“Tử thần” núi Chuông: Đặt cược 5 mạng người... lấy 400.000đ!?

Google News

(Kiến Thức) - Duy nhất gia đình bà Lăng Thị Nga được nhận khoản "tiền cược" 400.000đ/tháng để chạy mìn, tức khi nổ mìn thì gia đình bà phải chạy đi nơi khác phòng chết người.

Bố thí 400.000đ để... chạy mìn
Ngồi cùng phóng viên, bà Nga không giấu nổi sự uất ức. Bà kể về sự suốt ngày nơm nớp lo sợ. Sợ vì đá từ trên núi không những lăn nát một khoảnh ruộng lúa đang trong kỳ thu hoạch mà ghê nhất là đá lăn sập nhà và lo cho tính mạng của năm người trong gia đình không biết đến bao giờ mới thoát khỏi kiếp nạn "bom đá".
Bà Nga kể lại: "Cách đây hơn một tháng, đá từ trên núi lăn xuống chỗ nhà tôi nhiều quá, đá lăn nát mất một khoảnh ruộng đằng sau nhà, đá rơi vào sân, vườn, rơi bồm bộp xuống mái nhà như mưa... Quá cực, tôi lên chỗ Công ty Phú Thái để đòi họ bồi thường về hoa mầu và có cách bảo toàn tính mạng của 5 người trong gia đình tôi. Sau nhiều ngày hẹn gặp, cuối cùng tôi được một người quen dẫn vào gặp giám đốc. 
Cả thôn 3 chỉ duy nhất gia đình bà Nga nhận được khoản hỗ trợ chạy mìn giá 400.000đ/tháng. 
Thấy tôi khiếu nại về việc đá lăn, nó lấy chân đá vào đùi tôi đau đến cả tuần, nhưng tôi vẫn kiên trì đòi hỏi công bằng. Nhiều ngày sau đó chúng nó mới đồng ý trả cho tôi số tiền 400.000đ/tháng để chạy mìn. Nó bảo khi nào nghe báo động sắp nổ mìn thì phải chạy đi, đó là chúng nó đã nhân nhượng lắm rồi".
Thấy số tiền "hỗ trợ" quá ít, bà Nga năn nỉ Công ty Phú Thái: "Số tiền 400.000đ/tháng hơi ít, hay các anh cố gắng giúp cho chúng tôi thêm một tí nữa để đỡ đi phần nào?". Thế nhưng, phía công ty này không chấp nhận giải quyết theo đòi hỏi của bà Nga.
Theo bà Nga thì dù phía các công ty khai thác đá có hỗ trợ nhiều tiền đến mấy cũng không thể đảm bảo an toàn cho tính mạng của gia đình bà: "Gia đình tôi có mấy đứa con nít ở nhà. Tôi đi làm nương, rẫy thì làm sao mà quản chúng nó mãi được, mà bọn con nít thì mải chơi, có hôm chúng ham chơi không để ý kẻng báo động nên quên cả chạy mìn. Nói là báo động vậy nhưng chỉ có mỏ Phú Thái là đánh kẻng trước khi nổ mìn khoảng 15 - 30 phút, nhưng kẻng ở tít trên đỉnh núi, nhà tôi ở dưới chân núi không nghe rõ.
Công ty Phú Thái nổ mìn ngay phía trên nhà bà Nga chỉ vài bước chân. 
Còn phía Công ty Ấn Độ thì có hôm báo động bằng tiếng còi của máy cẩu, thậm chí có hôm nó chẳng thèm nhấn còi mà cứ thế nổ luôn khiến dân chúng tôi không biết đường nào mà chạy. Đó là chưa nói đến việc Công ty Ấn Độ dùng thứ còi máy xúc chẳng có quy luật nào cả, phá đá cũng nhấn còi, tránh người cũng nhấn còi rồi đánh mìn cũng nhấn còi, nên người dân không thể phân biệt được lúc nào sẽ đánh mìn".
Hiện tại, những hộ dân sống dưới chân núi Chuông, thuộc thôn 3 chỉ có duy nhất gia đình bà Lăng Thị Nga là được nhận số tiền hỗ trợ chạy mìn 400.000đ/tháng của Công ty Phú Thái, còn những gia đình khác thì không được.
Anh Lục Văn Tuần bức xúc trước vấn nạn "bom đá". 
Mắc bệnh vì đá?
Một vấn đề khác khiến hàng chục người dân sống dưới chân núi Chuông hoang mang đó là việc trẻ con lứa tuổi từ 1 - 12 bị chứng viêm phổi. Chưa đủ cơ sở để khẳng định sự việc này có phải là do bụi từ việc khai thác đá của các Công ty Ấn Độ, Phú Thái, Hùng Đại Dương gây nên nhưng nhiều người cho rằng việc này là do bụi đá. 
Anh Lục Văn Nghia đặt ra nghi vấn: "Trong khi trẻ con ở những thôn khác cách xa bãi đá không bệnh tật gì mà trẻ con ở đây có đến hơn chục đứa dính bệnh về đường hô hấp. Khi trẻ dính bệnh, chúng tôi chỉ biết đưa ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị, nặng hơn thì đưa lên trạm xá xin vài viên thuốc uống, đỡ rồi thôi. Chúng tôi kêu lên chính quyền rồi nhưng mà sự việc đâu lại vào đó".
Nhiều người dân địa phương cho biết, nhiều hôm các công ty đá đồng loạt đánh mìn, khiến cho bụi đá bay mù mịt một góc rừng, người lớn còn cảm thấy ngạt mũi, khó thở chứ chưa nói đến con nít. Đó là chưa nói đến việc đánh mìn xong họ còn huy động máy móc, công nhân làm cả đêm khiến người dân không những không ngủ được mà còn phải hít bụi.
Trong khi ghi nhận lại những thông tin mà người dân phản ánh, hàng chục công nhân của hai công ty Ấn Độ và Phú Thái vẫn ra sức ghì mũi khoan vào sâu trong vách đá để nhồi thuốc nổ, còn những máy xúc cỡ lớn thì ào ào phá những mảng đá treo leo trên đỉnh núi cao, những tảng đá nặng ngàn cân ào ào lăn từ trên núi xuống tạo nên những màn khói đá mịt mùng như bom đạn, còn những người dân thôn 3 thì nhăn mặt, bịt mũi chửi đổng mấy "thằng" làm đá "khốn nạn" khinh rẻ mạng người và cầu mong chính quyền địa phương sẽ ra tay cứu giúp.
Anh Lục Văn Trường, một người dân thôn 3 cho biết: "Nạn bụi đá chỉ xuất hiện khi các các công ty đá đánh mìn hoặc tăng cường làm việc với cường độ cao. Đáng sợ nhất là những lần đánh mìn, bụi đá từ đỉnh núi bao phủ khắp một góc rừng, người lớn còn thấy ngạt thở huống gì con nít".
Quách Dương

Bình luận(0)