“Cứ vi phạm hành chính, ngành nào cũng tịch thu tài sản thì xã hội loạn”
Ủy ban an toàn giao thông quốc gia vừa có văn bản đề xuất gửi Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3. Trong đó, kiến nghị “"Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở" của UBATGT quốc gia đang gây nhiều tranh cãi.
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, tịch thu phương tiện với người có nồng độ cồn cao là giải pháp cần thiết để cảnh báo, răn đe, giáo dục, nhất là khi nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đa số do lái xe uống rượu không kiểm soát được hành vi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối gay gắt khi cho rằng, việc uống rượu bia là vi phạm hành chính, nếu xử phạt theo cách tịch thu phương tiện thì quá nặng nề. Hơn nữa, việc tịch thu phương tiện với người điều khiển phương tiện sẽ khó khả thi do liên quan đến quyền sở hữu…
|
Người điều khiển xe có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở có thể bị tịch thu phương tiện. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về kiến nghị này của UBATGT Quốc gia, ông Bùi Danh Liên,Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đề xuất giải pháp tịch thu phương tiện với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao là không khả thi.
“Không khả thi khi tịch thu tài sản được đăng ký quyền sở hữu bởi nếu tịch thu việc tịch thu, hóa giá rất phiền phức. Nếu người điều khiển phương tiện đã mang phương tiện thế chấp cầm cố tài sản để vay vốn ngân hàng trước thời điểm vi phạm thì khó có thể tịch thu phương tiện.
Hơn nữa, hành vi uống rượu say, lái xe, nồng độ cồn cao là vi phạm hành chính không thể xử lý họ như xử lý hình sự được, bởi không phù hợp với các quy định chung về luật pháp như hiến pháp cũng như bộ luật dân sự, luật xử lý vi phạm hành chính.
Hiện nay ngành nào cũng có vi phạm hành chính nếu ngành nào cũng tịch thu phương tiện, tài sản vi phạm thì loạn xã hội. Ví dụ như nếu sàn vàng ảo vi phạm pháp luật thì phải tịch thu nhà làm sàn vàng, người đánh bạc thì phải tịch thu nhà nơi chứa chấp đánh bạc…nói như thế để xem xét giải pháp tịch thu phương tiện với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao có phù hợp hay không?”, ông Bùi Danh Liên nhận định.
|
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
|
“Tất cả những người uống rượu say rồi điều khiển phương tiện đa số là dân trí thấp. Quy định, giải pháp nào cũng cần bám sát thực tế như thế nào để đưa ra phù hợp và có tính khả thi. Nếu họ vi phạm hành chính thì nên nâng cao mức xử phạt cho hành vi vi phạm đó, không nên tịch thu tài sản phương tiện của họ. Có thể nâng mức xử phạt gấp 4 đến 5 lần để răn đe.
Nhiều người nói việc xử lý phạt nặng thì ảnh hưởng khi người dân có mức thu nhập thấp nhưng tôi cho rằng, đã vi phạm hành chính thì không phân biệt giàu nghèo, không nên nói đến thu nhập của người dân mà phải căn cứ vào hành vi vi phạm để xử lý nặng và tất cả đều công bằng trước pháp luật. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính phải phù hợp với tình hình kinh tế đất nước, không thể lấy như Singapo phạt đến 40 triệu tương đương 1 tháng thu nhập của người dân nước này được. Ai cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm”, ông Bùi Danh Liên cho hay.
“ Đồng thời với việc tăng mức xử phạt, nên đẩy mạnh công tác vận động tuyền truyền vào ý thức của người dân như chúng ta đã từng cấm pháo, các ngành liên quan đã vận động người dân không đốt pháo, tuyên truyền từ cấp khu, phố đến xã phường rồi tình trạng đốt pháo cũng giảm rõ rệt như tết vừa qua chỉ có thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là còn phản ánh về tình trạng đốt pháo ở mức độ nhẹ. Và việc tuyên truyền sẽ có hiệu quả với người điều khiển phương tiện giao thông hơn là tịch thu phương tiện của họ”, ông Bùi Danh Liên nhận định.
Hậu tịch thu phương tiện sẽ xảy ra tranh chấp, xung đột pháp lý
Nhìn nhận về kiến nghị trên, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân cũng cho rằng, đề xuất trên là không hợp lý, trái với Hiếp pháp, Bộ luật dân sự cũng như Luật xử lý vi phạm hành chính.
“Vừa qua, UBATGT quốc gia và Bộ GTVT có trình Chính phủ về việc đề xuất tịch thu phương tiện với người điều khiển xe có nồng độ cồn cao cũng như lái xe máy đi vào đường cao tốc trên cao…Chúng ta đánh giá cao tinh thần UBATGT quốc gia mong muốn đưa ra những giải pháp nhằm giảm tải tai nạn giao thông, đảm bảo hạ tầng giao thồng…
Tuy nhiên việc đề xuất đưa ra các quy phạm pháp luật cần căn cứ vào các quy định pháp luật chung như Hiếp pháp, BLDS, Luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn tại Việt Nam để đưa ra các quy phạm pháp luật cho phù hợp, vừa tránh tình trạng xung đột về mặt pháp lý. Xét trên phương diện trên, đề xuất này không hợp lý, trái với Hiếp pháp, Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính”, Luật sư Trần Đình Triển nhìn nhận.
|
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân. |
“Với các phương tiện như ô tô, xe máy là tài sản của người dân. Theo Bộ luật hình sự, chỉ tịch thu phương tiện khi phương tiện đó được sử dụng vào hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội buộc phải tịch thu. Còn ở đây, khi chủ điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao là xử lý vi phạm về mặt hành chính. Việc tịch thu phương tiện trong trường hợp này cần phải cân nhắc.
Hơn nữa, kinh tế của nhiều người dân hiện nay khó khăn. Có gia đình chắt bóp, làm nụng bao nhiêu năm mới mua được cái xe, tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là đánh vào tài sản kinh tế của gia đình đó. Hơn nữa, phương tiện bị tịch thu nếu là xe đi mượn, xe cơ quan, từ việc tịch thu sẽ xảy ra nhiều vấn đề pháp lý như tranh chấp, gây ra nhiều việc phải giải quyết sau này. Việc đề xuất này không đúng, nên chăng nâng cao mức xử phạt hành chính sẽ hợp lý hơn”, Luật sư Trần Đình Triển nhìn nhận.
Chủ sở hữu và người điều khiển phương tiện khác nhau, xử lý tịch thu xe là trái luật
Về vấn đề trên, Luật gia Phạm Ngọc Hải, Chánh Văn Phòng Hội Luật Gia TP Hải Phòng nhận định, chủ sở hữu phương tiện và người điều khiển phương tiện khác nhau, nếu xử lý tịch thu xe do lỗi người điều khiển phương tiện nhưng lại vi phạm các quy định pháp luật về quyền sở hữu của người dân.
“Hiện nay có thể nhìn nhận vấn đề tai nạn giao thông đang nhức nhối, số người chết vì tai nạn giao thông cao ở mức báo động. Năm 2014, có đến 9000 người tử vong vì tai nạn giao thông. Việc điều chỉnh để giảm số vụ tai nạn giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, không phải điều chỉnh bằng mọi giá, bằng mọi cách trái luật.
Theo quy định của Hiến pháp, những tài sản được đăng ký tài sản quyền sở hữu mà nhà nước công nhận như xe ô tô. Người điều khiển phương tiện và người chủ phương tiện là hai vấn đề khác nhau. Cái xe được phép đăng ký chủ sở hữu thì là của chủ sở hữu, còn người lái xe phải đủ điều kiện theo quy định của pháp luât.
Trong xã hội xảy ra các quan hệ mà luật cho phép như quan hệ cho mượn, cho thuê…Người điều khiển phương tiện ngồi trên xe phải có trách nhiệm theo quy định pháp luật để điều khiển phương tiện theo đúng quy định của luật giao thông. Hành vi vi phạm thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm chứ không phải là xe đó phải chịu trách nhiệm”, Luật gia Phạm Ngọc Hải cho biết.
“Theo luật xử lý vi phạm hành chỉ thì chỉ người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm, nếu tịch thu phương tiện, người chủ sở hữu không vi phạm pháp luật sao có thể tịch thu tài sản của họ. Theo luật hiện đang quy định thì họ là chủ sở hữu. UBATGT ra đề xuất ấy nhưng không suy nghĩ đến hậu quả pháp lý giàng buộc, pháp luật quy định quyền sở hữu như thế nào?
BLDS cũng quy định quyền sở hữu tài sản gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt, người điều khiển phương tiện được chủ sở hữu giao. Theo pháp lệnh xử lý vi phạm xử lý vi phạm hành chính không thể xử lý người điều khiển phương tiện cùng với phương tiện. Bởi người điều khiển vi phạm quy định đường bộ thì phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm. Nếu tịch thu phương tiện là trái luật và sẽ để lại nhiều hâu quả pháp lý giữa chủ sở hữu và người điều khiển phương tiện”, Luật gia Phạm Ngọc Hải nhìn nhận.
Bộ Tư Pháp có một cơ quan chuyên rà soát các văn bản pháp luật phải có ý kiến yêu cầu Chính phủ về vấn đề này để quy định đưa ra không trái Hiếp pháp cũng như các quy định của pháp luật”, Luật gia Phạm Ngọc Hải đánh giá.