Từ chối vụ kiện của VN, TQ tổn thất nặng nhất là gì?

Google News

(Kiến Thức) - Khởi kiện Trung Quốc là một quá trình lâu dài. Nếu Bắc Kinh từ chối thì cái mất nặng nhất thuộc về Trung Quốc là uy tín quốc gia...

Hội luật gia, ngư dân... Việt Nam đang cân nhắc kiện Trung Quốc vì gây ra nhiều hành động ngang ngược, phi pháp ngay trong hải phận Việt Nam. 
Trung Quốc: Uy tín quốc gia
Vấn đề Việt Nam có kiện Trung Quốc hay không vẫn chưa có câu trả lời tuyệt đối vì khi vụ kiện xảy ra, mỗi bên không ai biết trước được khả năng thắng hay thua, dù Việt Nam có nhiều bằng chứng, cơ sở thỏa đáng và thuyết phục.
Dù vậy, nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế cũng như về Biển Đông tin rằng, mang giàn khoan vào vùng biển mà theo Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) quy định thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam thì Trung Quốc đã liều lĩnh với con bài chủ quyền lỏng lẻo khi chủ quan cho rằng, Tòa án quốc tế không thể can dự vào vấn đề này vì Bắc Kinh có quyền chọn lựa chấp nhận tham dự vụ kiện hay không.
Nói cách khác, khả năng tự quyết tham dự hoặc không vụ kiện khiến nhiều người lo ngại rằng, đưa Trung Quốc ra tòa là tốn công sức và làm vấn đề nặng nề hơn. Tuy nhiên, khi nhìn vào Philippines, nước đã mạnh mẽ đưa hành động xâm lăng của Trung Quốc ra tòa quốc tế thì Việt Nam có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm nếu nghiêm túc tiến hành những bước cần thiết cho vụ kiện.
Khi Philippines chấp nhận mang Trung Quốc ra tòa quốc tế có nghĩa là Manila chấp nhận việc Trung Quốc từ chối. Dù vậy, Philippines cũng hiểu rằng, sự từ chối sẽ làm Trung Quốc mất nhiều thứ trong khi họ chẳng mất điều gì.
Cái mất nặng nhất thuộc về Trung Quốc là uy tín quốc gia. Nguyên nhân là hiện nay, Trung Quốc đã, đang đầu tư nhiều công sức, tiền của để kiến tạo quyền lực mềm, gây ảnh hưởng văn hóa trên khắp thế giới, chinh phục thế giới với triết lý Đông phương, vốn theo đuổi quan niệm hòa nhã, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... nhưng chưa thấy rõ hiệu quả. Trong bối cảnh đó, nếu không tham gia vụ kiện của một nước nhỏ hơn, Trung Quốc phải đối diện với mất mát to lớn về uy tín đối với các nước khác, đặc biệt là những nước nhỏ, đang dựa dẫm vào kinh tế Trung Quốc để phát triển. Sự tin cậy cần thiết của các nước sẽ không còn khi biết rằng, người bạn khổng lồ rất khó để mà đặt lòng tin vào, ngay cả lòng tin của một hợp đồng mua bán.
Các nước lớn hơn như Mỹ hay Liên minh châu Âu, Nhật Bản sẽ đưa ra những ràng buộc có tính kỹ thuật để hàng hóa Trung Quốc gặp trở ngại với lý do trả đũa vì Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong lúc Nhật đã và có biện pháp mạnh với Trung Quốc, hành động bất tuân luật pháp của Bắc Kinh trong các vụ kiện sẽ giúp cho Tokyo có thêm lý do thuyết phục người dân nước họ thay đổi quan niệm về một Trung Quốc hiền hòa, vô hại như trước đây họ từng nghĩ. TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan nhận định: “Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động với đội ngũ luật sư, luật gia của Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài kể cả những người yêu chuộng Việt Nam, yêu chuộng hòa bình, công lý, hoàn toàn có thể xây dựng bằng được hồ sơ để đưa Trung Quốc ra tòa về hai phương diện thủ tục và nội dung pháp lý”.
Không tham gia vụ kiện, uy tín quốc gia Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng.
Việt Nam: Chắc chắn thắng
Giáo sư Erik Franckx cho rằng, vào năm 1958, khi công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đưa ra, nhiều nước cũng ra tuyên bố mở rộng lãnh hải 12 hải lý. Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “ủng hộ cho việc mở rộng đó của Trung Quốc” mà không hề đề cập cụ thể đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”; vì vậy, không thể cho rằng, Việt Nam xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa hay Trường Sa.
Thạc sỹ Luật Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, khởi kiện Trung Quốc là một quá trình lâu dài vì đây là một vấn đề phức tạp. Phán quyết của tòa dù có lợi cho Việt Nam đi chăng nữa thì cũng không có cơ quan tài phán quốc tế nào buộc Trung Quốc phải thi hành. Tuy nhiên, việc này cho thấy quyết tâm của Việt Nam để thế giới có thái độ ủng hộ rõ ràng hơn đối với Việt Nam.
Còn nếu chỉ xét về luật biển UNCLOS 1982, ngay cả Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp đi nữa thì việc đem giàn khoan vào vùng biển ấy cũng khiến Trung Quốc thua kiện trước tòa án quốc tế. Giáo sư Phạm Quang Tuấn chia sẻ, nếu kiện vụ giàn khoan thì hầu như Việt nam chắc chắn thắng vì luật biển quy định rõ ràng, khi mà có một vùng biển đang tranh chấp giữa hai quốc gia thì hai bên phải tránh làm bất cứ điều gì có vẻ khiêu khích hay đơn phương hành động mà phải thương lượng với nhau trước đã. Vụ này rõ ràng rằng, Trung Quốc không thương lượng với Việt Nam trước khi đem giàn khoan vào vùng đó, mà đó là vùng đang tranh chấp giữa hai quốc gia, thành ra Trung Quốc làm như vậy là chắc chắn trái với luật quốc tế. Đã có những vụ án trong quá khứ xảy ra tương tự như vậy và cũng được tòa xét xử.
Kiện Trung Quốc để giành phần thắng có thể gian nan vì những lập luận không có cơ sở mà Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa thì Việt Nam đương nhiên lợi. Thế giới sẽ thấy được hai mặt của vấn đề mà mặt tích cực sẽ được Việt Nam giành trọn.

Bình luận(0)