Thời gian qua, Báo điện tử Kiến Thức có nhận được đơn thư của chị Vũ Thị Hà P. (trú tại phường Nhân Chính - quận Thanh Xuân - Hà Nội) vô cùng bức xúc về việc con gái mình buộc phải nhập viện trong tình trạng sang chấn tâm lý, không thể đi học được do bị giáo viên chủ nhiệm “tự ý áp đặt lỗi bắt viết bản kiểm điểm” và bị đình chỉ học vì lên facebook đăng status.
|
Đơn thư chị Vũ Thị Hà P. gửi Báo Kiến Thức |
Bị đình chỉ học sau khi đăng tải trạng thái trên Facebook
Chia sẻ với PV Kiến Thức, chị P. cho biết, con gái chị là Nguyễn Thị Vũ Q., học sinh lớp 12A6 – trường THPT Lê Lợi (Hà Đông - Hà Nội) vốn rất thích và học khá bộ môn Văn. Ở lớp, Quyên thường xuyên giơ tay phát biểu nêu ý kiến nhưng không được gọi, hoặc khi trả lời thì được nhận xét kiểu “Nghe thì đúng nhưng tôi vẫn thấy sai sai”.
Cho rằng mình “bị trù” vì không đi học thêm văn của cô ở trường cũng như ở nhà riêng, Q. đã lên Facebook viết dòng trạng thái thể hiện sự thất vọng với nội dung như sau: “Phải rồi! Trù thì phải trù tận gốc. Cho dù có cố gắng dơ tay phát biểu cũng sẽ bị lờ đi. Hay khi bất đắc dĩ gọi và mình đã trả lời đúng thì vẫn sẽ phải nhận lại câu “Nghe thì đúng nhưng tôi vẫn thấy sai sai”. Thật chẳng hiểu nổi tại sao lại bị đối xử như vậy? Tại sao không nói thẳng ra rằng “Vì không đi học thêm nên dù trả lời đúng tôi vẫn không cho điểm”. Chắc cũng không phải ngẫu nhiên từ nơi xa xôi lên đây đùng một cái được làm tổ trưởng bộ môn trong khi cách truyền đạt còn quá nhiều thiếu xót. Thực sự mình không muốn vì một người như vậy mà phá hủy đi niềm yêu thích của bản thân về bộ môn văn".
Dòng trạng thái của Q. được để ở chế độ bạn bè, không công khai, không viết đích danh tên hay đăng kèm ảnh của bất kỳ ai.
|
Dòng trạng thái mà Q. đã chia sẻ trên facebook. |
Theo chị P. sau khi đăng tải dòng cảm xúc, Q. đến trường và được cô Lê Thị Ngọc Lan (giáo viên chủ nhiệm và đứng lớp bộ môn Văn) gọi ra để gặp riêng. Cô Lan yêu cầu Q. phải viết bản kiểm điểm vì đã tự ý xúc phạm, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường; nếu Q. không viết sẽ bị hạ điểm, hạ hạnh kiểm và cấm thi cuối cấp. Do sợ hãi, Q. đã chấp nhận viết bản kiểm điểm theo lời cô giáo.
Vài ngày sau, cô Lan tiếp tục gọi Q. ra nói chuyện riêng. Tại đây, cô Lan yêu cầu Q. phải quỳ gối, xin tha thứ, nếu không sẽ báo lên Ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, Q. không đồng ý, sự việc sau đó được báo lên lãnh đạo nhà trường.
Ngày 15/10, đi học về tới nhà, Q. đã kể toàn bộ sự việc cho chị P. vì lo sợ bị đình chỉ học. Ngày 16/10, chị Phương tới làm việc cùng đại diện nhà trường, nhưng tại thời điểm này vẫn chưa có quyết định đình chỉ.
Ngày 19/10, thông qua bạn bè của con báo tin, chị Phương được biết Q. bị đình chỉ học 10 ngày. Chị P tìm hiểu được biết, cháu Q. bị đình chỉ học từ ngày 20/10 đến hết ngày 30/10.
Quá bức xúc và không bằng lòng với cách giáo dục của nhà trường nên gia đình chị P. đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng như Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, UBND TP Hà Nội,… để làm rõ sự việc trên.
"Tôi không hiểu an ninh mạng nhà trường là ai? Khi xảy ra vụ việc tại sao trường không mời phụ huynh đến làm việc mà cứ thế bắt con tôi viết bản kiểm điểm rồi đình chỉ học cháu trong khi chưa có ý kiến với người giám hộ cho cháu (cháu mới có 17 tuổi). Hội đồng kỉ luật con tôi được đình chỉ học khi nào? Giấy mời phụ huynh đâu?...." - chị P. đặt câu hỏi.
Theo chị P., sau khi xảy ra sự cố, cháu Q. đã phải nhập viện trong tình trạng rất căng thẳng và mệt mỏi. Tới thời điểm hiện tại, cháu vẫn không chịu tiếp xúc và nói chuyện với người lạ. Cháu vẫn phải nằm viện vì bác sĩ nói cần phải theo dõi thêm.
|
Hiện tình trạng của Q. đã cải thiện hơn, nhưng vẫn phải nằm thêm để theo dõi
|
Bác sĩ Đỗ Thị Kim Chung (BV Y học cổ truyền Bộ Công an) – người trực tiếp điều trị cho Q. thông tin: “Cháu Q. nhập viện trong tình trạng suy nhược thần kinh. Ở độ tuổi này, các cháu rất dễ bị tác động tâm lý, chỉ cần một căng thẳng nhỏ cũng dẫn tới stress. Sau khi vào viện, tôi và gia đình đã khuyên bảo và động viên nhiều nên hiện tình trạng đã cải thiện hơn, nhưng vẫn phải nằm thêm để theo dõi”.
Giáo viên chủ nhiệm cũng là nạn nhân?
Trao đổi với PV qua điện thoại, cô Lê Thị Ngọc Lan – giáo viên chủ nhiệm của Q. khẳng định, bản thân cô Lan cũng chỉ là nạn nhân. Tổ giáo vụ, tổ an ninh mạng là những người trực tiếp phát hiện ra việc của em Q. và báo lại cho cô Lan, đồng thời yêu cầu cô Lan cho em Q. viết bản kiểm điểm.
“Còn việc em Q. về nói với mẹ là không đúng sự thật. Ở trường có một ban bệ, Tổ giáo vụ đã gọi Q. ra yêu cầu khai sự thật viết bản tường trình, sau đó, tổ giáo vụ thông báo cho giáo viên chủ nhiệm thì tôi chỉ làm đúng với trách nhiệm của bản thân mình chứ tôi không có chủ động gì cả. Tôi thực sự là một người rất có tâm, khi biết thông tin này, tôi cũng rất buồn bởi bản thân tôi cũng là một nạn nhân. Việc cho họp lớp và yêu cầu Q. viết bản kiểm điểm, tôi chỉ làm đúng chức trách. Khi yêu cầu viết, tôi cũng rất nhẹ nhàng.”, cô Lan nói.
Cô Lan cũng cho biết, về những thông tin cụ thể khác, PV cứ đến trường liên hệ, cô sẵn lòng cung cấp thông tin nhưng phải được sự đồng ý hay chỉ đạo từ thầy hiệu trưởng nhà trường.
|
Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông - Hà Nội). |
Bảo vệ chặn cửa, không cho gặp Hiệu trưởng
Ngày 23/10, nhóm PV đến trường THPT Lê Lợi để hẹn gặp Ban Lãnh đạo nhà Trường, thầy Trung hiệu trưởng và cô Lan để tìm hiểu nội dung đơn thư mà chị P. phản ánh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Nho Tổ trưởng Tổ bảo vệ, Tổ phó Tổ văn phòng trường THPT Lê Lợi cho biết lãnh đạo nhà trường không có ở trường.
Thậm chí, sáng nay, thứ 2, ngày 26/10, khi PV vừa đưa giấy giới thiệu ra, bộ phận bảo vệ ngay lập tức nói rằng cả Ban giám hiệu và cô Lan đều không đến trường mà không cần kiểm tra thông tin.
Ngày 30/10, PV tIếp tục quay lại trường làm việc. Cũng giống như 2 lần trước, không cần gọi điện kiểm tra xem lãnh đạo có đến trường hay không ông Nho khẳng định với PV: “Cả hiệu trưởng và hiệu phó đều không có ở trường.”
Khi PV xin gặp đại diện Ban giám hiệu nhà trường, ông Nho cho hay: “Trường mới thành lập không có Ban lãnh đạo, trường chỉ có một hiệu trưởng và một hiệu phó. Nếu như tôi nhớ không nhầm thì đây là lần thứ 3 anh chị đến làm việc với trường.
Khi được PV hỏi: “Hai lần trước chúng cháu đến làm đặt lịch làm việc với nhà trường chú đã báo cáo lại với thầy hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường chưa?” Ông Nho trả lời: “Tôi đã vào sổ rồi. Còn từ hôm đó đến nay tôi chưa gặp thầy hiệu trưởng với thầy hiệu phó. Còn việc báo cáo hay không báo cáo là việc nội bộ của trường. Các anh chị không có quyền vặn vẹo tôi.”
PV hỏi lại, “Tức là từ tuần trước đến hôm nay (từ ngày 23 – 30/10) thầy hiệu trưởng và cô hiệu phó không đến trường?” Ông Nho nói: “Tôi không biết có đến hay không.”
Sau cả chục lần liên lạc qua điện thoại, nhiều ngày trực tiếp đến trường liên hệ đặt lịch làm việc hay gửi tin nhắn, PV vẫn không thể gặp được Ban giám hiệu cũng như cô Lê Thị Ngọc Lan. Các số máy luôn trong tình trạng bận hoặc không nghe máy. Tin nhắn hẹn gặp cũng không trả lời.
Liên quan đến vụ việc trên, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cho biết đã nhận được đơn thư của chị Vũ Thị Hà P. và sẽ trình lên lãnh đạo Sở để có chỉ đạo xử lý sớm nhất.
Báo Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc...