ xây dựng "hạm đội đánh cá" ở Biển Đông cũng là thách thức mới. Thiếu tướng đánh giá thế nào về những hành động và phản ứng của Việt Nam trong thời gian qua?
- Trải qua nhiều thách thức, tôi đánh giá cao phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước ta, kiên quyết phản đối những chiêu trò của Trung Quốc vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông. Ngay cả khi Trung Quốc cấm hàng không của Lào từ Hàn Quốc về Lào, trong khi nước Lào chưa lên tiếng thì Việt Nam đã lên tiếng. Đấy là điều đáng khen ngành ngoại giao.
Bên cạnh đó, cần huy động tất cả các đại sứ quán của Việt Nam tại các nước trên thế giới. Đại sứ quán phải cung cấp thông tin không chỉ cho Việt kiều mà còn cho các đại sứ quán các nước. Luôn luôn định hướng trước những thông tin đúng để nhân dân thế giới hiểu rõ hoạt động sai trái của Trung Quốc. Chúng ta có đủ tố chất, điều kiện và bạn bè quốc tế sẵn sàng ủng hộ khi ta gặp khó khăn.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Hải Ninh

Bình luận(1)

Minh Hiền

Công

Tàu Trung quốc nhiều hơn cả cá - chủ yếu là Trường Sa và Hoàng Sa chứ đánh bắt cá gì !