Hiến pháp sửa đổi, mức lương tối thiểu vùng sẽ lên từ 1,9 - 2,7 triệu đồng/tháng, giảm thuế nhập khẩu ôtô, miễn thuế xuất khẩu vàng nữ trang, nhiều mức phạt vi phạm giao thông giảm… là những chính sách có hiệu lực từ ngày mai.
Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực
Với 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội khoá 13 thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2014. Theo đánh giá của giới chuyên gia và dư luận, bản Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục kế thừa phát triển, những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992. Đó là hiến định về nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội….
Tuy nhiên, Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện được một số nội dung mới, trong đó đáng kể nhất là hiến định “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Lương tối thiểu vùng tăng lên 1,9 – 2,7 triệu đồng/tháng
Một chính sách khác cũng không kém phần quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động, đó là từ ngày 1/1/2014, mức lương tối thiểu vùng sẽ từ 1,9 - 2,7 triệu đồng/tháng.
|
Từ ngày mai, nhiều chính sách ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - xã hội sẽ có hiệu lực. |
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 tới đây như sau: Vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 đến 350.000 đồng/tháng.
Giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN
Cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế nhập khẩu rất nhiều loại ôtô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%, thay vì 60% như hiện nay. Riêng các loại xe tải và xe chuyên dụng sẽ được hưởng mức thuế suất 0 - 5%.
Mức thuế suất này được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014 do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011-BTC ngày 17/11/2011.
Cũng theo biểu thuế này, thuế nhập khẩu các mặt hàng tương tự hiện đang áp dụng ở mức 60% và trước đó, năm 2012 áp dụng ở mức 70%.
TP HCM: Phí trước bạ ô tô giảm còn 10%
TP HCM vừa thông qua tờ trình về việc giảm lệ phí trước bạ đăng kí lần đầu đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) từ mức 15% xuống còn 10% kể từ ngày 1/1/2014.
Theo đó, từ ngày 1/1/2014, nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt qua 2 trạm thu phí nói trên sẽ phải đóng phí tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt, tăng từ 300.000 đồng lên 450.000 đồng (vé tháng), tăng từ 800.000 đồng lên 1,2 triệu đồng (vé quý).
Đối với nhóm xe từ 12-30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn sẽ áp dụng mức phí tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt, tăng từ 450.000 đồng lên 600.000 đồng (vé tháng), tăng từ 1,2 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng (vé quý).
Nhóm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn sẽ tăng từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng/lượt, tăng từ 660.000 đồng lên 750.000 đồng (vé tháng), tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2 triệu đồng (vé quý).
Hai nhóm xe được giữ nguyên mức đang thu gồm xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, container 20 feet, xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.
Miễn thuế xuất khẩu vàng nữ trang
Đối với lĩnh vực xuất khẩu vàng, theo quy định của Bộ Tài chính tại thông tư 164/2013, từ 1/1/ 2014, thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sẽ giảm về 0%. Riêng vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2%.
Tuy nhiên, việc áp thuế đối với vàng nguyên liệu, sẽ chỉ áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty được xuất, nhập vàng nguyên liệu (hiện tại chưa doanh nghiệp nào được phép), còn khi Ngân hàng Nhà nước nhập vàng sẽ không chịu thuế.
Hiện vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% sẽ chịu thuế suất xuất khẩu là 10%, còn với nữ trang vàng có hàm lượng trên 80% cũng chịu thuế 10%. Mức thuế này được quy định từ năm 2011, sau khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang thô.
Nhiều mức phạt vi phạm giao thông giảm
Theo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được ban hành, hầu hết các mức xử phạt không tăng mà còn giảm so với trước như hành vi đi xe máy không chính chủ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (Nghị định 71 là 800.000 đến 1,2 triệu đồng), ô tô từ 1 đến 2 triệu đồng (Nghị định 71 là 6 đến 10 triệu đồng).
Nghị định cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây TNGT sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp...
Đặc biệt, một số hành vi tại nghị định được mô tả rõ hơn để tránh nhầm lẫn, giúp người dân hiểu rõ hơn hành vi của mình có thực sự vi phạm hay không như hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Tuy nhiên , quy định xử phạt chủ mô tô, xe máy không đăng ký sang tên đổi chủ sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/1/2017.
Phạt nặng quảng cáo nhạy cảm, sai phạm
Từ ngày 1/1/2014, hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp sẽ bị siết chặt hơn. Thời gian qua, tình trạng những clip quảng cáo sản phẩm gây phản cảm, không giấy phép hoặc trái với quy định… của các doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều phen khiến dư luận khá bức xúc và để lại nhiều hệ lụy xấu.
Trước thực trạng trên, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có những chế tài mới nhằm hạn chế và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này. Theo đó, từ 1/1/2014 sẽ tăng mức phạt đối với quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm và phạt tới 100 triệu đồng với những quảng cáo nhạy cảm.
Tăng mức phạt dự án triển khai “chui"
Chính phủ mới ban hành Nghị định số 155/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có quy định về xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Theo đó, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi kê khai không trung thực, không chính xác khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đăng ký giải thể doanh nghiệp...
Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định.
Phạt tiền 10-20 triệu đồng không góp đủ số vốn như đã đăng ký và phạt tiền và 25-30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc kinh doanh dưới danh nghĩa doanh nghiệp khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc đã giải thể)...
Đặc biệt, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014 và thay thế các Nghị định số 53/2007 ngày 4/4/2007 và Nghị định số 62/2010 ngày 4/6/2010.
Mẫu tờ khai thuế mới
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 156/2013/TT-BTC để hướng dẫn luật quản lý thuế sửa đổi bổ sung, thay thế Thông tư 28/2011/TT-BTC.
Theo đó, từ 1/1/2014, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện kê khai thuế sẽ áp dụng theo các biểu mẫu quy định tại Thông tư 156, không áp dụng theo các mẫu tờ khai trước đây.